MỘT NĂM TRƯỚC, trong dòng người đông đúc chờ được phục vụ tại Shin Coffee, nhiều người vẫn còn hoài nghi liệu quán có hấp dẫn như lời đồn. Nay thì ai đến quán sẽ ở lại bởi đã thấm câu trả lời. Chỉ có ở Shin, người sành cà phê mới có thể trải nghiệm được hơn 120 loại cà phê sạch đến từ các vùng đất trồng cà phê nổi tiếng thế giới. Đặc biệt, từ Shin, một trường dạy về nghiên cứu, thưởng thức, chăm sóc, kinh doanh, pha chế... cà phê và 1 phòng tour du lịch với cà phê đem lại cho những người đến đây nhiều trải nghiệm thú vị.
Ông chủ của Shin Coffee đã bắt đầu công việc rang xay và bán những hạt cà phê đầu tiên cách đây gần 20 năm. Mối duyên khởi phát từ sự yêu thích để rồi càng dấn thân, rồi thất bại; càng thất bại, lại càng thấy kinh nghiệm về cà phê của mình chỉ là con số 0. Đắn đo mãi, Long quyết định bán căn nhà nhỏ mình đã chắt chiu dành dụm bấy lâu để tiếp tục mua, làm lại cà phê và rồi... trắng tay. Đến lúc mắc nợ, anh mới thấm thía bài học cay đắng rằng mình thật sự còn thiếu nhiều thứ, từ chuyên môn đến kiến thức kinh doanh.
Nguyễn Hữu Long tại quán cà phê Shin. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Thế là giữa năm 2010, Long lên đường sang Nhật Bản để học những điều mà mình còn thiếu. Ở Nhật, Long học hỏi được nhiều thứ từ kiến thức về cà phê đến kinh nghiệm mở quán. 5 năm học tập và làm việc đã giúp anh có chút tích lũy để mạnh dạn xây dựng được một vài quán cà phê nhỏ.
Không ai thành công mà mọi thứ dễ dàng. Ngành cà phê ở Việt Nam, theo Long, là một ngành khá thú vị. Mỗi ngày có nhiều quán mở ra nhưng cũng không ít quán phải đóng cửa. Với Shin Coffee, ông chủ thương hiệu này đã nếm trái đắng quá nhiều và biết sức mình không thể cạnh tranh lại với các hãng lớn mạnh, nhiều vốn và đã có chỗ đứng tốt trong nước. Vì vậy, anh khởi nghiệp từ quán nhỏ và tạo hướng đi riêng cho mình. Hiện nay, hệ thống Shin Coffee đã mở rộng thành 3 quán cà phê, 1 trường đào tạo về cà phê và Shin Coffee Tour nhằm giới thiệu với bạn bè quốc tế về cà phê đặc sản của Việt Nam. Cả ba đều đưa doanh thu về cho công ty, dù còn khiêm tốn.
VỚI CÁC NHÀ KHỞI NGHIỆP, vốn là yếu tố cực kỳ quan trọng. Lúc bắt đầu, Long nắm trong tay chưa tới 1 tỉ đồng, sau đó phải mượn thêm để làm ăn. Bây giờ, Shin Coffee như đứa trẻ mới lớn, lại càng cần dinh dưỡng để phát triển hơn sau một năm xây dựng nền tảng. Dù vậy, vốn chưa phải là yếu tố quyết định. Khi mới khởi nghiệp, Long may mắn được Công ty Seedcom để ý và đầu tư 6 tỉ đồng, chiếm 30% cổ phần của Shin lúc đó. Hợp tác một thời gian, Long nhận thấy hướng đi của mình với các đối tác còn một số khác biệt. Ông chủ trẻ mong muốn Shin Coffee phát triển chắc chắn theo năng lực, có thể sống khỏe mà không bị ép phải mang về một khoản lợi nhuận nào trong vài năm đầu. “Tôi đã phải mượn tiền và nuôi Shin trong vài năm đầu. Hy vọng sau khi công ty đủ vững vàng thì nó sẽ “nuôi” mình được. Và khi nhận thấy không làm gì có lợi cho số tiền mà những anh em ở Seedcom đã bỏ ra, tôi mua lại 30% cổ phần đã bán cho Seedcom” - Long kể lại.
Dù với lĩnh vực nào thì người khởi nghiệp cũng nên thận trọng bởi mọi thứ luôn khó khăn hơn hình dung ban đầu. Muốn khởi nghiệp với ngành nào, mỗi người phải cố gắng trở thành chuyên gia của lĩnh vực đó, tích lũy vốn nhiều nhưng đừng sử dụng hết, phòng khi có “biến”, Long đúc kết như thế và cho biết về tiềm năng phát triển, trong tương lai gần, khi xây dựng được hệ thống ổn định, Shin sẽ kêu gọi góp vốn từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để thành công ty cà phê chuyên nghiệp, mạnh và bền vững.
Mất tròm trèm 20 năm để theo đuổi một giấc mơ cà phê, khát vọng trong Nguyễn Hữu Long luôn bùng cháy. Những thất bại ban đầu đã không làm cho anh chùn bước mà tiếp tục vượt lên, mạnh mẽ hơn. Con đường kinh doanh phía trước còn rất dài và Nguyễn Hữu Long tin rằng mình sẽ vững bước trên hành trình ấy...
Bình luận (0)