Trong phiên giao dịch ngày 8-3, hệ thống giao dịch sàn HoSE tiếp tục bị nghẽn, lệnh vào chậm và nhiều giao dịch không được khớp. Tình trạng này đã diễn ra hơn 3 tháng nhưng đến nay, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để, thậm chí ngày càng tệ hơn.
Ai chịu trách nhiệm?
Hệ thống có thể bị nghẽn ngay trong phiên giao dịch buổi sáng, giá cổ phiếu nhảy loạn xạ... và trong những lúc "dầu sôi lửa bỏng", nhà đầu tư chỉ biết kêu trời vì không thể mua bán được gì. Trong khi đó, lãnh đạo sở, ngành cũng kiến nghị và đưa giải pháp nhưng cuối cùng nhà đầu tư vẫn là những người lãnh đủ.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán đã gắn bó với thị trường nhiều năm nói thẳng thị trường chứng khoán 20 năm với thanh khoản từ 200 tỉ đồng tăng lên gần 20.000 tỉ đồng thì việc nghẽn lệnh không thể nói là bất ngờ được. Điều ông khó hiểu là vì sao hệ thống giao dịch dự phòng đã được HoSE bắt tay triển khai đầu tư từ 10 năm trước đến nay vẫn chưa thể vận hành, lãnh đạo ngành chứng khoán cần có giải thích hợp lý để trấn an nhà đầu tư. "Chúng tôi cũng rất lo lắng, lúc này chỉ biết trông chờ vào những giải pháp của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các sở. Còn hệ thống giao dịch mới tới nay vẫn chưa thể nói khi nào mới vận hành được" - vị này chia sẻ.
Một chuyên gia chứng khoán lâu năm cũng cho rằng để xảy ra tình trạng nghẽn lệnh có thể nói trước hết là lỗi của HoSE nhưng có thể xem là lỗi khách quan. Để xử lý dứt điểm cần có một hệ thống giao dịch mới nhưng phải đồng bộ với các hệ thống giao dịch khác của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX). "Dù như thế nào thì lãnh đạo ngành chứng khoán cần có thông tin chính thức, nhận trách nhiệm cũng như đưa ra phương án hợp lý để tránh gây bức xúc cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước" - chuyên gia này nhấn mạnh.
Trong khi đó, một lãnh đạo ngành chứng khoán đã nghỉ hưu lý giải việc hệ thống giao dịch của HoSE bị nghẽn có nhiều vấn đề do lịch sử để lại chứ không hẳn là trách nhiệm của riêng ai. Theo vị này, trước đây do mong muốn triển khai sớm thị trường chứng khoán nên chúng ta đã nhận lời hỗ trợ hệ thống này từ đối tác Thái Lan. Thời điểm đó, hệ thống vận hành tốt vì lượng giao dịch còn ít. Theo thời gian, thị trường phát triển và có sự tham gia của nhiều sản phẩm khác mới dẫn đến quá tải hệ thống.
"Còn việc chậm trễ thay đổi hệ thống mới cũng có nhiều lý do. Bởi cần có thời gian để nghiên cứu, sao cho hệ thống mới phải đồng bộ với những hệ thống hiện tại nhằm đáp ứng nhu cầu chung cho cả thị trường chứng khoán Việt Nam chứ không chỉ riêng sàn HoSE. Chính những vấn đề kỹ thuật liên quan đến phương pháp xử lý sao cho hiệu quả, dài hơi đã làm cho tình trạng nghẽn lệnh kéo dài. Trước mắt, việc tạm thời chuyển một số cổ phiếu từ HoSE sang giao dịch tạm thời trên một bảng mới của HNX nhưng không làm thay đổi cách tính chỉ số, sẽ là giải pháp hợp lý lúc này, trong khi chờ hệ thống mới hoàn thiện và hoạt động ổn định. Còn việc tăng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu/lô, tôi cho rằng không ổn. Bởi nghẽn lệnh là sự cố kỹ thuật, phải dùng biện pháp kỹ thuật để xử lý mới là giải pháp tốt" - vị này nhận định.
Sự cố nghẽn lệnh trên sàn HoSE thời gian qua khiến nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đẩy khó cho nhà đầu tư
Cũng liên quan đến những giải pháp được lãnh đạo sàn HoSE đề xuất gần đây như nâng lô giao dịch tối thiểu từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu; không cho sửa, hủy lệnh trong phiên..., theo các chuyên gia chứng khoán và nhà đầu tư, chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời nhưng lại khó khả thi, thậm chí "đẩy khó" cho các nhà đầu tư nhỏ, lẻ.
