Chiều 2-2, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2014.
Trích 187 tỉ đồng cho khen thưởng, phúc lợi
Báo cáo tại buổi họp báo, đại diện Bộ Công Thương cho biết tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2014 là hơn 198.000 tỉ đồng; giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 là 1.539,35 đồng/KWh. Trong đó, chi phí khâu phát điện chiếm tỉ lệ lớn nhất với trên 152.920 tỉ đồng.
Doanh thu bán điện năm 2014 là 197.128,89 tỉ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.532,55 đồng/KWh. Theo đó, giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện thấp hơn khoảng 6,8 đồng/KWh so với giá thành sản xuất kinh doanh điện trong năm.
Đáng chú ý, trong năm 2014, ngành điện vẫn có lãi 823,83 tỉ đồng nhờ thu nhập từ các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện khác. “Thực tế, lỗ về sản xuất kinh doanh điện thuần túy là 874 tỉ đồng nhưng thu nhập các hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2014 là 1.698 tỉ đồng. Trong đó, thu nhập từ tiền bán công suất phản kháng 444,25 tỉ đồng; thu nhập từ hoạt động tài chính của công ty mẹ - EVN, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia và các tổng công ty điện lực 1.153,21 tỉ đồng; thu nhập từ hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần 101 tỉ đồng. Số thu này trừ đi số lỗ thì còn 823 tỉ đồng” - Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri giải thích.
Theo ông Tri, mức lãi này là quá thấp nếu tính trên vốn điều lệ của tập đoàn là 165.000 tỉ đồng. Trong khi đó, hàng loạt chi phí chưa xử lý hết vào giá thành, đặc biệt là lỗ tỉ giá. “Nếu đưa hết chênh lệch tỉ giá tính đến 31-12-2014 là khoảng 5.000 tỉ đồng vào thì đương nhiên thành lỗ. Song, EVN xin Chính phủ cho trích dần khoản lỗ này vì chưa phải trả ngay và được Chính phủ cho phép phân bổ dần khi điều kiện tài chính cho phép” - đại diện EVN cho hay.
Với mức lãi nêu trên, EVN cho biết sẽ trích 155 tỉ đồng cho quỹ đầu tư phát triển, 187 tỉ đồng cho 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi. Các quỹ này được chi theo chế độ kế toán và điều lệ của EVN. Theo đó, HĐTV tập đoàn được quyền thưởng cho cá nhân, tập thể hoạt động xuất sắc, hoàn thành nhiệm vụ năm 2014. Ngoài ra, EVN nộp ngân sách nhà nước được 173 tỉ đồng trong năm 2014.
Chưa có kế hoạch tăng giá điện
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, ông Đinh Thế Phúc, cho hay cơ cấu nguồn điện ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành điện. Nếu năm nào nước về nhiều, thủy điện dồi dào thì giá điện sẽ thấp; còn năm nào khô hạn, thủy điện ít thì giá thành cao hơn.
Ví dụ, giai đoạn 2010-2011, do phải phát điện bằng dầu nhiều nên giá thành rất cao, gây ra căng thẳng. Năm 2015-2016, do hiện tượng El Nino nên nước về ít, dẫn đến tình trạng không tích đủ nước, các hồ xấp xỉ mức dâng bình thường. Do vậy, tính đến ngày 1-1-2016 đã thiếu hơn 3 tỉ KWh điện. “Tháng 2-2016, chúng tôi đã yêu cầu EVN có thể phải phát dầu và chắc chắn cơ cấu sản lượng thay đổi thì ảnh hưởng giá thành điện” - ông Phúc nói.
Theo ông Đinh Quang Tri, giá thành và kế hoạch chi phí sản xuất điện năm 2016 phụ thuộc nhiều vào tình hình cung cầu. Nhu cầu điện trong tháng 1-2015 không cao, chỉ tăng khoảng 6%-7% nên không phải phát dầu. Dự kiến, tháng 2-2016 vẫn tăng thấp.
“Đến mùa hè, không biết phụ tải tăng lên bao nhiêu, việc này phụ thuộc nhiệt độ môi trường. Rất có thể phải phát dầu tại chỗ ở miền Nam nếu nhiệt độ tăng quá cao, truyền tải điện từ Bắc vào không đáp ứng được. Các nhà máy nhiệt điện như Ô Môn, Cần Thơ, Thủ Đức đã chỉ đạo các đơn vị dự trữ dầu” - ông Tri cảnh báo.
Lãnh đạo EVN cũng khẳng định EVN chưa có kế hoạch tăng giá điện. “Về cơ bản, chúng tôi mong muốn năm 2016 không phải tăng giá điện là tốt nhất. Bởi lẽ, mỗi lần tăng giá điện là rất mệt mỏi, không ai muốn, kể cả người tiêu dùng lẫn người bán. Đầu vào ổn định, đầu ra ổn định để kinh tế phát triển. Bất đắc dĩ, chúng tôi mới phải tăng giá” - ông Tri phân trần.
Tuy vậy, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Đinh Thế Phúc cũng lưu ý giá điện trong năm 2015 đã được Chính phủ định hướng tiệm cận với thị trường. Do đó, dự thảo cơ chế biểu giá điện đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến đã đưa ra nội dung cho phép điều chỉnh giá bán điện tăng ở mức 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, rút thời gian giữa 2 lần điều chỉnh liên tiếp xuống còn 3 tháng để đáp ứng định hướng đưa giá điện tiến tới thị trường.
Có thể ưu tiên thêm nguồn nhiệt điện khí
Liên quan đến cơ cấu nguồn điện, đại diện Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương cho biết đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII có nêu định hướng hạn chế nhiệt điện than trong tương lai. Tuy nhiên, các nhà máy nhiệt điện than hiện đã hoàn thành thì vẫn sẽ vận hành hết đời dự án.
“Để bảo đảm an ninh năng lượng thì phải đa dạng hóa nguồn điện, không nước nào phát triển toàn bộ năng lượng tái tạo cả. Sắp tới, có thể sẽ ưu tiên thêm nhiệt điện khí nếu như khai thác được” - vị đại diện này cho hay.
Bình luận (0)