xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bài toán xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc (*): Cơ hội cho người tiên phong

NGỌC ÁNH - THANH NHÂN

Siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch sẽ là động lực cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đầu tư sản xuất bài bản hơn

Chỉ có xuất khẩu chính ngạch mới bảo đảm nền sản xuất lớn, tạo động lực chuyển đổi cả chuỗi giá trị hàng hóa với tiêu chuẩn cao hơn. Đây cũng là cơ hội để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc vì chỉ có xuất khẩu chính ngạch hàng hóa mới có thương hiệu, nâng cao hơn khả năng cạnh tranh với hàng loạt đối thủ mới đang hiện diện tại thị trường gần 1,5 tỉ dân này.

Đón đầu cơ hội

Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An), cho rằng với thị trường Trung Quốc, trước đây doanh nghiệp (DN) Việt Nam bán hàng sang chủ yếu lấy số lượng nhưng nay phải chú trọng chất lượng. "Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, họ đòi hỏi về tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận an toàn… không thua gì Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ năm nay, chúng tôi sẽ xây dựng dần để đón đầu các tiêu chuẩn của Trung Quốc" - ông Huy chia sẻ.

Cụ thể, Hoàng Phát Fruit đang xây thêm nhà máy sản xuất, tiến hành các thủ tục cấp mã số kho, mã số vùng nguyên liệu. "Nếu không có lộ trình để chuẩn bị thì sẽ rất khó khăn. Khi đó, không những DN bị ảnh hưởng mà nông dân cũng thiệt hại vì không tiêu thụ được sản phẩm. Vì vậy, rất cần chính quyền địa phương có lộ trình cùng nông dân, DN đáp ứng lộ trình này" - ông Huy nêu đề xuất.

Từ kinh nghiệm xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính, ông Huy cho rằng trước mắt phải xây dựng mã số vùng trồng, xây dựng nhà kho theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và phải làm sao để sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc. "DN muốn đi xa hơn phải xây dựng thương hiệu gắn với hàng hóa chất lượng, có đủ hàng cung ứng theo tiến độ đơn hàng" - ông Huy bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Tựu, HTX thanh long Thanh Huệ (Long An), cho rằng Trung Quốc siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch sẽ là động lực cho nông dân, HTX, DN Việt Nam đầu tư sản xuất bài bản hơn, nếu không sẽ không thể bán hàng vào thị trường này. "Hiện thanh long Việt Nam chủ yếu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Các đầu mối của Trung Quốc đến tận nơi đặt hàng, thu mua. Nếu xuất khẩu chính ngạch, khả năng cũng thông qua những nhà mua hàng Trung Quốc nhưng quy trình canh tác, tiêu chuẩn chất lượng… sẽ nghiêm ngặt hơn" - ông Tựu nói.

Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh - Trung Quốc, thông tin kể từ khi Trung Quốc có thông báo mở cửa trở lại, đã có không dưới 10 đoàn DN Trung Quốc sang Việt Nam khảo sát, tìm kiếm cơ hội làm ăn lẫn mua hàng. 

"Một vấn đề lớn là hiện Trung Quốc lập hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu rất chặt chẽ nên hàng hóa Việt Nam gặp không ít khó khăn. Qua theo dõi, năm 2021, Việt Nam xếp thứ 4 trong các nước xuất khẩu có số lô hàng nhập khẩu vào Trung Quốc bị cảnh báo nhưng năm 2022 đã đứng thứ 2 trong danh sách này" - ông Lai nêu.

Bài toán xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc (*): Cơ hội cho người tiên phong - Ảnh 1.

Bưởi là một trong những loại trái cây tươi đang được đàm phán xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: AN NA

Xu hướng tất yếu

Dưới góc nhìn của ngành logistics, ông Đặng Đình Long, Tổng Giám đốc Công ty Logistics Mega A, cũng cho rằng chỉ có xuất khẩu chính ngạch mới tận dụng vận tải đa phương thức (kết hợp đường bộ, đường sắt, đường thủy) để có chi phí rẻ hơn. 

