Theo ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu - Bộ Công Thương, ngành gạo năm qua đã đạt được nhiều thành tựu khi ghi nhận sự tăng trưởng ở tất cả các thị trường. Đáng chú ý, thị trường châu Âu (EU) đã có tăng trưởng mạnh mẽ - lên tới 90,7% so với năm 2021, đạt 172.200 tấn, đạt giá trị gia tăng cao khi chủng loại xuất khẩu chủ yếu là gạo thơm.
Ngoài ra, các DN còn xuất khẩu được gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, làm đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam và khẳng định được giá trị hạt gạo Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành gạo còn điểm yếu là chưa đa dạng hóa thị trường, phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường trọng điểm. "Từ chỗ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc với gần 50% thị phần, nay gạo Việt Nam chuyển sang phụ thuộc thị trường Philippines với hơn 45% thị phần trong năm qua. Xuất khẩu gạo Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường" - ông Trần Quốc Toản nhận xét.
Năm 2023, Bộ Công Thương dự kiến sản lượng gạo dành cho xuất khẩu còn khoảng 6,5 - 7 triệu tấn và có một số chương trình phát triển thị trường, xúc tiến thương mại tại các thị trường truyền thống và những thị trường mới có tiềm năng như: Anh, Hà Lan, Hồng Kông (Trung Quốc)…
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ châu Á - châu Phi, thông tin tại thị trường Philippines, thị phần gạo Việt Nam trong cơ cấu nhập khẩu của nước này là 83% nhờ có sản phẩm phù hợp thị hiếu. "Tuy nhiên, thị trường này rất nhạy cảm về giá, nếu gạo Việt Nam chào giá cao, họ có thể chuyển sang nhập khẩu gạo của các nước khác" - ông Nam lưu ý.
Thực tế, trong 2 tháng đầu năm 2023, nhiều thời điểm giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã tăng cao, đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.
Với thị trường thứ 2 là Trung Quốc, ông Nguyễn Phúc Nam đánh giá khi thị trường này mở cửa sau đại dịch COVID-19 sẽ tăng nhập khẩu nhưng sẽ không có thay đổi lớn cho gạo Việt Nam vì nước này có nhiều nguồn nhập khẩu. Ngoài ra, Trung Quốc có nhu cầu cao đối với cám gạo dùng cho thức ăn chăn nuôi, thay thế cho bắp và lúa mì - các DN cần lưu ý khai thác. Đồng thời, các DN cần tăng cường khai thác kênh xuất khẩu trực tuyến - kênh bán hàng hiệu quả tại Trung Quốc.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA, cho biết Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo (sau Ấn Độ 23 triệu tấn, Thái Lan 7,7 triệu tấn năm 2022) và đang chịu nhiều sự cạnh tranh gay gắt. "Việt Nam có nhiều giống gạo tốt nên có tình trạng nguồn giống bị đưa sang Campuchia, Thái Lan canh tác, tạo áp lực về đầu ra trong tương lai. Với thị trường Philippines, nhiều đối thủ cũng lên tiếng muốn chia sẻ thị phần với Việt Nam. Do đó, các hoạt động xúc tiến thương mại tại những thị trường trọng điểm rất quan trọng, để giữ thị phần bên cạnh việc mở thêm thị trường mới" - Chủ tịch VFA bày tỏ.
Cũng theo lãnh đạo VFA, các DN gạo cần vốn lớn, nhất là giai đoạn thu hoạch rộ cần được ưu tiên tiếp cận các chính sách vay không có tài sản bảo đảm. Ngoài ra, tình trạng hoàn thuế GTGT chậm cũng khiến DN gặp khó về nguồn vốn, rất cần được Bộ Tài chính sớm tháo gỡ.
Bình luận (0)