Chưa nói đến tính pháp lý của công thức tính toán giá thành gây sốc này, thực ra chẳng có doanh nhân nào được gọi là nghiêm túc và sống trong một nền kinh tế lành mạnh mà nghĩ đến, chứ đừng nói đến chuyện cân nhắc về khả năng áp dụng nó.
Đơn giản là bởi trong điều kiện kinh doanh không độc quyền, giá thành hợp lý là một trong những vũ khí cạnh tranh chủ lực. Đối với mặt hàng có cùng chất lượng, ai bán với giá cao hơn sẽ đứng trước nguy cơ mua bán ế ẩm. Một trong những biện pháp cạnh tranh tích cực nữa là bán cùng một giá như hàng cùng loại của người khác nhưng hàng của mình có chất lượng tốt hơn. Tất nhiên, muốn có giá thành hợp lý thì điều tối cần thiết là phải đầu tư tiền vốn phù hợp, nghĩa là phải chặt chẽ và tiết kiệm.
Ngay cả trong trường hợp không có ai để cạnh tranh thì nhà kinh doanh - vốn bị ràng buộc bởi trách nhiệm của doanh nhân đối với xã hội - phải đưa ra và tôn trọng cam kết cung ứng cho xã hội sản phẩm có chất lượng với giá chấp nhận được. Với cam kết đó thì không thể có chuyện doanh nhân mua sắm tùy tiện, tiêu pha thoải mái rồi đưa các chi phí đó vào giá thành. Nói khác đi, doanh nhân, dù độc quyền, cũng không được phép theo đuổi cuộc sống xa hoa, lãng phí trên lưng của người tiêu dùng.
Nếu vì lý do nào đó mà phải chấp nhận tình trạng độc quyền trong kinh doanh thì nhà nước có trách nhiệm xây dựng một khung pháp lý có tác dụng minh bạch hóa, hợp lý hóa việc lập giá thành. Bên cạnh đó, phải có một cơ chế bảo đảm sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc được đề ra thông qua các biện pháp chế tài có tính răn đe cao và một bộ máy kiểm tra, giám sát tích cực, nhạy bén, chính xác và nghiêm túc.
Lâu nay, mỗi lần chuẩn bị đề xuất tăng giá điện, ngành điện lại kêu lỗ toàn vì những nguyên nhân khách quan. Cũng không ít lần từ chính những vị trí được trao thẩm quyền xét duyệt các đề nghị tăng giá điện, người ta nghe lời khẳng định chắc nịch rằng các đề nghị ấy là hợp lý và việc tăng giá là cần thiết. Các kết quả thanh tra ngành điện lần này lại cho thấy một trong những nguyên nhân làm giá điện bị đội lên là sự hiện diện trong giá thành nhiều yếu tố không ăn nhập gì đến quy trình tạo ra sản phẩm. Điều đó khiến người ta tự hỏi liệu có những lỗ hổng trong khung pháp lý, trong cơ chế kiểm tra, giám sát hoặc có vấn đề về tính trung thực, mẫn cán, hiệu quả của bộ máy kiểm tra, giám sát khiến cho sự thật về chuyện lời hay lỗ của ngành điện không thể được làm rõ.
Hẳn còn phải chờ câu trả lời chính thức từ cơ quan có thẩm quyền. Nhưng ngay từ bây giờ, có thể nói rằng nếu mua và bán mà cả người bán và người mua đều vui vẻ, hài lòng, đặc biệt về giá, thì người bán được tiếng tốt và sẽ có điều kiện mở rộng thị phần, khuếch trương cơ nghiệp bền vững; còn nếu người bán cứ thẳng tay chặt chém với giá bán hình thành từ đủ mọi chi phí vô lý trong khi người mua bấm bụng chi trả mà bức xúc thì suy cho cùng, cuộc mua bán chẳng khác một vụ công nhiên cưỡng đoạt tài sản. Và việc bán và mua giữa ngành điện và người tiêu dùng không phải là ngoại lệ
.
Bình luận (0)