Vietnam Airlines cho biết vừa ký hợp tác liên danh với hãng hàng không lớn thứ 2 tại Mỹ là Delta Air Lines để mở rộng hợp tác liên danh linh hoạt hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ dự kiến từ tháng 10.
Hai hãng sẽ tiến hành kiểm tra hệ thống vận hành trong tháng 9-2019. Dự kiến từ tháng 10-2019, sau khi hệ thống của Vietnam Airlines được đánh giá đạt tiêu chuẩn để đi vào hoạt động, Delta Air Lines sẽ triển khai bán vé các chuyến bay do Vietnam Airlines khai thác giữa Hà Nội - Tokyo để phục vụ hành khách có nhu cầu nối chuyến đến Mỹ. Đây là những bước đầu tiên để Vietnam Airlines thăm dò thị trường Việt Nam - Mỹ, đồng thời tạo thói quen cho hành khách bay đến Mỹ trên các chuyến bay mang số hiệu của Vietnam Airlines.
Trước đó, từ năm 2010, Vietnam Airlines đã ký thỏa thuận hợp tác liên danh linh hoạt một chiều với Delta Air Lines trên 10 đường bay đến/đi từ Mỹ và 10 đường bay nội địa Mỹ. Nhờ thỏa thuận hợp tác này, hành khách của Vietnam Airlines có thể đến 8 tiểu bang tại Mỹ thông qua nối chuyến với Delta Air Lines tại Tokyo (Nhật Bản) hoặc Frankfurt (Đức).
Với việc nâng tầm hợp tác hai chiều, hành khách chỉ cần đặt chỗ và làm thủ tục chuyến bay một lần duy nhất với Vietnam Airlines hoặc Delta Air Lines để thực hiện toàn bộ hành trình.
Đây được xem là bước đệm để Vietnam Airlines mở đường bay sang Mỹ. Hãng hàng không này đã mở văn phòng đại diện tại Mỹ từ năm 2001, từ đó hãng luôn chuẩn bị các điều kiện để mở đường bay tới Mỹ và đang lên kế hoạch trong giai đoạn cuối cùng quyết định thời điểm bắt đầu khai thác đường bay thẳng này.
Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành, việc chuẩn bị thị trường lại không hề dễ dàng. Trước đây hãng muốn mở đường bay thẳng Việt - Mỹ sẽ phải mất 5 năm mới hòa vốn và khả năng lỗ khoảng 30 triệu USD mỗi năm, hiện nay nếu muốn bay thẳng đến Mỹ thì phải tìm cách giảm lỗ xuống dưới mức này. Đường bay này cạnh tranh gay gắt nên hãng đang tìm cách hợp tác với các hãng hàng không khác để phối hợp nguồn khách, nguồn hàng... Bên cạnh đó, để bay vào Mỹ, mỗi hãng hàng không phải hoàn tất các thủ tục pháp lý vô cùng phức tạp và Vietnam Airlines cần khoảng 2 năm nữa để chuẩn bị.
Tuy nhiên, trong khi đó, "tân binh" Bamboo Airways đã bày tỏ tham vọng trở thành hãng hàng không Việt Nam đầu tiên mở đường bay đi Mỹ vào năm 2020. Trước những lo ngại về lưu lượng khách, về việc mở đường bay thẳng sẽ lỗ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của hãng hàng không Bamboo Airways, trong cuộc tọa đàm ngày 1-8 vừa qua đã thông tin rất chi tiết về bài toán kinh tế khi hãng này quyết định bay thẳng đến Mỹ, khẳng định sẽ có lãi.
Theo tỉ phú Trịnh Văn Quyết, giả sử Bamboo phải thuê 1 máy bay Boeing 787-9, bán vé 1.100 USD, sẽ thu về khoảng 116 tỉ 300 triệu đồng, lỗ khoảng 14 tỉ đồng. Thế nhưng, nếu bán vé tăng lên mức 1.300 USD cho khứ hồi, số lãi rơi vào 8,4 tỉ đồng. Nếu thuê Airbus A350, nếu bán vé giá 1.300 USD thì sẽ lãi 28 tỉ đồng/chuyến bay khứ hồi. Nếu bay qua nước thứ 3, số lãi sẽ lớn hơn nhiều vì có thêm khách. Khẳng định đã tính toán chi tiết đến từng đô-la, ông Quyết cũng cho biết đến tháng 12-2019, Bamboo Airways sẽ nhận máy bay đầu tiên Boeing 787-9 của hãng Boeing.
Chia sẻ các nghiên cứu về việc mở đường bay từ Nội Bài và Tân Sơn Nhất tới Mỹ cũng như các bước để tiến hành mở đường bay sang thị trường này, đại diện hãng này cũng cho biết sẽ xin chứng nhận khai thác an toàn để có thể bay thẳng đến Mỹ với thời gian tối ưu nhất là 15 giờ.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường nhận định để thực hiện ước mơ bay thẳng tới Mỹ, hãng hàng không phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng về điều kiện kỹ thuật khai thác tàu bay. Cùng quan điểm, ông Hồ Minh Tấn, Trưởng phòng tiêu chuẩn an toàn bay (Cục Hàng không Việt Nam), cho rằng về điều kiện kỹ thuật, hãng hàng không Việt Nam có 2 phương án: Một là sử dụng máy bay của chúng ta để bay thẳng Mỹ, hai là thuê ướt để bay Mỹ, ví dụ khi United Airlines bay đến Việt Nam, chúng ta sẽ thuê lại máy bay của hãng bay để bay thẳng từ Việt Nam sang Mỹ. Đây là phương án khả thi hơn.
Bình luận (0)