Trong quý 3 năm 2022, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu về môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam giảm 6,4 điểm xuống còn 62,2%, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Đây là kết quả mới nhất của Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố và được thực hiện bởi YouGov Decision Lab.
Mặc dù trong quý 3 năm 2022, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng kỷ lục ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước, BCI đã giảm quý thứ hai liên tiếp, với 6,4 điểm phần trăm giảm so với quý 2 và 10,8 điểm so với quý 1. Điều này xảy ra vào thời điểm các điều kiện kinh tế toàn cầu vẫn không ổn định do xung đột ở Ukraine, áp lực lạm phát dai dẳng, tình trạng thiếu lao động trên toàn thế giới và tăng trưởng toàn cầu trì trệ.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn như hiện nay, BCI vẫn cao hơn 10,2 điểm so với mức trước đại dịch là 52% trong quý 4 năm 2019 và cao hơn 1,2 điểm so với quý 4 năm 2020, khi Việt Nam đang nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội liên quan tới đại dịch.
Chỉ số Môi trường Kinh doanh hàng quý của EuroCham (BCI)Chart
Kết quả của BCI cũng cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu có sự giảm nhẹ. Khoảng 42% người tham gia khảo sát dự đoán rằng nền kinh tế sẽ ổn định hoặc cải thiện trong quý 4 năm 2022. Đây là mức giảm 18 điểm phần trăm so với quý trước, khi có tới 60% giữ quan điểm này. Tương tự, tỷ lệ những người dự đoán suy thoái kinh tế tăng 7 điểm lên 19%.
Mặc dù vậy, khi lãnh đạo các doanh nghiệp được hỏi về triển vọng kinh doanh của chính doanh nghiệp họ trong quý 4 năm 2022, 45% trả lời tích cực, chỉ giảm 4 điểm so với quý trước. Hơn nữa, kỳ vọng kế hoạch đầu tư, đơn đặt hàng và doanh thu vẫn tương đối ổn định so với quý trước. Triển vọng ở đây có vẻ lạc quan hơn so với triển vọng của nền kinh tế nói chung.
Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, 42% dự đoán rằng công ty của họ sẽ tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam vào cuối năm 2022. Họ cũng chỉ ra rằng Việt Nam có thể tăng mức vốn FDI này bằng cách giảm bớt khó khăn về hành chính (68%), cải thiện cơ sở hạ tầng (53%), phát triển năng lực nguồn nhân lực (39%), và giảm rào cản thị thực cho các chuyên gia nước ngoài (39%).
Trong khi chỉ có 2% người trả lời BCI cho biết họ đã chuyển một phần đáng kể hoạt động của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam, điều này cho thấy rằng vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Trong trường hợp những trở ngại nói trên được giải quyết, Việt Nam sẽ có vị trí thuận lợi để thu hút thêm nhiều công ty nước ngoài chuyển địa điểm ra khỏi Trung Quốc.
Chủ tịch EuroCham Alain Cany
"Đúng là hiện tại chúng ta kém lạc quan hơn so với thời điểm đầu năm 2022 do các yếu tố bên ngoài làm chậm tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Quý 4 cũng có thể sẽ kém khả quan hơn so với quý 2 hoặc 3 trong năm. Tuy nhiên, những kết quả BCI này rất đáng khích lệ. Việt Nam chắc chắn sẽ có vị thế tốt hơn trong hai hoặc ba năm tới, chứng tỏ vị thế của mình là một trong số các điểm đến đầu tư và kinh doanh năng động nhất."- Chủ tịch EuroCham Alain Cany bình luận.
Giám đốc điều hành của Decision Lab Thue Quist Thomasen phân tích thêm: "Môi trường kinh tế toàn cầu ngày càng xấu đi đang ảnh hưởng đến sự lạc quan của lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Tuy nhiên, bằng cách kiềm chế lạm phát, cải thiện xếp hạng tín dụng và tiếp tục tăng trưởng GDP, câu chuyện của Việt Nam trở nên ít bi quan hơn trên toàn cầu, bằng việc nhìn vào kế hoạch hướng tới năm 2023 của các công ty tại đây. BCI giảm 6,4 điểm xuống 62,2%, nhưng đây vẫn là mức trên trung bình, cho thấy các doanh nghiệp vẫn duy trì sự lạc quan về triển vọng phát triển trong tương lai".
Bình luận (0)