Sản lượng dầu thanh toán 11 tháng đầu năm 2016 ước đạt xấp xỉ 13,68 triệu tấn, bằng 97,6% kế hoạch năm song giá bình quân chỉ khoảng 42,9 USD/thùng, giảm 17,1 USD/thùng so với giá dự toán.
Giảm thu nhiều chiều từ dầu
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy thu ngân sách từ dầu thô lũy kế 11 tháng ước đạt 3.560 tỉ đồng, bằng 65,3% dự toán, bằng 90,1% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội, bằng 58,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong khi đó, sản lượng dầu thanh toán 11 tháng ước đạt xấp xỉ 13,68 triệu tấn nhưng giá bình quân chỉ 42,9 USD/thùng. Như vậy, dù xuất khẩu dầu thô dự kiến tăng khoảng 2 triệu tấn nhưng vẫn không thể bù đắp được phần hụt do giá sụt giảm.
Kiểm tra xoài trước khi xuất khẩu sang Úc - Ảnh: NGỌC ÁNH
Trước đó, báo cáo từ tháng 10-2016 của Bộ Tài chính cũng đưa ra nhận định hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng chậm. Trong đó, kim ngạch dầu thô xuất khẩu 10 tháng giảm 42%, giảm thu ngân sách 1.300 tỉ đồng; kim ngạch xăng dầu nhập khẩu giảm 15%, giảm thu ngân sách 10.000 tỉ đồng…
Về ngân sách từ thu thuế của hoạt động nhập khẩu xăng dầu, việc giảm thu còn do doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu chuyển hướng sang nhập ở các thị trường có ký kết hiệp định hợp tác để được ưu đãi. Chẳng hạn, xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc chỉ chịu thuế 10% trong khi nhập từ thị trường ASEAN áp thuế 20% nên xu hướng chuyển sang nhập từ Hàn Quốc tăng lên rõ rệt. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2016, lượng xăng nhập từ Hàn Quốc lên đến 1,25 triệu tấn, tăng rất mạnh so với con số 185.000 tấn của cùng kỳ năm trước. Tình trạng này dẫn đến khoản thu từ thuế giảm khoảng 5.000 tỉ đồng, theo tính toán của Tổng cục Hải quan.
Thực tế, ngay cơ quan quản lý như Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không hề “đặt nặng” việc thu ngân sách từ dầu thô bởi nó là sự lãng phí rất lớn nguồn lực phát triển của đất nước. Bộ này từng đề nghị đặt trọng tâm vào đẩy mạnh sản xuất, kích cầu tiêu dùng… tạo động lực tăng trưởng thực chất và hiệu quả.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng tăng trưởng dựa vào khai thác dầu thô hiện chỉ giải quyết vấn đề thành tích, không nên khuyến khích bởi con số tăng trưởng GDP không có nhiều ý nghĩa trong thực tế. Bởi lẽ, theo nguyên lý thì khi khai thác tài nguyên để bán, Việt Nam chỉ được hưởng lợi một nửa. Do vậy, ông Bùi Trinh nhấn mạnh mô hình tăng trưởng cần quan tâm đến bảo vệ môi trường, hạn chế dần phụ thuộc vào tài nguyên để bảo đảm phát triển bền vững.
Nông sản khởi sắc
Trong khi đó, đáng lưu tâm là một bài toán so sánh đã được nhiều lần đưa ra trong năm 2016: Việc bán rau, bán cá lại thu được nhiều tiền hơn múc dầu lên bán.
Đầu năm 2016, khi giá dầu gần như chạm đáy, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy quý I, cả nước xuất khẩu 1,8 triệu tấn dầu, trị giá 498,2 triệu USD, giảm 17,4% về lượng và giảm 47,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, chỉ với việc xuất khẩu mặt hàng rau quả trong cùng quý này, Việt Nam đã thu về 542 triệu USD. Với xuất khẩu thủy sản, chỉ trong tháng 3-2016 đã đạt 534 triệu USD, thu lợi nhiều hơn việc bán dầu trong cả quý.
Nông sản trong năm qua đã khởi sắc với nhiều loại quả lần đầu xuất ra nước ngoài. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải, đánh giá với giá trị xuất khẩu hiện nay đã thể hiện được việc tiêu thụ tốt hơn nông sản cho nông dân, tạo thêm công ăn việc làm cho doanh nghiệp. Những điều này có giá trị rất lớn đằng sau con số tăng trưởng chung của xuất khẩu là 8%.
“Năm nay, thuận lợi đối với ngành hàng cà phê và hồ tiêu là vẫn duy trì được ở vị thế dẫn đầu. Bên cạnh đó, rau quả đang tiệm cận kim ngạch xuất khẩu 2 tỉ USD. Chỉ có mặt hàng gạo là sụt giảm nhưng do nguồn cung trên thế giới đã vượt xa nhu cầu. Về tổng thể thì xuất khẩu nông sản vẫn là nhóm hàng đem lại lợi ích đặc biệt và cần quan tâm, ưu tiên” - ông Hải đánh giá.
Theo đại diện Bộ Công Thương, năm 2017, các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp sẽ đặc biệt quan tâm đến việc triển khai các biện pháp mang tính chất trung hạn và dài hạn để xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản được căn cơ hơn, giữ được sự ổn định và không phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố thiên nhiên, thị trường bên ngoài.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng lưu ý Việt Nam hiện không có sản phẩm nào có thể sản xuất từ đầu đến cuối. Khi đã đứng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thì chúng ta phải chấp nhận chỉ là một khâu trong đó. Trong thương mại quốc tế, đem lại giá trị lớn thường nằm ở khâu cuối, như phân phối, thương hiệu, phát triển sản phẩm… Còn những khâu trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, sản xuất dù cũng đem lại giá trị nhưng thường là thấp hơn. Do đó, cần có sự tính toán, điều chỉnh cho hợp lý nhất dựa trên lợi thế của đất nước.
Bình luận (0)