Theo thỏa thuận được công bố hồi tháng 2, VOF đầu tư 32,5 triệu USD (tương đương 730 tỉ đồng) để mua 33,77% cổ phần Công ty Ba Huân. Hai bên sẽ ký hợp đồng chính thức bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Hợp đồng tiếng Anh đã được ký. Tuy nhiên, khi hợp đồng bằng tiếng Việt được đưa ra, phía Ba Huân phát hiện một số điều khoản VOF đưa ra rất ngặt nghèo, bất lợi cho Ba Huân.
Cụ thể, quỹ này tự đưa tỉ suất hoàn vốn đầu tư là 22% và giới hạn ngành nghề kinh doanh của Ba Huân chỉ gồm sản xuất, kinh doanh thịt gà và trứng gà, loại bỏ các ngành kinh doanh khác. VOF cũng quy định nếu Ba Huân không đạt được kết quả như trên sẽ bị phạt hoặc yêu cầu trả lại vốn đầu tư, cộng dồn với lãi suất 22% hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một đối tác do quỹ này chỉ định) tối thiểu 51% cổ phần công ty.
Một nhà máy xử lý trứng của Ba Huân
Rơi vào tình huống khó xử, bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân, đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ chấm dứt hợp tác với Quỹ đầu tư VinaCapital nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, cũng như giúp công ty giữ thương hiệu. Bà Huân cho rằng thay vì mục tiêu hợp tác và phát triển, VinaCapital lại muốn chiếm quyền quản lý và điều hành toàn bộ công ty, chiếm đoạt thương hiệu Ba Huân.
Phía Ba Huân đã đề nghị chấm dứt hợp tác nhưng phía VinaCapital "có hành động trì hoãn, gây khó khăn", như yêu cầu phải thanh toán khoản phí phát sinh dựa trên mức lãi suất 22% cho các khoản đầu tư mua cổ phần phát hành thêm trong khi thực tế khoản tiền trên vẫn đang được giữ lại tài khoản do VinaCapital kiểm soát.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Ba Huân, cho biết văn bản không có tính chất "cầu cứu" mà chỉ là bản báo cáo lên Thủ tướng biết về tình hình hợp tác giữa 2 bên đang có những đàm phán chưa ổn thỏa, cần thảo luận thêm. "Hiện 2 bên đang thảo luận hướng giải quyết. Chúng tôi sẽ thông tin chính thức sau khi giải quyết xong vụ việc. Những thông tin trong lúc này, nếu mang tính chất tiêu cực, sẽ ảnh hưởng không tốt đến cả 2 bên" - ông Hùng nói.
Đại diện của VinaCapital cho biết đã có cuộc gặp với phía Ba Huân vào chiều 6-8 và đã thống nhất chưa công bố các thông tin có thể gây bất lợi cho nhau. Hai bên sẽ cố gắng để đạt được các thỏa thuận chung trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, theo VinaCapital, trước khi ký kết thỏa thuận chính thức vào tháng 2-2018, hai bên đã có quá trình tìm hiểu, thảo luận nhiều tháng trước đó. Từ khi chính thức tham gia cho đến khi hoàn tất (ký hợp đồng chính thức/giải ngân vốn), chưa bao giờ kéo dài dưới 6 tháng. Riêng phần thương lượng, soạn thảo hợp đồng đầu tư chính thức, bao gồm chi tiết các điều kiện giải ngân vốn đầu tư mà doanh nghiệp cam kết thực hiện, thời gian này cũng kéo dài ít nhất 1 tháng với hàng loạt trao đổi giữa các luật sư, đơn vị tư vấn do các bên chỉ định.
Sau khi công bố chính thức về việc rót vốn, VinaCapital cử đại diện tham gia HĐQT Ba Huân. Đồng thời, phía Ba Huân cũng đã gửi các công văn liên quan đến giao dịch đầu tư này và được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM chấp thuận ngày 13-2-2018. Theo đó, giấy phép đăng ký kinh doanh của Ba Huân đã được sửa đổi, vốn điều lệ được điều chỉnh tăng từ 222,36 tỉ đồng lên mức 280,69 tỉ đồng. Cổ đông nước ngoài Hawke Investment Pte.Ltd - thành viên của VOF do VinaCapital quản lý tăng tỉ lệ nắm giữ lên mức 33,77% tương đương 9,48 triệu cổ phần.
Bình luận (0)