Ngày 29-6, 4 ngân hàng (NH) thương mại trên địa bàn TP HCM đã ký kết hợp đồng mới và tái ký hợp đồng tín dụng trị giá khoảng 4.663 tỉ đồng với 20 doanh nghiệp (DN) trong Khu chế xuất, Khu công nghiệp (KCX, KCN) TP.
Hoạt động ký kết diễn ra tại Hội nghị kết nối NH - DN do Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza) phối hợp NH Nhà nước chi nhánh TP HCM tổ chức nhằm mục tiêu đồng hành cùng DN, tìm kiếm các giải pháp tài chính hiệu quả hỗ trợ DN Khu chế xuất - Khu công nghiệp (KCX-KCN) TP HCM phục hồi và phát triển hiệu quả trong năm 2022.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP HCM, cho biết thời gian qua, ngành NH TP HCM đã có nhiều giải pháp giúp DN giảm bớt khó khăn, phục hồi và phát triển kinh doanh qua nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn về tình hình hoạt động NH, các khó khăn vướng mắc cũng như nhu cầu vốn của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Các ngân hàng thương mại TP HCM ký hợp đồng tín dụng với các doanh nghiệp Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP HCM sáng 29-6
Trong năm 2022, 13 thương hiệu NH tại TP HCM đã đăng ký tham gia Gói tín dụng hỗ trợ DN với tổng số tiền 424.280 tỉ đồng với lãi suất áp dụng tối đa không quá 4,5%/ năm đối với cho vay ngắn hạn và xoay quanh mức 9%/ năm đối với cho vay trung dài hạn và các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất khoản vay cũ, tăng hạn mức cho vay, cơ cấu lại kỳ hạn nợ….
Từ cơ sở nguồn vốn ưu đãi do các NH thương mại tự nguyện hỗ trợ này, 13 thương hiệu NH thương mại đã đăng ký cam kết sẽ chủ động tìm kiếm khách hàng hoặc hỗ trợ cho các khách hàng hiện hữu của NH trên cơ sở tiêu chí đối tượng được vay theo Chương trình kết nối NH– DN với mức lãi suất ưu đãi cũng như các tiêu chí hỗ trợ khác. Qua đó, hỗ trợ cho các DN, tổ chức, cá nhân trên địa bàn phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trong năm 2022.
Ông Hứa Quốc Hưng,Trưởng ban Hepza, cho biết hiện TP có 17 khu đang hoạt động, bao gồm 3 KCX và 14 KCN. "Hầu hết DN đều phục hồi và từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động của DN, Ban Quản lý nhận thấy khó khăn lớn nhất hiện nay của DN chủ yếu vẫn là thị trường và nguồn vốn đầu tư phát triển để đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh với các DN trong khu vực. Có thể nói là nhu cầu sử dụng các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để tái phục hồi và mở rộng sản xuất của DN là rất lớn nhưng việc tiếp cận với các nguồn vốn này còn nhiều hạn chế" - ông Hưng nhận định.
Bình luận (0)