Từ một tuần trước, khi có thông tin Ấn Độ sắp sửa cấm xuất khẩu gạo đã khiến gạo trong nước rục rịch tăng giá, không những thế, các doanh nghiệp kinh doanh gạo có cổ phiếu đang niêm yết trên sàn chứng khoán cũng nhảy vọt theo thông tin này.
Nhiều cổ phiếu đã tăng liên tục trong 4-5 phiên gần đây, với mức tăng mỗi mã lên đến 20%, thậm chí một số mã sàn Hà nội có tỉ lệ tăng mạnh hơn, lên đến 23-34%.
Nhà máy gạo ở Tiền Giang
Cụ thể, cổ phiếu LTG của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đã tăng gần 24% chỉ trong 4 phiên trở lại đây, đi từ 33.300 đồng.cổ phiếu lên hơn 38.100 đồng/cổ phiếu; hay cổ phiếu TAR của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cũng đã tăng gần 23%, từ 17.400 đồng lên 19.900 đồng/cổ phiếu. Hay mã PAN của Công ty CP Tập đoàn PAN đã tăng từ 21.000 đồng lên gần 23.000 đồng (tăng trần trong phiên sáng 24-7).
Một số nhà đầu tư cho biết đã "ôm" cổ phiếu nông nghiệp, trong đó có cổ phiếu ngành gạo lâu nay, tỏ ra khá bất ngờ vì trước đây lợi nhuận của nhóm cổ phiếu này không cao do giá ít biến động. Đến nay, nhiều người mới thấy họ đã lựa chọn đúng.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, Công ty CP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng nhà đầu tư kỳ vọng hoạt động xuất khẩu gạo trong nước sẽ tăng lên, giúp gia tăng lợi nhuận cho các công ty kinh doanh gạo vào cuối năm nên kéo giá cổ phiếu ngành này tăng vọt.
Thực tế, những tháng gần đây giá gạo đã tăng liên tục và hiện ở mức cao nhất trong nhiều năm do tác động của thời tiết toàn cầu không thuận lợi cho sản xuất lúa gạo. Trong nước, lãi suất, chi phí cho vật tư, phân bón cho sản xuất lúa gạo đang giảm nên giá xuất khẩu tăng tác động tích cực lên giá cổ phiếu là dễ hiểu.
Bình luận (0)