Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ để lấy ý kiến các bên liên quan.
Giảm 2 năm
Theo phương án Bộ Tài chính đề xuất, thuế suất 15% sẽ được áp dụng cho DN siêu nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 3 tỉ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người; 17% áp dụng cho DN nhỏ có tổng doanh thu không quá 50 tỉ đồng và số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 100 người.
Bộ Tài chính nêu rõ miễn thuế TNDN trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN siêu nhỏ, DN nhỏ nêu trên được thành lập mới từ hộ kinh doanh. Tuy nhiên, hộ kinh doanh phải đáp ứng điều kiện đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật, đồng thời có thời gian sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 12 tháng tính đến ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu.
Doanh nghiệp làm thủ tục quyết toán thuế tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Để tránh các trường hợp DN thành lập những công ty con để hưởng chính sách này, Bộ Tài chính đề nghị quy định mức thuế suất 15% và 17% không áp dụng cho công ty con, công ty có quan hệ liên kết mà DN trong quan hệ liên kết không phải là DN nhỏ, siêu nhỏ và các trường hợp không áp dụng ưu đãi thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN.
Theo Bộ Tài chính, dự thảo đưa ra chính sách ưu đãi trên nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh chuyển đổi hoạt động sang mô hình DN, đồng thời thúc đẩy DN nhỏ và siêu nhỏ phát triển, mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng việc làm cho người lao động. Bộ Tài chính cũng dẫn số liệu thống kê cho thấy trong tổng số 715.000 DN tính đến cuối năm 2018, có hơn 93% có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nhưng lại có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội.
Bộ Tài chính cho biết đã tham khảo kinh nghiệm của một số nước có số lượng DN quy mô nhỏ chiếm đa số trong nền kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore thì thấy các nước rất quan tâm đến DN có quy mô nhỏ bằng việc đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về thuế.
Mặc dù vậy, Bộ Tài chính cũng tính toán mức độ ảnh hưởng đến ngân sách khi áp dụng chính sách ưu đãi nêu trên. Theo ước tính, áp dụng chính sách ưu đãi này sẽ làm giảm thu của ngân sách khoảng 9.200 tỉ đồng/năm và nếu mở rộng áp dụng cả cho DN vừa thì có thể làm giảm thu hơn 19.500 tỉ đồng/năm.
"Tuy trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối ngân sách nhưng sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh đối với DN nhỏ và siêu nhỏ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính; về dài hạn sẽ tạo điều kiện để DN tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế TNDN cho ngân sách vào những năm sau" - đại diện Bộ Tài chính cho hay.
Phải đúng mục tiêu
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào ngày 24-7, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng việc hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ là rất cần thiết để các DN tồn tại, phát triển và trong đó có chính sách về thuế. Dù vậy, việc miễn giảm thuế chưa hẳn là một chính sách giúp DN phát triển tốt hơn. Thậm chí, nếu thực hiện không cẩn trọng sẽ bị tác động ngược.
"Miễn hay giảm thuế là giúp DN nhỏ và siêu nhỏ cắt giảm một phần chi phí. Vậy thì các DN được hưởng chính sách này có muốn "lớn lên" hay không, hay níu kéo nhỏ mãi để hưởng ưu đãi" - ông Cường đặt vấn đề và nhấn mạnh phải làm sao để DN phát triển tốt, không phải để DN "giậm chân tại chỗ". Tại sao không nghĩ thay vì miễn thuế thì đưa ra các hoạt động để hỗ trợ DN vừa thành lập những vấn đề họ đang thiếu như khâu tổ chức, tư vấn, quản trị... để họ phát triển vững mạnh. Miễn thuế nghĩa là không thu tiền vào thì cũng đồng nghĩa với việc bỏ tiền ra nhưng bỏ ra phải đúng mục tiêu, đối tượng.
Về việc chính sách ưu đãi thuế sẽ làm giảm thu ngân sách, ông Cường cho rằng đây không phải là vấn đề lớn. Nếu nhà nước hỗ trợ để DN phát triển tốt thì trong tương lai sẽ có nguồn thu lớn hơn.
Theo ông Nguyễn Minh Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vuông Tròn ở TP HCM, thuế TNDN 20% hiện nay là cao nên DN nào cũng muốn giảm. Tuy nhiên, giảm còn 15% cho DN có tổng doanh thu năm dưới 3 tỉ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người thì lại không nhiều. Giả sử, DN có doanh thu 2 tỉ đồng/năm, trong đó 15% là lợi nhuận, tương ứng 300 triệu đồng, hiện phải đóng thuế TNDN 60 triệu đồng, nếu được giảm sẽ phải đóng 45 triệu đồng, được giảm chỉ 15 triệu đồng. Hơn nữa, về nguyên tắc, DN chỉ đóng thuế TNDN khi có lãi nên điều quan trọng đi kèm khi giảm thuế là các chính sách đồng bộ, ổn định để DN phát triển, làm ăn có lãi thì mới tạo được nguồn thu cho ngân sách. Việc giảm thuế chỉ có ý nghĩa nếu DN làm ăn có lãi.
