Thời gian qua, có không ít doanh nghiệp (DN) đưa nông sản ra nước ngoài nhưng không thể thông quan nên phải lưu kho bãi kéo dài. Thậm chí có trường hợp hàng bị nước nhập khẩu yêu cầu tiêu hủy hoặc tái xuất gây thiệt hại rất lớn cho DN cũng như uy tín nông sản Việt Nam.
Nhiều rủi ro
Phản ánh với phóng viên Báo Người Lao Động, ông P.V.S, tổng giám đốc một công ty xuất khẩu nông sản tại TP Hà Nội, cho hay DN của ông vừa phải kéo 1 container hạt điều từ châu Âu (EU) về Việt Nam và thay bằng 1 lô hàng khác cho đối tác do không đạt chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật. Tiền cước tàu chở đi mất 8.000 USD, chở về thêm 3.000 USD nữa, cộng các chi phí liên quan, DN mất hơn 300 triệu đồng.
"Lô hàng này chúng tôi nhập nguyên liệu từ Bờ Biển Ngà - nơi người dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để canh tác - nên nghi ngờ hóa chất nhiễm ở khâu bảo quản. Do đó, chúng tôi đã đề nghị các DN cung ứng nguyên liệu cũng phải có chương trình kiểm soát dư lượng hóa chất trong lô hàng vì EU hiện nay kiểm soát rất chặt" - ông S. bày tỏ.
Để tránh rủi ro, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định thị trường
Cũng liên quan thị trường EU, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay thanh long và rau gia vị đang chịu tần suất kiểm tra lần lượt tới 20% và 50%. "Đây là tỉ lệ kiểm tra rất cao và khắc nghiệt với hàng rau quả Việt Nam vì sau khi lấy mẫu thì xem như số hàng đó không sử dụng được nữa. Điều này đồng nghĩa DN mất một giá trị lớn bao gồm hàng hóa và chi phí logistics cao ngất ngưởng như hiện nay. Ngoài ra, việc kiểm tra dài 4 ngày cũng làm giảm phẩm chất hàng hóa, kéo theo thiệt hại tài chính cho DN" - ông Nguyên phân tích.
Với thị trường Trung Quốc, gần đây cũng phát sinh nhiều vướng mắc hơn do nước này thực hiện chính sách "zero Covid-19" và 2 lệnh mới về quản lý nông sản, thực phẩm nhập khẩu có hiệu lực từ đầu năm 2022 (lệnh 248 và 249).
Theo Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Nafiqad, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: NN-PTNT), trong 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam có 130 lô hàng bị Trung Quốc cảnh báo nhiễm virus SARS-CoV-2 trên bề mặt ngoài, bề mặt trong bao bì sản phẩm, thành trong container và trong sản phẩm.
Phía Trung Quốc đã tạm dừng thủ tục nhập khẩu của các DN bị cảnh báo từ 1 - 9 tuần, đồng thời tiến hành kiểm tra trực tuyến hơn 30 DN của Việt Nam. Trong tình hình số lô hàng bị cảnh báo nhiều, Nafiqad lo ngại cơ quan thẩm quyền Trung Quốc sẽ xem xét, áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, tác động đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các DN.
Tương tự, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cũng nhận được nhiều cảnh báo về các lô hàng xuất khẩu Việt Nam vi phạm quy định của Trung Quốc về kiểm dịch thực vật cũng như SARS-CoV-2. Các DN có lô hàng bị cảnh báo bị thiệt hại khá nặng khi không thể thông quan và phải thực hiện biện pháp khắc phục để có thể xuất khẩu trở lại như trước.
Chủ động kiểm tra trước
Để tránh trường hợp hàng bị trục trặc ở nước ngoài, chi phí xử lý tốn kém, các DN đã đề xuất phương án kiểm tra trước tại Việt Nam. Ông Đặng Phúc Nguyên kiến nghị Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam, thuộc Bộ NN-PTNT) đàm phán với SPS EU có thể chỉ định 1 cơ quan kiểm định lô hàng ngay tại Việt Nam.
"Điều này tương tự như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… đang thực hiện, lô hàng đạt sẽ được xuất khẩu và EU công nhận kết quả này. Tại Việt Nam cũng có các phòng kiểm định do EU đầu tư như: Eurofins, Bureau Veritas…có phòng thí nghiệm hiện đại, đủ khả năng kiểm tra những chỉ tiêu theo yêu cầu của EU. Trường hợp lô hàng không đạt tiêu chuẩn EU sẽ được chặn ngay tại Việt Nam, giảm thiệt hại cho DN" - ông Nguyên kiến nghị.
Tương tự, bà Trương Tuyết Hoa - thành viên HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn, đại diện cho ngành cá tra Việt Nam - đề xuất phương thức kiểm tra trước tại Việt Nam chỉ tiêu virus SARS-CoV-2 để giảm ách tắc khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Về kiến nghị này, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad, cho biết đơn vị sẵn sàng đề nghị với phía Trung Quốc về nội dung trên. Tuy nhiên, DN cần có văn bản đề nghị chính thức và cần buổi làm việc chi tiết về giấy chứng nhận (nội dung, cách lấy mẫu, cơ quan kiểm tra…) để làm cơ sở thuyết phục nước bạn về phương thức kiểm tra mới.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nhấn mạnh thị trường Trung Quốc không còn "dễ tính" và DN muốn xuất khẩu bắt buộc phải tuân thủ quy định. "Ví dụ, Trung Quốc nhập quả vải yêu cầu không có cuống và lá thì nông dân, DN phải chấp hành, không thể lấy lý do trước đây "vẫn xuất khẩu như thế" vì quy định đã thay đổi.
Hay như mít và chuối, Trung Quốc yêu cầu không có rệp sáp - một đối tượng kiểm dịch thực vật có thể nhìn thấy bằng mắt thường - thì DN phải loại bỏ. Không thể lấy lý do là bên mua không cần. Đây là quy định của pháp luật nước nhập khẩu, không còn là chuyện tiền nào của đó" - ông Thiệt nêu dẫn chứng.
Cập nhật quy định liên tục
Theo TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, hiện trung bình mỗi tháng có khoảng 100 thông báo thay đổi quy định thị trường liên quan các vấn đề an toàn thực phẩm, kiểm dịch động - thực vật.
"80% quy định đến từ các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Do đó, để tránh gián đoạn thương mại nông sản, thực phẩm, các DN phải liên tục cập nhật quy định thị trường để tránh những vi phạm đáng tiếc. Đối với thị trường Trung Quốc, khi áp dụng 2 lệnh 248, 249, nước bạn cũng có cơ quan đầu mối giải quyết những vướng mắc phát sinh. Các DN nông sản, thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc gặp những trục trặc do các quy định mới có thể liên hệ Văn phòng SPS Việt Nam để được hỗ trợ tháo gỡ" - TS Nam thông tin.
Bình luận (0)