Gặp tôi tại một quán cơm chay trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP HCM), chìa ra hóa đơn gần 500.000 đồng, cô bạn tôi chậc lưỡi: "Mới mua phía dưới (tầng trệt) quán ăn và cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ. Chỉ mới có gạo, cà chua, khoai lang và mấy loại rau mà hết nhiêu đây tiền. Quá đắt nhưng cũng phải mua!".
Đắt… đều
Khảo sát một vòng các cửa hàng thực phẩm hữu cơ (cả online lẫn offline), chúng tôi nhận thấy bán hầu hết các sản phẩm thông dụng (gạo, rau củ, trái cây, trứng, sữa) tương đương nhau, không có chênh lệch lớn: giá các loại rau xanh như rau muống, rau lang, bầu, bí, khổ qua, mướp, mồng tơi, cải xanh, cải ngọt… từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng/kg; cà rốt, xà lách, súp lơ, cà chua bi… 70.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/kg; chuối sứ 40.000 đồng/kg, gạo hữu cơ từ 45.000 đến 120.000 đồng/kg, tùy loại… So với giá bán sản phẩm cùng loại đạt chuẩn VietGAP (bán tại các siêu thị), mức giá này đã cao hơn gấp 2-3 lần, nếu so với hàng bán ở chợ truyền thống thì chênh lệch đến 4-5 lần.
Sơ chế rau má hữu cơ bán cho người tiêu dùng Ảnh: NGỌC ÁNH
Vì sao đã có mặt trên thị trường nhiều năm, trở nên phổ biến hơn nhưng hàng hữu cơ vẫn đắt đỏ như vậy? Được chứng nhận Canh tác hữu cơ, Chế biến hữu cơ và Nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2016, chính thức cung ứng hơn 20 loại rau hữu cơ ra thị trường từ giữa năm 2017, hiện Công ty CP Vinamit cung cấp khoảng 1 tấn rau hữu cơ cho thị trường TP HCM. Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, lý giải giá bán thực phẩm organic còn đắt do nền tảng đầu tư của người Việt Nam chưa hoàn chỉnh, chi phí đầu tư lớn. Theo ông Viên, làm organic có 3 giai đoạn gồm cải tạo và tẩy độc cho đất (có thể mất 5-10 năm); tăng hệ miễn dịch cho đất và tìm phân bón hữu cơ, chất tăng trưởng tự nhiên cho cây trồng (không dùng phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật…) phát triển. Chi phí cho 3 giai đoạn này rất tốn kém, đều được cộng vào chi phí sản xuất và tính vào giá bán cho khách hàng.
Cũng theo ông Viên, một lý do khác là lâu nay các mặt hàng rau củ chủ yếu được canh tác theo phương pháp hóa học, dùng nhiều thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật nên năng suất cao, sản lượng cao, giá bán rất rẻ nên người tiêu dùng lầm tưởng rằng giá sản phẩm organic quá cao.
Nhiều yếu tố giúp hạ giá bán
Theo các doanh nghiệp (DN), thực phẩm hữu cơ vẫn đang được định vị ở phân khúc cao cấp. Khoảng 2-4 năm trước, rau hữu cơ khan hiếm, giá "trên trời" vẫn có người đặt hàng mua. Kinh doanh online bùng nổ, cửa hàng thực phẩm hữu cơ mọc lên nhiều, cạnh tranh gia tăng đã kéo giá bán giảm xuống chút ít. Đến khi nhà phân phối lớn là Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op ra mắt hợp tác với các đối tác lớn ra mắt dòng sản phẩm hữu cơ Co.op Organic, bán rau hữu cơ giá từ 60.000 đồng/kg thì thị trường chuyển biến rõ rệt hơn: các cửa hàng organic lập tức giảm giá tương ứng.
Ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng sức tiêu thụ là yếu tố quan trọng để quyết định giá bán. Đợi đến một lúc nào đó, sản xuất organic phổ biến hơn, sản xuất nông nghiệp cải thiện theo hướng sạch hơn, thân thiện với sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường hơn thì chênh lệch giá giữa sản phẩm organic và sản phẩm truyền thống sẽ được rút ngắn, lý tưởng nhất là cao hơn gấp rưỡi hoặc gấp đôi.
Ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty Viễn Phú Organic & Healthy Food, cho rằng sản xuất hữu cơ phải đầu tư lớn, quy trình nghiêm ngặt và phụ thuộc vào thời tiết nên chắc chắn giá luôn cao hơn sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, nếu các chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp hữu cơ được triển khai rốt ráo, đi vào đời sống sẽ khuyến khích nhiều DN tham gia vào lĩnh vực này; cạnh tranh lành mạnh sẽ giúp người tiêu dùng được mua sản phẩm hữu cơ giá rẻ hơn. Trước mắt, nếu DN làm nông nghiệp hữu cơ được ưu đãi vốn vay đầu tư hạ tầng thì sẽ giảm được 10% giá thành; nếu khuyến khích đầu tư phát triển phân bón chế phẩm sinh học hữu cơ đạt chứng nhận trong nước thay thế phân hóa học cho DN sử dụng sẽ giảm thêm khoảng 10%-20% nữa; khâu phân phối thuận lợi truyền thông hiệu quả hơn…, DN nhẹ vốn hơn sẽ có cơ sở giá bán "mềm" hơn.
Đẩy mạnh bán trực tuyến để giảm giá
Một số DN lớn như Vinamit, Viễn Phú… đang tích cực đẩy mạnh mảng bán hàng online để cắt giảm chi phí, giảm giá bán thực phẩm hữu cơ. Vinamit đang tính toán phương án cắt giảm khâu trung gian, tận dụng kênh bán hàng online để giảm chi phí, đưa hàng organic đến tay người tiêu dùng với giá tốt nhất. Dự kiến thời gian tới, kênh online sẽ chiếm khoảng 2/3 sản lượng, còn lại sẽ chia cho các kênh phân phối.
Bình luận (0)