Thế nhưng, kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa công bố cho thấy đã lộ ra nhiều khoản chi phí bất hợp lý, như mua ô tô, xây biệt thự, sân tennis, đầu tư ngoài ngành bị thua lỗ hoặc các công ty thành viên kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn trích thưởng; thậm chí gánh lỗ cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng được EVN gộp vào chi phí sản xuất điện để tính giá thành điện. Như vậy, từ trước đến nay, bức xúc của người dân về giá điện không minh bạch là có căn cứ.
Ngoài những điều nêu trên, EVN còn tính định mức lao động chưa chính xác khiến số lao động theo định mức vượt tới trên 50% số lao động thực đang sử dụng, qua đó “giúp” quỹ lương của tập đoàn tăng lên. Đặc biệt, việc EVN chỉ đạo các ban quản lý dự án hạch toán thay đổi vốn đầu tư các dự án điện (từ nguồn vốn khấu hao xây dựng cơ bản sang vốn trái phiếu) đã khiến giá thành sản xuất điện năm 2011 phải chịu thêm lãi trái phiếu hơn 223 tỉ đồng... Rõ ràng là EVN có ý đồ và thực hiện ý đồ một cách hệ thống. Đây là sự vụ lợi, vì lợi ích nhóm, thể hiện sự không trung thực bởi các biệt thự, bể bơi là tài sản rất lớn, hữu hình, ai cũng biết là sẽ đẩy giá thành điện lên không ít, thật khó có thể nói là nhầm lẫn. Ăn như thế thì dày quá!
Trong xã hội ta với nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân thì tính minh bạch trong hoạt động quản lý là bắt buộc, cũng có thể coi là lẽ sống, nguồn sức mạnh của bộ máy công quyền. Minh bạch nhằm bảo đảm bản chất dân chủ của xã hội; là một giải pháp rất quan trọng để khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng; là điều kiện để bộ máy nhà nước nhằm tiếp thu trí tuệ của người dân đóng góp cho các hoạt động quản lý và đây cũng là yêu cầu cần thiết để thành công trong hội nhập quốc tế.
Thế nhưng, là một tập đoàn kinh tế hàng đầu của nhà nước như EVN, hoạt động trong lĩnh vực độc quyền, có ảnh hưởng nhiều đến toàn bộ sản xuất và đời sống của người dân mà lại thiếu minh bạch như vậy, liệu có thể chấp nhận được không? Bộ Công Thương với vai trò quản lý ngành đáng ra phải phát hiện những vấn đề của EVN từ lâu, trước khi các cơ quan khác nhập cuộc, vậy mà dù đã có kiểm toán song vẫn không thấy gì (?!) Qua vụ này, hàng loạt câu hỏi mang tính cảnh báo đang được đặt ra cần phải trả lời, đó là: Cơ chế kiểm soát các tập đoàn nhà nước hiện nay có hữu hiệu? Sự không trung thực chỉ có ở EVN hay còn ở các tập đoàn khác? Các bộ và các tập đoàn có đủ sự trong sáng, độc lập hay thực chất là đan xen trong mối quan hệ hữu hảo? Cơ chế trách nhiệm và xử lý sẽ ra sao khi phát hiện sự thật, như ở EVN?
Dù các câu hỏi trên được trả lời thế nào thì điều đầu tiên cần làm là khi Thanh tra đã kết luận, phải rà soát để loại trừ những khoản tiền EVN đưa vào giá thành điện không đúng, từ đó hạ giá thành điện, giảm gánh nặng cho người dân, cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngoài ra, không thể không xem xét trách nhiệm những cá nhân liên quan đến thời kỳ phát sinh sai phạm, tránh đùn đẩy trách nhiệm hay để chìm xuồng.
Cũng cần xem lại cơ chế quản lý để không để xảy ra những sai phạm tương tự. Nhiều cảnh báo của các chuyên gia trước đây về giá điện chưa minh bạch nay đã đúng. Vì vậy, nhất thiết phải có cơ quan định giá độc lập, kiểm soát tốt và khách quan hơn chi phí sản xuất để tính giá điện cũng như những mặt hàng thiết yếu khác.
Bình luận (0)