Hóa đơn (HĐ) tự in đem lại nhiều tiện ích cho doanh nghiệp (DN) in và phát hành. Theo quy định, DN mua hàng sẽ được DN bán hàng cung cấp HĐ tự in. Điều đáng lo ngại là làm sao để nhận biết HĐ tự in đó có hợp pháp hay không?
Việc quản lý sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng hiện nay bộc lộ nhiều bất cập. Ảnh: Hồng Thúy
Được vạ má đã sưng
Pháp luật thuế nghiêm cấm sử dụng HĐ bất hợp pháp, mọi HĐ được xác định là bất hợp pháp đương nhiên vô hiệu. Sử dụng HĐ bất hợp pháp là việc sử dụng HĐ giả, HĐ chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng; hoặc sử dụng HĐ của tổ chức, cá nhân khác (trừ HĐ do cơ quan thuế phát hành) hoặc HĐ khống để hạch toán kế toán, khai thuế. Do điều kiện quản lý thông thoáng như hiện nay, DN bán hàng gian lận hoàn toàn có thể sử dụng HĐ giả, HĐ chưa có giá trị sử dụng, HĐ hết giá trị sử dụng hay HĐ khống để cung cấp cho DN mua hàng. Hậu quả là DN nhận HĐ lãnh đủ trong khi chờ cơ quan chức năng kết luận hành vi vi phạm của DN lập HĐ bất hợp pháp, thường mất nhiều tháng hoặc cả năm, có khi không xử lý được.
Càng cải tiến càng dễ... bị làm giả!
Ông Nguyễn Phan Trung Thủy, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn và Kiểm toán Gia Cát, cho biết trước đây, kỹ thuật in trên HĐ giá trị gia tăng của Bộ Tài chính tinh vi hơn, khó làm giả hơn. Nay, DN tự in HĐ bằng máy vi tính nên rất dễ bị làm giả. Một chuyên gia tài chính phân tích: DN này hoàn toàn có thể sử dụng mẫu HĐ của DN uy tín khác hoặc in trùng số serie ở những cửa hàng, chi nhánh khác nhau.
Trong trường hợp một công ty có nhiều cửa hàng thì các cửa hàng có thể xuất HĐ trùng một dãy số serie, nhờ đó số thuế kê khai chỉ bằng một cửa hàng nhằm giấu doanh số của những cửa hàng khác (xuất trùng số serie HĐ). Thủ đoạn này từng bị ngành thuế phát hiện cách đây không lâu. Một DN kinh doanh vật liệu xây dựng lớn khai doanh số quá thấp, cơ quan thuế nghi ngờ, liền kiểm tra và phát hiện chuỗi cửa hàng của DN này dùng HĐ giá trị gia tăng có chung serie, ém doanh số trong 3 quý đến 40 tỉ đồng, số thuế trốn nộp hơn 10 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên trưởng Phòng Pháp chế Cục Thuế TPHCM, với HĐ tự in, DN “ma” cũng có thể xuất HĐ chưa có giá trị sử dụng hay đã hết giá trị sử dụng; xuất HĐ nhưng không thực xuất hàng hóa (một phần hay toàn bộ)... nhằm tối đa hóa thu nhập bất chính. Bên mua hàng hoàn toàn không thể nhận biết được HĐ tự in nào hợp pháp, HĐ nào bất hợp pháp. Khi biết chuyện thì DN “ma” đã cao chạy xa bay.
Ông Nguyễn Phan Trung Thủy cho biết nếu DN mua nhầm phải HĐ giả, HĐ chưa được thông báo phát hành hoặc HĐ đã hết hạn phát hành thì DN đó sẽ không được khấu trừ thuế thu nhập DN khi chưa xác minh được đối tượng gian lận. Bên cạnh đó, kể từ khi DN “ma” xuất bán HĐ tự in đến lúc cơ quan điều tra kết luận hành vi đó là tội in, phát hành, mua bán HĐ bất hợp pháp, thường phải mất vài năm. Khoảng thời gian đó quá dài, đủ để nhiều DN lỡ nhận phải HĐ bất hợp pháp bị... phá sản!
Chế tài nhẹ, hệ lụy lớn
Nhiều quốc gia trên thế giới từ lâu đã trao cho DN quyền tự chủ in và phát hành HĐ. Sở dĩ họ làm được như vậy là nhờ các yếu tố nền tảng rất thuận lợi cho việc quản lý thuế, như hoạt động thanh toán của các DN chủ yếu là qua hệ thống ngân hàng; mức chế tài đối với DN mắc sai phạm về HĐ rất nặng, có thể khiến DN phá sản. Tại nước ta hiện nay, hai điều kiện nói trên đều chưa bảo đảm nên việc trao cho DN quyền tự in HĐ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Đáng nói nhất là Nghị định 51/CP quy định mức chế tài phạt tiền rất nhẹ nên chắc chắn không thể răn đe DN khỏi hành vi tự in HĐ bất hợp pháp. Theo đó, hành vi tự in HĐ khi không đủ các điều kiện được phép tự in HĐ chỉ chịu một mức phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng; hành vi sử dụng HĐ giả, HĐ chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng; hoặc sử dụng HĐ của tổ chức, cá nhân khác... chỉ bị phạt tiền từ 12 triệu đồng đến 60 triệu đồng. Thậm chí, DN có hành vi lập HĐ khống cũng chỉ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Như vậy, mức phạt tiền tối đa là 100 triệu đồng, bất kể mức độ thiệt hại cho ngân sách lên đến bao nhiêu tỉ đồng, vậy thì làm sao có thể ngăn chặn hành vi lạm dụng quyền tự in HĐ vốn có thể thu lợi hàng tỉ đồng? Ông Trần Đình Cử, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, nói: “Về lâu dài, chúng ta cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế các hành vi gian lận trong lĩnh vực thuế. Cũng cần có những biện pháp mạnh tay như tiến hành khởi tố điều tra và đưa ra xét xử một số vụ vi phạm điển hình về hành vi tự in HĐ bất hợp pháp để làm gương”. TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đề nghị: “Trước khi Nghị định 51/CP có hiệu lực, ngành thuế phải có những bước theo dõi, quản lý thật chặt chẽ để nhận diện những bất cập nhằm đề xuất hướng xử lý kịp thời”.
Không đủ cán bộ thuế để kiểm tra
Trong khi số DN ngày càng nhiều, lượng HĐ tự in theo Nghị định 51/CP sẽ tăng theo cấp số nhân, đội ngũ cán bộ thuế làm nhiệm vụ thanh - kiểm tra gian lận về HĐ lại không đủ để cáng đáng công việc. Ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết: “Số cán bộ toàn ngành thuế TPHCM hiện nay khoảng 4.000 người, không đủ để thi hành nhiệm vụ. Chúng tôi đề xuất bổ sung cho ngành khoảng 2.800 cán bộ nữa nhưng vì vướng mắc nhiều thứ, đề xuất này khó trở thành hiện thực”.
A.Quý |
Bình luận (0)