Ngày 19-10, UBND TP Cần Thơ chủ trì hội nghị trực tuyến về liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình thực tế. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo UBND 7 tỉnh, thành Nam sông Hậu: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang.
Chưa thống nhất việc dỡ bỏ chốt kiểm dịch
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết trên cơ sở các nội dung Nghị quyết 128 của Chính phủ, Cần Thơ đã đề xuất chương trình liên kết, phối hợp 7 tỉnh, thành Nam sông Hậu trong 6 lĩnh vực gồm: y tế, nông nghiệp, giao thông vận tải (GTVT), thương mại - dịch vụ - du lịch, thông tin - truyền thông, lao động - việc làm.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho hay sau khi Nghị quyết 128 ban hành thì các chốt kiểm soát liên tỉnh phải được dỡ bỏ như quy định. "Điều này sẽ hết sức khó khăn, bởi trong trạng thái bình thường mới, nếu không kiểm soát được dịch, để dịch lây lan trong cộng đồng thì tất cả những liên kết mà các địa phương đưa ra không thể thực hiện được. Bạc Liêu vẫn giữ nguyên chốt chặn liên kết các tỉnh, không thể dỡ được. Điều chúng tôi lo nhất là xe "luồng xanh" vận tải khách đi từ các địa phương, vùng có dịch về rất phức tạp" - ông Thiều nói.
Tuy nhiên, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho rằng Nghị quyết 128 đã ban hành tức là đã có cơ sở để thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt. Ngoài ra, Bộ Y tế, Bộ GTVT cũng có hướng dẫn tạm thời trong công tác phòng chống dịch. Vì vậy, các địa phương cần bỏ sự cục bộ, tránh đưa ra những quy định riêng.
"Trên cơ sở chia sẻ thông tin về cấp độ dịch, các tỉnh, thành chỉ đạo các ngành, địa phương, nhất là GTVT, phối hợp hướng dẫn doanh nghiệp (DN), HTX vận tải hoạt động theo quy định hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT, để bảo đảm lưu thông được thông suốt. Với các tỉnh còn duy trì chốt kiểm soát thì chỉ kiểm soát về phòng chống dịch chứ đừng cản trở lưu thông. Khi người dân tuân thủ các yêu cầu về phòng chống dịch thì đều được di chuyển ra, vào địa phương bạn" - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nhìn nhận thời gian phòng chống dịch vừa qua, các địa phương đều có giải pháp riêng, không hỗ trợ nhau; những quy định, chủ trương của các tỉnh cũng chưa đồng bộ. Do đó, thời gian tới, các tỉnh, thành cần hình thành một khối thống nhất, nhằm đạt được sự đồng thuận cũng như chính sách đồng bộ về công tác phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội phù hợp tình hình thực tế.
TP Cần Thơ đã dỡ bỏ chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ từ ngày 19-10, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, vận tải hành khách
Rất cần người chủ trì
Thông tin về kinh tế khu vực ĐBSCL trong thời gian qua, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, cho biết trong 3 tháng chống chọi với dịch bệnh, kim ngạch xuất khẩu của cả vùng chỉ đạt 6,64 tỉ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2020. Tính từ đầu năm đến nay, ĐBSCL có 7.941 DN tạm ngừng kinh doanh và đăng ký giải thể, trong khi có 6.109 DN mới được thành lập, như vậy ĐBSCL mất hơn 1.800 DN.
Tình trạng chung hiện nay của các địa phương là chính quyền rất lo sợ bùng phát dịch do thiếu vắc-xin, lao động trở về nguy cơ lây nhiễm cao, việc này buộc các địa phương phải cẩn trọng khi triển khai Nghị quyết 128. Với tâm lý đó, nhiều địa phương vẫn duy trì các quy định như yêu cầu DN sản xuất "3 tại chỗ" hay sản xuất khép kín phải xét nghiệm SARS-CoV-2 tần suất 7 ngày/lần, thậm chí 3 ngày/lần, vừa gây lãng phí, khó khăn cho DN vừa ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe người lao động.
"Các địa phương cần tiếp tục có chung kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ phân bổ vắc-xin nhanh chóng về các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL để DN có thể hoạt động bình thường trở lại, bảo đảm yêu cầu vừa phòng chống dịch vừa tái sản xuất an toàn. Đồng thời, các tỉnh, thành cần có sự thống nhất về quy định đi lại giữa các địa phương vì như hiện nay mỗi nơi quy định khác nhau. Các DN hiện không thể sản xuất do thiếu lao động, nguyên liệu… dù đã được mở cửa" - ông Lam đề xuất.
Theo ông Trần Văn Lâu, từ trước đến nay, về kinh tế thì mỗi tỉnh tự "bơi" nên sự phát triển của khu vực không vững chắc. Trong tiêu thụ hàng hóa, nông sản cũng không có tiếng nói chung, không có người chủ trì đứng ra liên kết để đề xuất với các bộ - ngành trung ương. Nếu để tình hình này kéo dài thì kinh tế của vùng sẽ ngày càng đi xuống và thua sút những khu vực khác trong cả nước.
"Khu vực của tiểu vùng Nam sông Hậu cần có 1 tỉnh hoặc 1 thành phố đại diện cho cả khu vực. Theo tôi đánh giá, TP Cần Thơ có thể là "chim đầu đàn" cho cả khu vực Nam sông Hậu. Từ liên kết tiểu vùng tiến tới liên kết cả khu vực ĐBSCL và cả nước. Chúng ta hỗ trợ lẫn nhau nhưng cũng phải có người chủ trì, khi tỉnh này thiếu, tỉnh kia thừa thì TP Cần Thơ sẽ đứng ra kết nối để điều phối" - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề xuất.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh vùng ĐBSCL nói chung và tiểu vùng Nam sông Hậu nói riêng có thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản nhưng đang đứng trước thách thức lớn của dịch Covid-19. Để bảo đảm tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, cần tăng cường liên kết giữa các chủ thể trong phòng chống dịch, sản xuất, lưu thông, tiêu thụ.
Về lâu dài, trên cơ sở vừa làm vừa rút kinh nghiệm để có sự điều chỉnh kịp thời và liên kết với các địa phương còn lại của ĐBSCL, TP HCM và Đông Nam Bộ. Sau hội nghị này, TP Cần Thơ sẽ hoàn chỉnh dự thảo chương trình liên kết 7 tỉnh, thành Nam sông Hậu để tiến hành ký kết và thực hiện.
Bình luận (0)