Sau những thông tin được cảnh báo về tác hại khôn lường của nhiều sinh vật ngoại lai như vấn nạn cây mai dương, ốc bươu vàng... và mới đây là rùa tai đỏ, các nhà khoa học cảnh báo sinh vật ngoại lai ngày càng xâm nhập trên diện rộng. Nhiều loại không chỉ gây hại môi trường mà còn gây bệnh truyền nhiễm cho con người, trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn chưa có được những biện pháp quản lý hữu hiệu.
Cây nắp bình, một loại cây ăn thịt đang được bán nhiều tại các điểm cây cảnh ở TPHCM. Ảnh nhỏ: Cây ăn thịt “đầu rắn” được rao bán nhiều trên mạng
Hàng trăm loại cây ăn thịt
Tại một số điểm bán cây cảnh ở TPHCM, chúng tôi ghi nhận đang có bán khá nhiều loại cây chuyên bắt ruồi, muỗi, sâu bọ và nhiều loại sinh vật khác (người bán thường gọi là cây ăn thịt). Tại một điểm bán cây cảnh trên đường Bình Long, quận Tân Phú - TPHCM, cây ăn thịt được treo lủng lẳng ngay mặt tiền. Trên bảng hiệu ghi rõ “Có bán nhiều loại cây bắt ruồi, bắt muỗi...” hoặc “Có bán cây kỳ diệu”. Ông chủ tên Phong giới thiệu cây trong nước có giá 120.000 đồng, cây nhập ngoại 320.000 đồng. “Muốn đặt mua một vài ngàn cây cũng có...” - ông Phong quả quyết.
Theo ông Phong, nhiều loại cây ăn thịt sống lâu, dễ chăm sóc; không cần bón phân mà chỉ cần tưới nước là cây sống... khỏe. Nhiều loại cây khi lớn sẽ trổ bông sinh hạt, chỉ cần gieo hạt là cây mọc và phát triển tốt không cần chăm sóc nhiều. Giống cây trong nước có hình dạng không đẹp bằng cây ngoại nên lâu lâu lại có giống mới được nhập về...
Theo thống kê từ các tổ chức thế giới cho thấy có khoảng 500 loài cây ăn thịt (riêng VN cũng có gần 20 loài). Gần đây, nhiều loại cây ăn thịt có nguồn gốc ngoại lai được rao bán nhiều trên mạng với giá từ vài ba trăm ngàn đồng đến một, hai triệu đồng/cây. Người mua chỉ cần gọi điện thoại sẽ có người cung cấp hàng tận nhà, còn trường hợp ở xa sẽ được gửi bằng đường bưu điện (thanh toán qua tài khoản). Các loại cây được rao bán nhiều như cây nắp ấm, cây nắp bình, cây bắt ruồi, cây loa kèn vàng, cây gọng vó... Những loại cây này có hình dáng lạ, màu sắc bắt mắt. Cây nắp ấm, nắp bình có hình dáng như chiếc bình có nắp. Khi con mồi được “dụ” vào miệng bình sẽ rơi xuống đáy, lúc đó “nắp bình” sẽ khép lại và chất nhầy trong bình sẽ tiêu diệt con mồi. Một dạng cây khác có hình dáng như con sò, lưng tua tủa gai để dụ con mồi vào và khép lại tiêu diệt hoặc loại cây có cành giống như xương rồng nhưng được sắp xếp tựa các cánh hoa mai, bên trên tua tủa để bắt giữ con mồi bằng chất keo dính. Loại cây đầu rắn cũng rất ấn tượng: Thân cây có hình dáng tương tự chiếc đầu rắn hổ mang. Con mồi chỉ cần bò vào “miệng rắn” kể như không còn đường thoát...
Nhiều cây độc hại khác
Theo giới chuyên môn, cây cảnh ngoại lai thường xâm nhập vào VN qua đường giao thương hàng hóa, quà tặng, đồ chơi hoặc xâm nhập tự nhiên thông qua mưa bão, gió, nguồn nước, chim di cư... Thậm chí nhiều loài còn được chính thức nhập khẩu bằng con đường chính ngạch.
TS Dương Minh Tú, Cục Bảo vệ Thực vật, cho biết hiện có khá nhiều cây cảnh ngoại lai gây hại đến sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp và môi trường sinh thái ở nước ta. Cây mai dương, cây mắt mèo có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ xâm nhập vào nước ta đã lâu và đã gây tác hại vô cùng nghiêm trọng, làm cho các sinh vật khác không thể nào sống nổi. Bèo Nhật Bản có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ, sinh trưởng nhanh phủ hết bề mặt nước. Cây bông ổi (cây ngũ sắc) mọc thành bụi rậm dễ gây ra cháy cũng như làm phá vỡ cấu trúc, chức năng của hệ sinh thái, phá hại mùa màng, đe dọa sự sống của một số loài chim...
Một số nhà khoa học còn phân tích thêm tác hại của nhiều loại vi tảo, khuê tảo không chỉ gây hại cho môi trường mà nó còn sản sinh nhiều độc tố gây bệnh cho người như chứng hay quên, tê liệt thần kinh, tiêu chảy... Những sinh vật ngoại lai như tảo, vi tảo thường là thức ăn cho tôm, cua, nghêu, sò, ốc lâu ngày tích tụ thành độc tố. Nếu con người ăn phải sẽ có nguy cơ ngộ độc như nôn ói, chóng mặt, đau đầu...
Chưa rõ tác hại của cây ăn thịt
Theo TS Lưu Hồng Trường, Viện Sinh học Nhiệt đới, cho đến thời điểm này cũng chưa thấy có nghiên cứu khoa học nào cho biết về tác hại của các loài cây ăn thịt kể trên. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Phi Ngà, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, trên cây ăn thịt tiết ra các chất nhầy cũng như phấn, lông có thể gây dị ứng cho người tiếp xúc như bị rát, mẩn đỏ... |
Bình luận (0)