Ngày 25-11, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đồng tổ chức sự kiện "Gặp gỡ Châu Âu 2021: Quan hệ Việt Nam - EU và Lễ Ra mắt Sách trắng 2021". Sự kiện quy tụ hơn 150 lãnh đạo các bộ ban ngành và cộng đồng doanh nghiệp cùng thảo luận về cách thức Chính phủ và khu vực tư nhân có thể phối hợp để thúc đẩy thương mại và đầu tư EU - Việt Nam trong giai đoạn "bình thường mới" sau đại dịch.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác mới giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và EuroCham
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh EU là một trong những đối tác hàng đầu về hợp tác phát triển, là đối tác thương mại lớn thứ 5, nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam và dấu mốc quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa hai bên chính là Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai bên. Bất chấp những khó khăn bởi đại dịch, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU tiếp tục tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng năm 2020 đạt hơn 56 tỉ USD.
Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để EuroCham và các thành viên đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên và có nhiều ưu đãi đặc biệt như công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án phục vụ an sinh xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vận dụng khoa học quản lý tiên tiến, hiệu quả; đẩy mạnh nghiên cứu - phát triển, đổi mới sáng tạo.
Tại phiên khai mạc đã diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác mới giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và EuroCham.
Sự kiện này cũng chứng kiến Lễ Ra mắt Sách Trắng EuroCham 2021 phiên bản lần thứ 13, ấn phẩm thường niên của EuroCham tập hợp ý kiến và khuyến nghị của hơn 1.200 doanh nghiệp thành viên.
Lễ công bố Sách trắng thường niên lần thứ 13 của EuroCham
Trong phiên bản Sách Trắng năm nay, 18 Tiểu ban ngành nghề tổng hợp những kinh nghiệm hoạt động và chuyên môn quốc tế của họ tại nhằm đưa ra các khuyến nghị thiết thực đối với môi trường thương mại và đầu tư tại Việt Nam. Các vấn đề này đã được thảo luận thông qua 3 phiên đối thoại chuyên đề: Chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Các kiến nghị về Thương mại và Dịch vụ; Phát triển bền vững và phục hồi kinh tế. Mỗi phiên họp đều bao gồm ý kiến của đại diện của các doanh nghiệp lớn của châu Âu cùng với phản hồi của các Bộ, Ban ngành về những khuyến nghị đã được nêu ra.
Trong phiên hai của sự kiện, Bộ Ngoại giao đã chủ trì cuộc đối thoại giữa các doanh nghiệp châu Âu và lãnh đạo các tỉnh thành. Với chủ đề "Gặp gỡ Châu Âu 2021", lãnh đạo chính quyền địa phương đã nêu bật các cơ hội hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Châu Âu, trong khi các doanh nghiệp như Decathlon, Bosch, Temix và Sanofi chia sẻ quan điểm về phát triển chiến lược tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng kết thúc phiên thảo luận với bài tham luận về triển vọng quan hệ Đối tác Việt Nam - EU thời kỳ hậu Covid-19.
Phát biểu tại sự kiện, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, cho biết: "Có những cơ hội lớn cho thương mại và đầu tư giữa EU-Việt Nam sau đại dịch, với việc EVFTA mở ra việc cắt giảm dần thuế quan và mở cửa thị trường. Nếu chúng ta có thể khai thác toàn bộ tiềm năng của thỏa thuận này - thông qua quan hệ đối tác giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp - thì các công ty và người tiêu dùng ở cả hai phía sẽ cùng được hưởng lợi.
Sách Trắng của EuroCham là một trong những công cụ có thể giúp đạt được điều này. Trong ấn phẩm lần thứ 13 này, các thành viên của chúng tôi đưa ra các khuyến nghị thực tiễn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Nếu được thực hiện, các đề xuất từ 18 Tiểu ban Ngành nghề của chúng tôi sẽ giúp Việt Nam phục hồi nhanh chóng, góp phần thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư nhiều hơn từ châu Âu".
Ông Giorgio Aliberti - Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam - đánh giá cao Việt Nam cải thiện nhiều để cải tiến môi trường kinh doanh, nhưng còn 35% công ty nghĩ thủ tục hành chính vẫn là rào cản khi triển khai EVFTA. Để thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) từ châu Âu về Việt Nam, ông cho rằng, cần sửa đổi quy định thu hút đầu tư, vì có một số quy định lỗi thời. Việt Nam cần là nền kinh tế hiện đại công nghiệp hóa, thể chế pháp lý phù hợp thể chế kinh tế thị trường, không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài liên quan thuế và các cơ chế quản lý khác, tức là tạo ra sân chơi bình đẳng.
Bình luận (0)