Theo đó, những khách hàng có nợ xấu bán cho VAMC sẽ được xem xét cấp tín dụng mới, đồng thời được miễn, giảm lãi phạt, phí và lãi vay đã quá hạn thanh toán. Đồng thời, khách hàng được VAMC xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ dưới các hình thức điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ đối với khoản nợ xấu đã mua.
Khách hàng cũng được VAMC xem xét áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ tài chính như: bảo lãnh vay vốn của TCTD; Đầu tư, cung cấp tài chính dưới các hình thức cho vay, mua trái phiếu doanh nghiệp nhằm hỗ trợ khách hàng có thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh và tạo nguồn để trả nợ.
Những khách hàng là doanh nghiệp có khả năng tái cơ cấu, có thể được VAMC góp vốn điều lệ, vốn cổ phần vào doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay nhiều TCTD đã chuyển nợ xấu thành vốn góp để cấu trúc lại sản xuất của khách hàng, tạo nguồn thu nợ và đã thu được những kết quả ban đầu đáng ghi nhận.
Ngoài ra, khách hàng còn được bảo vệ trong trường hợp điều chỉnh điều kiện bảo đảm của khoản nợ xấu. Trong hoạt động mua, bán nợ giữa VAMC và TCTD, toàn bộ các quyền và lợi ích gắn liền với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm và biện pháp bảo đảm khác cho khoản nợ xấu được bên bán nợ giữ nguyên hiện trạng và chuyển giao cho bên mua nợ theo hợp đồng mua, bán nợ.
VAMC đang mạnh tay mua nợ xấu. Ảnh minh họa: Hồng Thúy
Đối với TCTD, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc bán nợ xấu cho VAMC sẽ giúp làm “sạch hóa” bảng cân đối kế toán của TCTD. Thay vì khi nợ xấu chuyển đến nhóm 5, TCTD phải trích lập đủ 100% dự phòng xử lý rủi ro theo quy định hiện hành, thì TCTD được kéo dài thời gian trích lập đến 5 năm khi bán nợ xấu cho VAMC. Đây là lợi ích lớn nhất mà TCTD có được khi bán nợ xấu cho VAMC.
Theo ông Hùng, với qui mô nợ xấu và thực lực của các TCTD hiện nay, phần lớn sẽ không đủ sức trích lập dự phòng nếu không được kéo dài thời gian trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Một lợi ích khác là TCTD có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành để vay tái cấp vốn của NH Nhà nước, qua đó tạo nguồn kinh doanh. Nếu không bán nợ cho VAMC để sử dụng trái phiếu đặc biệt tạo nguồn cho vay, TCTD sẽ phải đọng vốn ở nợ xấu chưa thể thu hồi, điều này đồng nghĩa với việc TCTD sẽ không có nguồn cho vay và nền kinh tế sẽ khan vốn.
Ngoài ra, khi bán nợ cho VAMC, TCTD được hỗ trợ tích cực về pháp lý và nguồn lực trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm tiền vay để thu nợ.
Nhìn chung, tới thực trạng nợ xấu hiện nay, quyết định lựa chọn bán nợ cho VAMC là phương án có lợi nhất. Tính đến ngày 13-11 vừa qua, VAMC đã mua được hơn 15.000 tỉ đồng nợ xấu từ các TCTD. Dự kiến đến cuối năm 2013, VAMC sẽ mua được 30.000 tỉ đồng nợ xấu, tương đương 20% nợ xấu hiện nay.
Bình luận (0)