Ngày 23-7, tại Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP HCM chủ đề liên quan đến vướng mắc thuế, nhận được rất nhiều ý kiến của doanh nghiệp (DN).
Đại diện Công ty Thành Công (quận Tân Phú, TP HCM) cho biết từ ngày 16-5, công ty có gửi văn bản đến Cục thuế TP xin ý kiến về thuế suất bán bông nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời chính thức.
Do khách hàng liên tục hối thúc để xuất hoá đơn, nên DN đã liên hệ các phòng ban Cục thuế TP để tìm câu trả lời, rồi liên hệ qua tổng đài… "Chúng tôi rất khó khăn để trình bày lại với lãnh đạo công ty và khách hàng. Vậy xin hỏi quy trình, quy định nào về thời hạn trả lời văn bản? Bởi công văn hỏi về thuế suất bán bông của công ty đã được Cục thuế TP tiếp nhận từ ngày 16-5 đến hôm qua Cục Thuế trả lời "vẫn đang trình lãnh đạo" – đại diện công ty này băn khoăn.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng Phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Cục thuế TP, chia sẻ khó khăn với DN gặp phải. Theo quy định, trong vòng 10 ngày kể từ thời điểm nhận được thắc mắc, cơ quan thuế phải gửi văn bản phản hồi cho DN nhưng trong quá trình làm việc, hướng dẫn bằng văn bản có nhiều phát sinh. Bởi như trường hợp DN hỏi về thuế suất, nếu trả lời không chính xác sẽ rất khó khăn cho cả DN và cơ quan thuế để điều chỉnh, bổ sung.
"Với những mặt hàng quá rõ ràng, cơ quan thuế sẽ trả lời liền. Còn với một số loại thuế suất phức tạp, chúng tôi phải xem xét đã có văn bản hướng dẫn, trả lời tương tự chưa nhằm áp dụng thống nhất để tránh phát sinh về sau. Những vấn đề liên quan đến thuế ưu đãi thuế TNDN, thuế bất động sản… cần thêm thời gian để cơ quan thuế trả lời thoả đáng" – ông Thiện giải thích.
Rất đông DN tham gia đối thoại thuế với lãnh đạo Cục thuế TP HCM. Ảnh: Linh Anh
Trao đổi thêm với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Thiện cho biết thông thường những câu hỏi, văn bản của DN gửi Cục thuế TP liên quan đến thuế suất được cân nhắc trả lời kỹ. Vì thường DN sẽ lấy văn bản trả lời của cơ quan thuế để tính, áp thuế suất rồi xuất hoá đơn cho khách hàng, đối tác…
Tại buổi đối thoại, một số ý kiến băn khoăn về việc không thống nhất giữa các cơ quan thuế địa phương gây khó cho DN. Công ty CP Dược phẩm OPC (trụ sở tại quận 6, TP HCM) cho biết các chi nhánh của công ty căn cứ theo Thông tư 156 của Bộ Tài chính để nộp hồ sơ khai thuế vãng lai ngoại tỉnh. Nhưng vừa rồi, Thanh tra tỉnh Quảng Nam khi kiểm tra việc đấu thầu thuốc tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã căn cứ quy định khác trong Thông tư 156 và Thông tư 26 của Bộ Tài chính để ra quyết định thu hồi số thuế GTGT vãng lai về cung ứng thuốc của chi nhánh tại Đà Nẵng.
"Chúng tôi có khiếu nại nhưng không được chấp nhận. Việc nộp thuế ở đâu cũng là nộp vào ngân sách nhà nước, việc chia sẻ nộp thuế cho ngân sách địa phương khi đóng trên địa bàn là hợp tình nhưng về hợp lý thì chưa. Đề nghị Cục thuế TP có ý kiến để Tổng cục thuế, Bộ Tài chính quy định rõ trong luật quản lý thuế, thông tư hướng dẫn thống nhất việc nộp thuế này" – đại diện công ty OPC kiến nghị.
Công ty này cũng dẫn chứng thêm hiện OPC nộp thuế tại Bình Dương theo Thông tư 156 và chỉ nộp thuế GTGT khi có phát sinh số thuế phải nộp. Do đó, DN kiến nghị quy định cũng nên rõ ràng nhằm dễ thực hiện.
Cục thuế TP giải thích trường hợp này đã được quy định cụ thể trong các quy định hiện hành. Đồng thời, Tổng cục thuế cũng có công văn trả lời công ty OPC mới đây, khẳng định trường hợp chi nhánh công ty tại Đà Nẵng có ký hợp đồng và thực hiện giao hàng theo hợp đồng đấu thầu thuốc với các bệnh viện công lập tại tỉnh Quảng Nam; không phải là chi nhánh công ty mang hàng từ Đà Nẵng đến bán vãng lai tại tỉnh Quảng Nam nên không thuộc trường hợp phải kê khai nộp thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh ở tỉnh này. "Đề nghị chi nhánh công ty làm việc với Thanh tra tỉnh Quảng Nam, liên hệ cơ quan thuế Đà Nẵng để được hướng dẫn" – đại diện Cục thuế TP nêu rõ.
Bình luận (0)