"Một container chuối từ Đồng Nai sang biên giới (Quảng Tây) cước đường bộ 90 triệu đồng nhưng đi bằng đường biển sang Thượng Hải chỉ 31 triệu đồng. Hàng chính ngạch mới có thương hiệu và đi sâu vào nội địa Trung Quốc, lên kệ hàng các siêu thị, phân phối ở kênh cao cấp. Khi có hợp đồng mua bán hàng hóa, các hãng tàu lên kế hoạch vận chuyển, kế hoạch sản xuất theo đơn hàng, tránh tình trạng có hàng mới chở sang chợ biên giới bán, góp phần điều chỉnh sản xuất, tránh tình trạng cung vượt cầu, hàng hóa dội chợ" - ông Long phân tích.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, phân tích với xuất khẩu tiểu ngạch, gần như ai cũng tham gia được nhưng hàng hóa chỉ loanh quanh ở khu vực biên giới. "Muốn phát triển chính ngạch phải siết tiểu ngạch vì để tồn tại song song, người dân lại chọn đường dễ và vòng luẩn quẩn lặp lại, với những đợt đóng biên đột ngột, phải giải cứu nông sản" - ông Nguyên thẳng thắn.

TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế tại ĐBSCL, cho rằng nhìn vào mối quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc sẽ thấy việc chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch là tất yếu nhưng cần phải có lộ trình. Xuất khẩu chính ngạch là điều kiện bảo đảm nền sản xuất lớn, tạo động lực chuyển cả chuỗi giá trị hàng hóa với tiêu chuẩn mà các bên cam kết và kiểm soát. 

"Chúng ta có mục tiêu, cần đưa ra lộ trình và cách thức thực hiện. Bởi lẽ, quy định này không phải chỉ liên quan xuất nhập khẩu hay sự quản lý ở cửa khẩu mà là sự chuyển động của chuỗi giá trị nhiều ngành hàng nông sản" - TS Hiệp nói.

TS - luật gia Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Phát triển thị trường và Truyền thông quốc tế, góp ý cần có biện pháp hỗ trợ nông dân và các ngành hàng sản xuất trong nước có chất lượng cao thích ứng phương thức xuất khẩu chính ngạch. Để làm được điều này, cần phải thiết lập và duy trì hợp tác chuyển giao công nghệ cho nông dân, nhà sản xuất. 

"Nhiều DN nhỏ, siêu nhỏ của chúng ta lâu nay thường ở thế bị động. Các DN nên tham dự nhiều cuộc tọa đàm hơn về các chính sách đối với Trung Quốc, nghiên cứu kỹ hơn về mặt bằng chung của các sản phẩm mà DN và người dân Trung Quốc đang cần. DN cần tham khảo ý kiến chuyên gia, Bộ Công Thương, đồng thời theo sát giá cả để đáp ứng thị trường ngày một tốt nhất" - ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn cũng kiến nghị Việt Nam và Trung Quốc cần có những thỏa thuận về thương mại biên giới để các chính sách giữa 2 nước được ổn định hơn, các thông tin về kiểm định phía Trung Quốc cũng cần được công khai rõ ràng để DN Việt Nam nhận thức được rủi ro/ lợi ích nhằm có những điều chỉnh để tiến tới làm ăn lâu dài với Trung Quốc. 

Sẵn sàng từ khâu sản xuất

TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết mong muốn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là chuyển dịch từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, không chạy theo số lượng mà nâng cao chất lượng ngành hàng.

"Chúng ta đang có mong muốn sản phẩm nông sản Việt Nam là bếp ăn của thế giới thì phải an toàn và tạo ra giá trị. Làn sóng DN xuất khẩu sang Trung Quốc, nhiều địa phương, DN, HTX có sự thay đổi nhận thức rất lớn về việc tổ chức sản xuất làm sao đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều DN đã chủ động mời các cơ quan khoa học, viện nghiên cứu, chuyên gia hỗ trợ người dân tổ chức canh tác đúng quy định của thị trường nhập khẩu. Đây là bước chuyển rất lớn, giá trị nông sản được nâng lên" - ông Nam nêu nhận định.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-4

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo