Tại buổi gặp mặt báo chí chiều 23-12, ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Bamboo Airways, cho biết trong tháng 12-2019, Bamboo Airways sẽ tiếp nhận 2 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner đầu tiên về đội bay tại sân bay quốc tế Nội Bài, mở đầu cho loạt máy bay thân rộng sẽ liên tục về với đội bay vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Dự kiến, Boeing 787-9 Dreamliner trong thời gian đầu sẽ được Bamboo Airways điều phối khai thác trên các đường bay nội địa như Hà Nội - TP HCM và Hà Nội/TP HCM - Đà Nẵng. Trong thời gian tiếp theo, đây sẽ là dòng máy bay chủ lực khai thác các đường bay tầm trung và dài của Bamboo Airways tới châu Á, châu Âu, châu Mỹ, kết nối các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Séc, Úc, Mỹ...
Phó Chủ tịch Thường trực Bamboo Airways Đặng Tất Thắng khẳng định với dòng máy bay Boeing 787-9, hãng đang triển khai các bước để cuối năm 2020, đầu 2021 có thể bay thẳng tới Mỹ.
"Với Boeing 787-9, Bamboo Airways kỳ vọng sẽ khai thác các chuyến bay tới châu Âu, đặc biệt ngay trong Quý I-2020 là tới Praha (Séc), Munich (Đức), đồng thời vừa triển khai đường bay thẳng từ Hà Nội đi Melbourne (Úc), dự kiến bắt đầu khai thác vào tháng 5, 6-2020"- ông Thắng cho biết.
Trước đó, Bamboo Airways đã ký thỏa thuận mua 30 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner với tổng giá trị niêm yết 5,6 tỉ USD. Sau 2 máy bay nhận vào tháng 12-2019, trong quý I-2020 sẽ nhận thêm 2 chiếc, còn các máy bay sau đó sẽ được nhận phù hợp với kế hoạch kinh doanh của hãng và làm việc với nhà sản xuất Boeing.
Phó Chủ tịch Thường trực Bamboo Airways Đặng Tất Thắng cho biết đường bay Việt - Mỹ liên hệ trực tiếp với dòng máy bay Boeing 787-9 này: "Chúng tôi phải đợi chiếc máy bay thân rộng này về, làm xong AOC (chứng chỉ nhà khai thác bay) thân rộng, sẽ tiếp tục triển khai với phía Mỹ để thực hiện các bước tiếp theo (nộp hồ sơ đến nhà chức trách Hàng không Mỹ). Hiện nay Bamboo Airways đã lựa chọn được 1 đối tác tại Mỹ để làm đối tác hợp tác chiến lược và đang trong quá trình lựa chọn hợp tác, bắt đầu tìm hiểu, xúc tiến với một số hãng hàng không của Mỹ. Chúng tôi hy vọng sớm nhất là cuối năm 2020, đầu 2021, hãng sẽ triển khai được đường bay thẳng tới Mỹ".
Trước nghi vấn cho rằng Boeing 787-9 không thể bay thẳng đến Mỹ do yếu tố kỹ thuật, ông Eddy Doyle, Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways, cho biết: Sau khi tìm hiểu, phân tích 3 dòng máy bay thân rộng B787-8, B787-9, B787-10, cho thấy B787-9 có độ dài trung bình so với 2 loại còn lại, phù hợp với yêu cầu của Hãng, có tầm bay xa nhất, có thể bay đến Mỹ, châu Âu, châu Úc… Bamboo Airways đã lựa chọn dòng máy bay này.
Ông nêu ví dụ với dòng máy bay này, Air Canada đã có chuyến bay với tầm xa tương tự đường bay Việt - Mỹ như từ Vancouver đến Melbourne (Úc); hay đường bay của một hãng khác từ Melbourne đến London.
Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways Trương Phương Thành khẳng định với tầm bay tối đa của Boeing 787-9 là 14.140 km, có thể bay đến Mỹ. Ông Thành cho biết tháng 6-2019, ông đã làm việc với Boeing và bàn thảo về vấn đề này. Tầm bay của Boeing 787-9 là 14.140 km tương đương 7.635 dặm, đường bay từ TP HCM đi San Francisco tương đương 6.576 dặm; từ TP HCM đi Seattle là 6.266 dặm đến 6.565 dặm. Với tầm của bay Boeing 787-9 dư sức bay. Bài toán bay sang Mỹ, bay thẳng hay bay qua trung chuyển là bài toán liên quan đến hiệu quả đường bay, về doanh thu, chi phí về lợi nhuận chứ không phải máy bay có bay được số dặm đó hay không.
Sẽ có hangar trong năm 2020
Về việc Bamboo Airways vẫn chưa có hangar (nhà chứa máy bay) riêng, ông Thắng cho biết Hãng đang làm việc với rất nhiều địa phương để phát triển hangar cho đội máy bay, gần đây đã có kế hoạch làm việc với sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), sân bay Chu Lai. Tuy nhiên, do hangar liên quan đến đầu tư trên đất công nên Hãng đang làm việc với Bộ GTVT để sớm thông qua cơ chế để nhà đầu tư tư nhân có thể chủ động đầu tư xây dựng hangar. Hãng đã ký hợp tác chiến lược với công ty kỹ thuật của hãng hàng không Singapore Airlines để chuyển giao công nghệ về kỹ thuật. Hy vọng trong năm 2020 sẽ triển khai và hoàn thiện thi công 1 hangar.
100 máy bay vào năm 2025
Về việc Bamboo Airways có kế hoạch dừng thuê ướt các chuyến bay không, ông Đặng Tất Thắng cho biết đến nay, Bamboo Airways chỉ còn 1 nhà thuê ướt duy nhất là hãng Free Bird của Thổ Nhĩ Kỳ. Đến năm 2020, hãng sẽ cắt giảm dần tiến đến cắt hoàn toàn các chuyến bay thuê ướt, để chỉ còn thuê khô để nhất quán về dịch vụ.
Hãng đang khai thác trên 30 đường bay nội địa và quốc tế đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc (Đài Loan và Macao). Dự kiến trong năm 2019, hãng sẽ mở rộng mạng lưới đường bay lên 37 - 40 đường, trong đó gồm các đường bay quốc tế đến Đài Loan (Trung Quốc) và Đông Nam Á.
Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways Trương Phương Thành cho biết trong tháng 11 vừa qua, hãng hàng không này đã về thêm 11 máy bay và dự kiến trong tháng 12 này sẽ nâng tổng số đội máy bay của hãng lên 22 chiếc, gồm nhiều chủng loại, cả máy bay thân rộng và thân hẹp. Dự kiến ngay trong quý I-2020, hãng hàng không này sẽ nâng lên 30 máy bay, trong đó có 4 chiếc Boeing 787-9 (2 chiếc trong hợp đồng mua của Boeing, 2 chiếc thuê). Đến quý IV-2020 nâng tổng số đội bay lên 40-50 chiếc. Dự kiến đến năm 2025 nâng lên 100 máy bay khai thác.
Bình luận (0)