Chị Mai Lan, một nhà đầu tư ở TP HCM, vừa tham gia thị trường chứng khoán từ cuối năm 2020 đến nay, cho rằng nếu tăng lô giao dịch cổ phiếu lên 1.000 sẽ khiến những nhà đầu tư nhỏ như chị phải cần nhiều tiền hơn mới mua được những cổ phiếu tốt với thị giá cao. "Với những cổ phiếu giá khoảng 100.000 đồng/cổ phiếu, nếu mua 1.000 cổ phiếu, đòi hỏi nhà đầu tư cần khoản tiền lên tới cả trăm triệu đồng. Nâng lô cổ phiếu lên 1.000 chẳng khác gạt những nhà đầu tư ít tiền ra khỏi thị trường" - chị Mai Lan băn khoăn.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng việc nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu gây bất lợi đối với cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp. Về nguyên tắc, áp dụng giải pháp này sẽ giảm số lệnh trên HoSE khoảng 30%-40% nhưng cũng đồng nghĩa giảm thanh khoản trên sàn, hạn chế nhà đầu tư tham gia vào những cổ phiếu có giá trị lớn. "Khi nhà đầu tư bị hạn chế vào những mã có thị giá từ 50.000 đồng trở lên sẽ khiến cho sức hấp dẫn của các cổ phiếu này không còn, trong khi nhóm cổ phiếu này hiện có giá trị vốn hóa chiếm tới khoảng 54% sàn HoSE. Hoặc nhà đầu tư cần số vốn lớn hơn để tham gia thị trường sẽ sử dụng đòn bẩy tài chính, rủi ro cũng tăng. Một số nhà đầu tư khác sẽ dịch chuyển sang chọn cổ phiếu có giá trị nhỏ hơn và rủi ro cũng cao hơn" - ông Nguyễn Thế Minh phân tích.
Cũng theo chuyên gia chứng khoán này, khi nâng lô lên 1.000 cổ phiếu, nhà đầu tư có số vốn ít sẽ không thể đa dạng hóa danh mục, rủi ro sẽ tăng nhanh hơn so với việc áp dụng lô 100 cổ phiếu, giống như chỉ có thể bỏ trứng vào 1-2 giỏ.
Ngoài ra, việc này còn khiến thị trường phải xử lý những cổ phiếu lô lẻ, trong khi không phải công ty chứng khoán nào cũng sẵn sàng mua lại lô lẻ của nhà đầu tư theo giá thị trường. Nếu mua thấp hơn, nhà đầu tư phải bán lỗ, chịu thiệt trong khi công ty chứng khoán cũng phải đứng ra xử lý...
Theo các chuyên gia, xu hướng của thế giới hiện nay là thu hút nhà đầu tư nhỏ, lẻ tham gia chứng khoán. Nếu cơ quan quản lý áp dụng những giải pháp trên để giảm tải cho sàn HoSE sẽ đi ngược xu hướng và đẩy nhà đầu tư nhỏ, lẻ ra khỏi thị trường chứng khoán, biến nơi này trở thành kênh đầu tư của những người giàu. "Ngay giải pháp không cho phép hủy, sửa lệnh trong một thời gian cũng gây rủi ro cho nhà đầu tư bởi tâm lý bị chi phối từ thị trường rất lớn, khi thị trường biến động mạnh hoặc có thể tăng giảm mạnh trong khoảng thời gian nhất định... Nếu không áp dụng hủy, sửa lệnh cũng sẽ khiến nhà đầu tư chịu thiệt vì rủi ro cao hơn" - ông Nguyễn Thế Minh phân tích.
Với giải pháp chuyển một số cổ phiếu từ sàn HoSE sang HNX, một số chuyên gia cho rằng có thể áp dụng tạm thời trong thời gian ngắn khi HoSE thường xuyên xảy ra tình trạng chập chờn, nghẽn giao dịch vào phiên chiều. Dù vậy, khó khăn của giải pháp này là làm sao tính toán chỉ số VN-Index để phân tích cho nhà đầu tư, nhận định xu hướng, khi xảy ra lỗi 1 trong 2 sàn thì các cổ phiếu chuyển sàn tạm thời sẽ ra sao?...
Trong khi chờ đợi, đã có nhiều ý kiến đề xuất HoSE có thể triển khai giải pháp tạm thời khác khả thi hơn, lại không thiệt hại cho nhà đầu tư nhỏ, lẻ là áp dụng tăng bước giá của cổ phiếu, giúp giảm tải một phần cho hệ thống.
Tại sự kiện "Đối thoại 2045" diễn ra cuối tuần qua, ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch Tập đoàn FPT - đề xuất Chính phủ và Thủ tướng cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. Theo đó, chỉ cần Chính phủ tin tưởng để doanh nghiệp tư nhân làm, chỉ 2 tháng là có thể hoàn thành. Một số doanh nghiệp còn sẵn sàng đóng góp tiền để sửa hệ thống giao dịch của HoSE nhằm giảm áp lực cho ngân sách.
Trước đề nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại câu chuyện khi ông sang Nhật Bản đã thấy có 2.000 người Nhật và người Việt làm việc cho FPT về phần mềm. Thủ tướng cho biết khi sàn chứng khoán TP HCM trục trặc, ông đã yêu cầu các cơ quan xử lý ngay kiến nghị của FPT, xử lý ngay các trục trặc của sàn giao dịch chứng khoán mà không cần sử dụng ngân sách.
Bình luận (0)