Ngày 9-9, hơn 400 doanh nghiệp (DN) đã tham dự buổi “Đối thoại giữa DN với lãnh đạo Cục Thuế TPHCM”. Tại buổi đối thoại, hầu hết đại biểu đều tập trung các vấn đề xoay quanh việc DN sẽ tự in hóa đơn thuế.
Nhiều vấn đề khúc mắc
Theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP, từ ngày 1-1-2011, DN sẽ tự in hoặc đặt in hóa đơn để cung cấp chứng từ cho bên mua hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, nhiều đại biểu thắc mắc các đơn vị hành chính sự nghiệp hoặc cá nhân có nhu cầu về hóa đơn sẽ mua ở đâu?
Bà Trần Thị Lệ Nga, Trưởng Phòng Thông tin tuyên truyền Cục Thuế TPHCM, cho biết cơ quan thuế sẽ đặt in hóa đơn để cung cấp cho các tổ chức, cá nhân không có chức năng kinh doanh nhưng trên thực tế có hoạt động kinh doanh. “Giả sử bên thuê mặt bằng của một trường học đề nghị cung cấp hóa đơn thì nhà trường sẽ mua hóa đơn tại cơ quan thuế”- bà Nga cụ thể hóa tình huống.
Về địa chỉ của DN thể hiện trên hóa đơn tự in, đại diện Công ty Phúc Thiên Long (TPHCM) cho rằng sẽ có hóa đơn đã in không sử dụng được vì DN thay đổi địa chỉ.
Doanh nghiệp mua hóa đơn tại Chi cục Thuế quận 1 - TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Giải quyết vấn đế này, Cục Thuế TPHCM khuyến nghị DN nên để trống địa chỉ đơn vị. Trường hợp DN đã lỡ in địa chỉ trên hóa đơn thì khi thay đổi địa chỉ cần đóng dấu địa chỉ mới bên cạnh địa chỉ cũ, hóa đơn vẫn hợp lệ.
Nhiều DN cũng băn khoăn về số hóa đơn cũ (hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành, DN đã mua lâu nay) chưa sử dụng hết sẽ xử lý thế nào? Bà Nga cho biết DN phải có văn bản báo cáo Bộ Tài chính để được phép sử dụng hết số hóa đơn cũ.
Bổ sung gấp đối tượng
“Nếu công ty sử dụng một năm chưa hết một cuốn hóa đơn mà phải tự đặt in sẽ rất lãng phí (chi phí in hóa đơn thường từ 6.000 - 8.000 đồng/tờ, trong khi các công ty in thường yêu cầu khách hàng phải đặt từ 50 cuốn trở lên). Liệu các DN nhỏ có thể mua hóa đơn của cơ quan thuế không?”- đại diện Công ty Xây dựng thương mại Hưởng Thanh Bình (TPHCM) đặt vấn đề.
Theo lãnh đạo Cục Thuế TPHCM, nội dung dự thảo thông tư hướng dẫn về việc phát hành hóa đơn cho phép DN thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn hoặc DN siêu nhỏ (số lượng lao động dưới 10 người) được mua hóa đơn từ cơ quan thuế. Tuy nhiên, địa bàn TPHCM gần như không có đối tượng này nên các DN cần có ý kiến đóng góp gấp để cơ quan thuế tập hợp đề xuất Bộ Tài chính bổ sung.
Một vấn đề khác, là nhiều DN lo ngại hóa đơn có thể bị giả mạo. Bởi trên thực tế có trường hợp DN đã bỏ trốn nhưng vẫn xuất hóa đơn cho khách hàng. Khi cơ quan thuế phong tỏa mã số thuế, thông báo về tình hình hoạt động của DN đó thì đối tượng xấu lại giả mạo một thông báo khác của cơ quan thuế với nội dung DN hoạt động bình thường... Kế toán trưởng của một công ty giao nhận ở TPHCM còn cho biết đã từng phát hiện hóa đơn do công ty mình đặt in được xếp lớp tại xưởng in. “Khi chúng tôi chất vấn tại sao lại có số hóa đơn này, lãnh đạo công ty in cho rằng nhân viên đang thu dọn hóa đơn dư thừa...”.
Tự bảo vệ mình là chính
Nhiều ý kiến quan ngại việc DN tự in hóa đơn có thể dẫn đến gian lận về thuế.
Giả sử DN xuất hóa đơn số 1 rồi bắt tay với nhiều DN để xuất nhiều hóa đơn số 1 để trục lợi khi hoàn thuế nếu cơ quan thuế chấp nhận hóa đơn số 1 hợp lệ...
Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Cục phó Cục Thuế TPHCM, cho rằng do e ngại luật pháp “sờ gáy”, ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín kinh doanh nên DN sẽ không dám gian lận về hóa đơn tự in.
Tuy nhiên, đối tượng xấu có thể giả mạo hóa đơn của DN. Vì thế, DN phải tự bảo vệ mình bằng cách đặt in hóa đơn để các công ty in ấn chia sẻ một phần biện pháp chống giả; đồng thời hóa đơn DN tự in cần gắn tem chống giả hoặc có ký hiệu đặc biệt. |
Bình luận (0)