Trong khi đó, ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Long Hưng, TP HCM, cho rằng việc này chủ yếu mang tính khích lệ bởi thực tế có tình trạng DN kê khai thuế không đúng theo doanh thu của mình mà chỉ khai ở mức độ nhất định. Do đó, chính sách thuế TNDN nếu giảm cũng chưa hẳn giúp DN cải thiện trong tình hình kinh doanh hiện nay.
Cái DN cần để hoạt động tốt hơn, ông Sinh cho rằng đó là chính sách minh bạch và ổn định; thủ tục hành chính phải tiếp tục giảm bởi hiện vẫn rất phức tạp, nhiêu khê; quyền sở hữu trí tuệ của DN phải được tôn trọng... Nếu những yếu tố này được cải thiện, bên cạnh việc giảm thuế TNDN thì DN mới mạnh dạn đầu tư xây dựng thương hiệu lâu dài.
Ông TRẦN VIỆT ANH, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM:
Phải có chính sách thuế minh bạch!
Việt Nam có trên 700.000 DN, riêng tại TP HCM có trên 300.000 DN và 70%-80% trong đó là DN nhỏ và vừa. Nhiều DN có vốn ít. Tỉ lệ DN có vốn thấp có lãi ngày càng ít. Trước đây, nhà nước thu thuế TNDN quá cao dẫn đến việc báo cáo có lãi là một áp lực rất lớn đối với DN nhỏ và vừa. Chính sách giảm thuế TNDN sẽ khuyến khích DN nhỏ và vừa báo cáo có lãi, nộp thuế bởi đa số mong muốn làm ăn có lãi và dần quen với minh bạch hóa sổ sách. Việc khai thuế cũng nhằm khẳng định sự phát triển của DN cũng như sự đóng góp đối với địa phương, ngành nghề của mình. Với DN quy mô dưới 3 tỉ đồng thì thuế TNDN dưới 15% càng tốt hơn.
Tuy nhiên, đi kèm với việc điều chỉnh này, phải có chính sách thuế rõ ràng để minh bạch hóa DN nhỏ và vừa. DN có quy mô khác nhau, chịu thuế suất khác nhau nhưng hệ thống kê khai phải giống nhau, phải chuẩn hóa việc kê khai thuế và áp dụng công nghệ để có sự đồng nhất. Với các hộ cá thể có thể áp dụng hình thức thu thuế khác nhưng phải bảo đảm công bằng trong quy định về hệ thống sổ sách, kê khai, nộp thuế giữa hộ cá thể, DN nhỏ, DN vừa và DN lớn. Chính việc áp dụng thuế khoán cho một số DN nhỏ, siêu nhỏ, không yêu cầu họ có hệ thống kê khai rõ ràng đã dẫn đến tình trạng nhiều DN duy trì quy mô nhỏ, siêu nhỏ mà không muốn lớn.
Ông THOMAS MCCLELLAND, Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Chuyển giá thuộc EuroCham:
Tin tốt cho DN nhỏ và vừa
Chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực tích cực của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển của cộng đồng DN nhỏ và vừa. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng những chính sách khuyến khích/hỗ trợ thuế tương tự và nhận được đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững cho nền kinh tế của họ. Do đó, chúng tôi tin tưởng chính sách này là một tin rất tốt cho cộng đồng các DN nhỏ và vừa hiện tại của Việt Nam, đặc biệt là các DN khởi nghiệp. Chính sách này còn có thể giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước, đặc biệt là phát triển công nghệ thông tin, thương mại và dịch vụ các ngành.
Mức thuế suất đề xuất cho các DN nhỏ và vừa ở mức 15% - 17% khá có lợi so với mức thuế tiêu chuẩn hiện hành. Ở các quốc gia khác, chính sách hỗ trợ thuế này sẽ không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước trong dài hạn vì hầu hết DN nhỏ và vừa đã sớm phát triển thành DN lớn hơn và sẽ nộp thuế ở mức thuế suất tiêu chuẩn. Thuế suất ở Đông Nam Á hiện rất thấp. Indonesia gần đây cũng đề xuất đưa ra các biện pháp giảm thuế để khuyến khích sự phát triển của các DN nhỏ và siêu nhỏ của tương lai. Trong tương lai, các biện pháp tương tự về các khoản khấu trừ thuế tăng cường cho hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng nên được Việt Nam cân nhắc xem xét.
Tuy nhiên, lưu ý rằng cần có một hướng dẫn rõ ràng và chặt chẽ hơn từ Chính phủ để bảo đảm quyền lợi đầy đủ và tránh các trường hợp DN thực hiện tái cấu trúc DN để hưởng lợi ích về thuế.
Bình luận (0)