Tại cuộc họp trước thềm Hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu với Thủ tướng Chính phủ cuối tuần qua, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Chử cho hay hiện chưa thể tính tổng mức đầu tư cụ thể cho dự án xây dựng sân bay ở Lai Châu nhưng áng chừng khoảng 8.000 tỉ đồng. Dự án chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 hết 4.000 tỉ đồng.
Phải “đầu tư đủ lớn để phát triển”
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết lãnh đạo tỉnh Lai Châu từng đề cập vấn đề này vào cuối năm 2015 khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc bấy giờ còn là Phó Thủ tướng đến làm việc với tỉnh.
Quan điểm xây sân bay được lãnh đạo tỉnh Lai Châu lý giải rằng đối với vùng kinh tế còn nghèo như Tây Bắc, phải đầu tư đủ lớn để phát triển, đặc biệt là đầu tư về hạ tầng giao thông. Sân bay Lai Châu sẽ nằm trong cụm sân bay phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Tây Bắc.
Rõ ràng, lãnh đạo Lai Châu hoàn toàn có quyền mơ ước tỉnh mình có sân bay để người dân thuận tiện đi lại và thu hút du lịch. Thế nhưng, ước mơ này lại khá khập khiễng trong bối cảnh tỉ lệ hộ nghèo của Lai Châu chiếm hơn 40% (theo chuẩn mới), cao thứ ba cả nước; thu ngân sách đứng thứ 62/63 tỉnh, thành. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh vẫn còn 3 xã chưa có đường ô tô; một số tuyến đường huyện, xã thì xuống cấp...
Về đề xuất của Lai Châu, Bộ Giao thông Vận tải tỏ ra đồng tình khi nhận định việc đầu tư xây sân bay là cần thiết. Đây sẽ là sân bay chuyên dụng, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vừa là công trình giao thông thiết yếu cho khu vực do đặc thù địa hình khó khăn, mạng lưới đường bộ chưa phát triển, vào mùa mưa bão có khi bị cô lập.
“Không phải tỉnh nghèo thì không nên đầu tư sân bay. Việc đầu tư sân bay phải xuất phát từ nhu cầu của địa phương và yêu cầu về bảo đảm an ninh - quốc phòng. Đối với dự án đầu tư mang tính chất phát triển kinh tế - xã hội như vậy, nếu chỉ tính toán lợi ích kinh tế thì không đủ” - ông Thanh bày tỏ.
Thế nhưng, hiện vùng Tây Bắc đã có các sân bay Điện Biên (tỉnh Điện Biên), Nà Sản (tỉnh Sơn La) và đang quy hoạch sân bay tại Lai Châu, Lào Cai. Ông Thanh cho rằng khoảng cách giữa các sân bay dù không xa nhưng cần thiết để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương đó.
Theo ông Thanh, sân bay Điện Biên không thể phục vụ cho Nà Sản, Lào Cai hay Lai Châu, đặc biệt về an ninh - quốc phòng. Sân bay Nà Sản là sân bay cũ, đến nay không hoạt động được vì xuống cấp, cũng không có tiền để nâng cấp mà bỏ đi thì càng không thể vì là công trình quan trọng đối với an ninh - quốc phòng.
Tiền đâu?
Vấn đề mang tính chất quyết định đối với việc đầu tư sân bay Lai Châu là nguồn vốn đầu tư ở đâu. Ông Lại Xuân Thanh cho biết vì đây là sân bay dùng chung nên theo luật, Bộ Quốc phòng sẽ là cơ quan quản lý sử dụng dự án. Về vốn đầu tư, có 2 khả năng: đầu tư từ ngân sách hoặc xã hội hóa. Đây là dự án đầu tư cho phát triển thì có thể sử dụng vốn ngân sách nhưng trong bối cảnh ngân sách khó khăn thì phải quy hoạch trước để có kế hoạch đưa vào cân đối ngân sách trong dài hạn.
Hiện nay, với các dự án xây dựng sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) hay nâng cấp sân bay Cát Bi (Hải Phòng), Chính phủ đều giao cho địa phương bố trí vốn và kêu gọi vốn đầu tư vì là dự án có lợi nhuận. Riêng sân bay Lai Châu, khả năng xã hội hóa vốn đầu tư rất khó vì yếu tố thị trường không hấp dẫn. Do đó, với đặc thù như vậy, quy mô sân bay Lai Châu chỉ nên ở mức nhỏ, đủ kết cấu hạ tầng tối thiểu để không lãng phí vốn đầu tư.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng chủ trương đầu tư sân bay lưỡng dụng ở Lai Châu có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược do đặc thù địa hình khó khăn nhưng phải rất thận trọng, không gây gánh nặng cho ngân sách. Bất cứ dự án đầu tư nào cũng phải tính đến hiệu quả kinh tế, nếu không sẽ khó duy trì được hoạt động.
“Trước đây, Cần Thơ muốn nâng cấp thành sân bay quốc tế, địa phương cam kết nếu hoạt động lỗ sẽ tự bù. Sau đó, sân bay này hoạt động có lãi. Nhưng sân bay Lai Châu sẽ có hiệu quả như thế nào vẫn còn là ẩn số vì chưa thấy nguồn thu ở đâu. Tỉnh này không có khách du lịch đông đúc như Cần Thơ. Du khách lên Tây Bắc, đặc biệt là khách du lịch Pháp, đã có sân bay Điện Biên cách đó không xa” - TS Lê Đăng Doanh băn khoăn.
Trong khi đó, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, vẫn còn quá sớm để đánh giá có cần thiết xây dựng sân bay Lai Châu hay không vì hiện mới chỉ ở giai đoạn xin chủ trương đầu tư. Đề xuất của địa phương là một chuyện, trong khi còn phải có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trong đó, phải dự báo về sản lượng khách, hàng hóa vận chuyển, yếu tố quốc phòng - an ninh... mới quyết định được.
Nhiều sân bay địa phương ế ẩm
Cả nước hiện nay có 21 sân bay, gồm cả 9 sân bay quốc tế. Các sân bay chủ yếu được quy hoạch từ thời Pháp thuộc, trừ sân bay Phú Quốc được quy hoạch mới. Trung bình ở Việt Nam, cứ 16.000 km2 lại có 1 sân bay.
Một số sân bay địa phương đang trong tình trạng hoạt động không hiệu quả do vắng khách và hàng hóa vận chuyển. Dự kiến đến năm 2020, sẽ có thêm 6 sân bay nữa đi vào hoạt động.
Bình luận (0)