Grab hoạt động ở Việt Nam từ tháng 2-2014. Ảnh minh hoạ
Cục thuế TP HCM vừa có văn bản gửi Cục thuế các tỉnh, TP: Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bình Dương, Kiên Giang, Bến Tre về việc phối hợp cung cấp thông tin phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với công ty TNHH Grabtaxi.
Theo đó, Cục thuế TP HCM cho biết đến nay đã hoàn tất công tác thanh tra tại Grabtaxi. Trong quá trình thanh tra, công ty TNHH Grabtaxi cung cấp cho Cục thuế TP HCM "Báo cáo doanh thu chia sẻ Grabcar cho đối tác năm 2015 và 2016" (gọi tắt là Báo cáo), là khoản doanh thu của doanh nghiệp được hưởng theo hợp đồng hợp tác kinh doanh ký với Grabtaxi. Do đó, Cục thuế TP HCM cung cấp thông tin Báo cáo này đến các cục thuế để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế của các doanh nghiệp liên quan.
Theo quy định, tổ chức kinh doanh, vận tải hợp tác với Grabtaxi phải khai nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật đối với phần doanh thu được chia từ hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các cá nhân kinh doanh vận tải ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Grabtaxi hoặc với tổ chức kinh doanh vận tải nộp thuế GTGT với tỉ lệ 3% trên doanh thu chịu thuế, nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỉ lệ 1,5% trên doanh thu chịu thuế.
Trong danh sách này, tại địa bàn Hà Nội năm 2015 có 111 doanh nghiệp ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Grabtaxi và năm 2016 tăng lên 197 doanh nghiệp. Cục thuế Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các chi cục thuế kiểm tra việc xuất hoá đơn, rà soát, đôn đốc tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế (kê khai, nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp) của các doanh nghiệp theo hợp đồng đã ký với Grabtaxi. Đồng thời rà soát, đôn đốc việc khấu trừ, kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân khi thanh toán thu nhập cho các các nhân tham gia kinh doanh vận tải theo quy định. Thời hạn báo cáo là trước ngày 20-12-2017.
Trước đó, tại cuộc họp báo diễn ra trong tháng 10-2017, Tổng cục Thuế cho biết kết quả thanh tra cho thấy cả Grab và Uber đều thua lỗ khi hoạt động ở Việt Nam. Trong đó, Grab hoạt động ở Việt Nam từ năm 2014, có vốn pháp định 20 tỉ đồng nhưng lỗ lũy kế lên đến 938 tỉ đồng. Một trong những nguyên nhân gây thua lỗ là do chi phí quảng cáo, khuyến mại rất lớn.
Bình luận (0)