Ế ẩm, tiểu thương bỏ chợ
Dạo quanh một vòng các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM hiện nay có thể thấy tình hình ế ẩm đang diễn ra ở mức báo động. Tại các chợ đầu mối lớn như Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền... thông thường chợ họp ban đêm nhưng từ đầu năm đến nay, thương lái phải bán cả ngày cho hết hàng tồn mới về.
Thảm hại hơn phải kể đến các chợ lẻ trên địa bàn thành phố. Theo Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), từ sau Tết Nguyên đán cho đến nay, tình hình ế ẩm đã khiến 100/403 sạp thực phẩm tươi sống tạm ngưng kinh doanh; ngành hàng ăn uống ngưng hoạt động đến 23/84 sạp; tại khu vực tạp phô, gia vị con số này là 38/232.
Tương tự, tại chợ Tân Bình, một trong những chợ đầu mối lớn trên địa bàn TPHCM, khu vực tạp phẩm trước kia có đến 70 sạp thì nay chỉ còn lại 15 sạp kinh doanh lay lắt. Nhiều tiểu thương kinh doanh tại đây cho biết gần như khách lẻ rất ít khi vào mua, chủ yếu từ các mối quen.
Tại các chợ Xóm Chiếu (quận 4), Tân Định (quận 1), Tam Bình (quận Thủ Đức)… hàng loạt tiểu thương giảm lượng nhập hoặc đóng cửa sạp, chuyển đổi ngành nghề trước cơn “bão” ế ẩm càn quét liên tục trong thời gian qua.
Theo các tiểu thương, lượng thịt heo nhập về những chợ này vài tháng gần đây giảm hơn phân nửa nhưng hiếm khi bán được hết hàng. “Trước đây, đầu giờ sáng và giờ tan tầm buổi trưa là khoảng thời gian hút khách nhiều nhất, nhưng nay chỉ mong vớt vát được khách vào buổi sáng. Phần còn lại đành phải bỏ mối cho nhà hàng, quán ăn chứ không thể trông đợi vào khách lẻ”, chị Thu Hiền, tiểu thương bán thịt heo ở chợ Tân Định nói.
Bà Trần Thị Hoa, chủ sạp thịt heo Vissan tại chợ Bến Thành cũng ngán ngẩm: “Hiện nay, thịt heo bán rất chậm mặc dù giá công ty cung cấp ổn định, không tăng nhưng tâm lý người dân vẫn còn e ngại không dám ăn thịt heo. Cứ đà này, chắc dẹp sạp quá!”.
Ban quản lý chợ Bến Thành, Tân Định, An Đông, Bình Tây… cùng cho biết hiện chợ đang vào mùa mua sắm thấp điểm, sức mua sỉ và lẻ đều giảm trên 30%. Nhóm các mặt hàng bán chậm nhất là vải sợi may mặc, hàng nhôm nhựa gia dụng. Còn lại nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, ăn uống giải khát cũng khá chậm. Nguyên nhân chính là do người tiêu dùng đang cân đong lại chỉ tiêu trong lúc giá nhiều mặt hàng thiết yếu nhích lên sau mỗi lần tăng giá xăng dầu nên khi xăng dầu giảm thì giá vẫn không hề giảm.
Siêu thị cũng lao đao
Không riêng gì chợ mà ngay cả siêu thị cũng chịu chung cơn bão ế ẩm mặc dù đã tung ra hàng loạt các chương trình khuyến mãi để cứu nguy.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc hệ thống Co.op Mart, cho biết mặc dù liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng, cứu vãn sức mua tuy nhiên có thể thấy người tiêu dùng vẫn không mặn mà. Hiện tăng trưởng sức mua của hệ thống đã giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm 2011.
Trong khi đó, hệ thống Vinatexmart cho biết đã tập trung phát triển hệ thống siêu thị mini với diện tích 400-600 m2 để tiết kiệm và khấu hao nhanh. Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Quỳnh Ny, Giám đốc Marketing Vinatexmart, sức mua giảm sút 7-10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do người dân thắt chặt hầu bao nên chủ yếu mua những mặt hàng thiết yếu và giảm mua các mặt hàng quần áo, túi xách.
Chị Lan Phương, quậnThủ Đức chia sẻ: “Giờ vào siêu thị thấy khuyến mãi rất nhiều nhưng tôi chủ yếu mua các sản phẩm thiết yếu như thực phẩm, rau củ quả thôi. Hôm nào bận quá, tôi ra chợ cũng chỉ tạt ngang mua mớ rau, con cá chứ không dám mua thứ gì khác nữa”.
Trao đổi vấn đề này, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho rằng khi người tiêu dùng có tiền họ mới tính đến chuyện mua sắm. Cho nên doanh nghiệp dù có khuyến mãi nhiều, chiết khấu nhiều nhưng người tiêu dùng không đủ tiền mua thì hàng hóa vẫn ứ đọng, nhất là đối với nhóm hàng không thiết yếu. Vì vậy, để tác động đến người tiêu dùng cần những hỗ trợ từ phía Nhà nước như: Giảm các loại thuế thu nhập cá nhân, các loại phí, hỗ trợ lãi suất cho vay tiêu dùng cá nhân…
Bình luận (0)