Ngày 24-10, tại TP HCM, Tập đoàn Lộc Trời tổ chức lễ ký kết Hợp đồng cấp tín dụng hợp vốn với 7 ngân hàng gồm 1 ngân hàng trong nước (MB Bank) và 6 ngân hàng nước ngoài (Kasikornbank, First Commercial Bank, Agricultural Bank of China Limited – chi nhánh Hà Nội, China Construction Bank Corporation – chi nhánh TP HCM, CTBC Bank Co., Ltd., E.SUN Commercial Bank, Ltd. – chi nhánh Đồng Nai) với hạn mức 100 triệu USD (hơn 2.450 tỉ đồng) trong thời gian 3 năm.
Gói tín dụng hợp đồng vốn này được giải ngân thông qua việc cấp giống, vật tư nông nghiệp, các dịch vụ nông nghiệp của Tập đoàn Lộc Trời cho các liên minh HTX, HTX, tổ sản xuất và bà con nông dân liên kết với tập đoàn.
Tập đoàn Lộc Trời tổ chức thu hoạch lúa tại vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu châu Âu đầu năm 2022
Chia sẻ tại sự kiện, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng gói tín dụng 100 triệu USD này không lớn bởi nhu cầu vốn lên đến 1 tỉ USD của Tập đoàn Lộc Trời dành cho sản xuất và thêm 2 tỉ USD nữa để thu mua toàn bộ nguyên liệu lúa.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cam kết sẽ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả để tạo tiền đề cho gói tín dụng 1 tỉ USD trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về nhu cầu vốn 1 tỉ USD, ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Lộc Trời, cho biết Lộc Trời là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nông nghiệp hàng đầu Việt Nam và có tầm ảnh hưởng lên 1 triệu ha đất nông nghiệp tại ĐBSCL.
"Với diện tích này để canh tác lúa chất lượng cao, chúng tôi tính toán phải cần đến 1 tỉ USD để tài trợ nông dân sản xuất gồm: giống, phân bón, thuốc trừ sâu,… cùng chi phí lợi nhuận cho nông dân" – ông Nhiên giải thích.
Ông Huỳnh Văn Thòn (bìa trái) chia sẻ tại sự kiện
Ông Nhiên cũng nói thêm, sau sự kiện gạo "Cơm ViệtNam Rice" của Tập đoàn Lộc Trời được lên kệ tại 2 hệ thống đại siêu thị hàng đầu châu Âu là Carrefour và Leclerc đầu tháng 9, Tập đoàn đã nhận được liên tiếp các đơn hàng với số lượng lên đến 400.000 tấn gạo. Đây là cơ sở vững chắc để doanh nghiệp đẩy mạnh việc mở rộng sản xuất lớn, tổ chức các vùng trồng lúa theo các yêu cầu của từng thị trường.
Theo Giám đốc Tài chính Tập đoàn Lộc Trời, DN đã trải qua 1 năm đàm phán với các đối tác ngân hàng để có được kết quả ký kết ngày hôm nay để có nguồn vốn ổn định, chi phí vốn hợp lý phục vụ sản xuất.
Tại sự kiện, bà Hồ Thị Thanh Nguyên, Giám đốc MB Bank chi nhánh TP HCM xác nhận, dù vấn đề hạn mức (room) tín dụng hiện nay vẫn rất "căng thẳng" nhưng MB Bank cùng các ngân hàng trong buổi lễ ký kết cam kết sẽ thu xếp đủ nguồn vốn bởi đây là lĩnh vực sản xuất-kinh doanh được ưu tiên nhằm góp phần tạo ra gạo chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Bình luận (0)