Từ vị trí hấp dẫn nhất thế giới (theo xếp hạng năm 2008), năm 2009, Việt Nam rớt xuống thứ năm, năm 2010 đứng thứ 14, năm 2011 xuống thứ 23 và năm nay… “văng” ra khỏi tốp 30.
Giảm dần sức hấp dẫn
Báo cáo của A.T. Kearney được thực hiện dựa trên cơ sở điều tra, khảo sát từ các nhà phân phối, bán lẻ hàng đầu thế giới. Hằng năm, A.T Kearney lựa chọn và công bố báo cáo thường niên về chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu, trong đó xếp hạng 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Về phương pháp đánh giá, hãng này dựa trên 4 tiêu chí lớn là rủi ro quốc gia và rủi ro kinh doanh; độ hấp dẫn của thị trường; độ bão hòa của thị trường; áp lực thời gian.
Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại siêu thị Lotte Mart. Ảnh: HỒNG THÚY
Bên cạnh đó, một trong những trở ngại lớn nhất là theo quy định về “Thẩm tra nhu cầu kinh tế (ENT), nhà đầu tư nước ngoài khó mở điểm bán mới (ngoài điểm bán đầu tiên) tại Việt Nam”. Trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, ENT là một rào cản kỹ thuật và sự không hài lòng về rào cản này được đại diện các tập đoàn phân phối hàng đầu thể hiện vào bảng trả lời khảo sát của A.T. Kearney, qua đó góp phần đánh tụt hạng của Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng sự tụt hạng không phanh của thị trường bán lẻ có thể coi là ví dụ điển hình cho sức hấp dẫn của thị trường không còn được đánh giá cao như thời điểm mới gia nhập WTO, trong khi các rào cản về môi trường đầu tư và kinh doanh chưa được cải thiện nhiều. Từ đó cũng dấy lên lo ngại thị trường bán lẻ Việt Nam không còn hấp dẫn. Một số nhà bán lẻ nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam cũng cho biết giá bất động sản cao so với khu vực và lãi suất tín dụng cao là rào cản lớn, thường gặp nhất đối với các nhà bán lẻ...
Vẫn được quan tâm
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, kết quả này chỉ có thể đánh giá về độ hấp dẫn của thị trường đối với các nhà đầu tư, hoàn toàn khác so với độ hấp dẫn và tiềm năng thực tế của thị trường. Bởi trên thực tế, các tập đoàn bán lẻ lớn đang có mặt tại Việt Nam vẫn đang chạy đua mở rộng hệ thống phân phối.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2012, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên cả nước ước đạt 952.200 tỉ đồng, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước. Nếu trừ đi lạm phát 6,6%, mức tăng này không cao nhưng trong điều kiện khủng hoảng kinh tế chung, đầu tư vào bán lẻ rất khó có lãi thì đây cũng là mức tăng trưởng tốt.
Nhận định này được các nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam đồng tình. Ông Pascal Billaud, Tổng Giám đốc BigC Việt Nam, cho biết: Việt Nam có gần 90 triệu dân và là một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất trong vùng Đông Nam Á. Trong lĩnh vực phân phối, so với các thị trường lân cận, thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam vẫn chiếm tỉ trọng rất nhỏ, chưa đến 20% và ít cạnh tranh. Vì vậy, tiềm năng phát triển rất lớn và hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ, cả phân phối tổng hợp lẫn phân phối chuyên ngành.
10 thị trường hấp dẫn nhất Trong khi Việt Nam tụt hạng thì Trung Quốc và một số nước khác vẫn trụ hạng. Theo A.T. Kearney, 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới năm 2012 lần lượt là: Brazil, Chile, Trung Quốc, Uruguay, Ấn Độ, Georgia, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Oman, Mông Cổ và Peru. |
Bình luận (0)