Theo đó, UBND TP giao cho Sở Xây dựng chủ trì cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý khu đô thị Tây Bắc kiểm tra hoạt động của Công ty CP Alibaba Tây Bắc về dự án Alibaba Tây Bắc Củ Chi và đề xuất cho UBND TP về hướng xử lý. Đồng thời, yêu cầu UBND huyện Củ Chi phải nắm bắt rõ vụ việc, lên phương án chủ động bảo đảm an ninh trật tự.
Nhân viên Công ty CP Địa ốc Alibaba dẫn khách hàng từ TP HCM xuống Đồng Nai để tham quan dự án kêu gọi đặt cọc tiền
Trước đó, HoREA đã đưa ra những cảnh báo về hoạt động bán hàng sai sự thật của Công ty CP Địa ốc Alibaba và Công ty CP Alibaba Tây Bắc. Cụ thể, 2 công ty này đã công bố bán nền nhà, thu tiền trước của khách hàng "kiểu kinh doanh đa cấp" tại nhiều dự án đất nền chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý, chưa đủ điều kiện để được huy động vốn khi bán nền nhà hình thành trong tương lai theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch khu đô thị. Các dự án công ty này rao bán chưa đủ điều kiện nằm trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An và gần đây là tại TP HCM, trong đó có dự án khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.
Không những vậy, 2 công ty này còn có những dấu hiệu nghi vấn về việc tăng vốn điều lệ ảo. "Điều này đã có tác động xấu, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản và có thể gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại đến quyền lợi của nhà đầu tư thứ cấp và khách hàng" - công văn của HoREA nêu.
Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường ngay sau đó cũng đã lên tiếng về hoạt động mờ ám của Công ty CP Địa ốc Alibaba và Công ty CP Alibaba Tây Bắc. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết đơn vị đang cùng với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét các thông tin và tính pháp lý của Công ty Địa ốc Alibaba và hệ thống.
Theo ông Thắng, hiện dự án khu đô thị Tây Bắc Củ Chi chưa có chủ đầu tư, nên việc Công ty CP Địa ốc Alibaba tự xưng chủ đầu tư và tổ chức đấu thầu, đấu giá là sai quy định.
Liên quan đến vụ việc này, phóng viên Báo Người Lao Động đã nhiều lần liên lạc với ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba, qua điện thoại nhưng ông này né tránh, không phản hồi.
Trong khi đó, các hoạt động rao bán, giao dịch đất nền của Công ty CP Địa ốc Alibaba ở TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn diễn ra bình thường. Cụ thể, vào trưa 21-11, trong vai người có nhu cầu đầu tư đất nền, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với Công ty CP Địa ốc Alibaba qua số điện thoại in trên các tờ rơi và trang mạng xã hội.
Sau khi để lại thông tin cá nhân khoảng 10 phút, chúng tôi nhận được cuộc gọi từ một người tên Ngọc, xưng là nhân viên của Công ty Địa ốc Alibaba và cho biết hiện đang có nhiều sản phẩm đất nền ở huyện Củ Chi, quận 12 (TP HCM), tỉnh Đồng Nai và cả Bà Rịa - Vũng Tàu. "Mấy hôm nay nhiều báo đưa tin rằng bên em lừa đảo. Anh biết rồi, thương trường là chiến trường, tụi em đang bị "tấn công" bởi các đối thủ cạnh tranh. Gọi nôm na là chiến dịch truyền thông bẩn nhằm triệt hạ tụi em" - nhân viên Ngọc mở đầu câu chuyện bằng việc trấn an.
Kế đến, nhân viên này cho biết việc giao dịch đối với dự án Alibaba Tây Bắc Củ Chi vẫn diễn ra bình thường. Khách muốn sở hữu đất nền ở dự án này chỉ cần bỏ ra số tiền 200-250 triệu đồng. Bước đầu đặt cọc khoảng từ 40-50 triệu đồng, số còn lại góp dần từng tháng.
"Công ty em có hàng trăm nhân viên, vốn hàng chục ngàn tỉ đồng làm sao lừa đảo được. Nên anh cứ yên tâm đầu tư. Nếu không làm được thì bên em trả tiền lại chứ đâu có mất mát gì" - nhân viên này tiếp tục "dụ".
Cũng theo nhân viên Ngọc, hiện tại Công ty Địa ốc Alibaba đang mở rộng thị trường để khẳng định thương hiệu, tên tuổi nên không tránh khỏi sự gièm pha, nói xấu của đối thủ. Vì vậy, nếu chưa yên tâm, nhân viên này hẹn chúng tôi vào cuối tuần có thể cùng công ty tham quan các dự án bằng xe đưa đón miễn phí.
Bình luận (0)