Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng Bộ Công Thương nên cân nhắc trong việc điều tra cũng như thận trọng khi đưa ra các biện pháp tự vệ tạm thời với phân bón DAP nhập khẩu.
Nông dân lo giá phân tăng
Ông Lê Công Lý (nông dân ngụ xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết từ trước đến nay hộ ông chỉ sử dụng phân DAP Trung Quốc hoặc Mỹ do chất lượng tốt hơn phân DAP sản xuất trong nước. Sản xuất mỗi vụ khoảng 10 ha lúa chất lượng cao nên ông Lý vẫn ưu tiên dùng phân ngoại để có năng suất tốt.
"Giá phân DAP Trung Quốc hay Mỹ khoảng 520.000 đồng/bao (50 kg), tính ra khoảng 10.400 đồng/kg nhưng bón cho cây lúa sinh trưởng tốt và giúp hạ phèn. Trước nay tôi không hề sử dụng phân DAP sản xuất trong nước vì nghe nói chất lượng kém, cả vùng này không ai xài. Hơn nữa, phía đại lý chỉ bán hàng nhập ngoại, còn phân DAP nội địa họ không lấy về bán dù giá có rẻ hơn" - ông Lý phản ánh.
Nông dân rất lo ngại giá phân bón sẽ tăng nếu áp dụng biện pháp tự vệ với phân DAP nhập khẩu
Ảnh: Ngọc Trinh
Còn theo ông Lê Văn Lam ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, trước đây nông dân trong vùng thường sử dụng phân DAP của Trung Quốc để bón cho ruộng lúa. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, phần lớn bà con chuyển sang sử dụng loại phân này được sản xuất trong nước (DAP Đình Vũ) vì có giá thấp hơn phân nhập khẩu từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng/bao 50 kg. Sở dĩ có sự chênh lệch về giá là vì trên bao bì của DAP Đình Vũ có ghi tỉ lệ lân chỉ là 45% và 16% đạm trong khi tỉ lệ này ở mặt hàng ngoại nhập là 46% và 18%.
"Thông thường nông dân trộn lẫn 25 kg URE, 15 kg DAP và 10 kg kali cho mỗi công đất (1.000 m2)/vụ. Tôi đưa ra công thức pha trộn như thế này để thấy rằng phân DAP không thể nào thiếu được trong sản xuất lúa. Cho nên, nếu DAP hay URE mà giảm giá xuống được chừng nào thì nông dân sẽ đỡ khổ hơn. Tôi cũng có nghe thông tin các bộ ngành ở trung ương đang tìm cách hạn chế phân nhập khẩu nhưng không biết để làm gì hay là muốn cho các công ty sản xuất trong nước độc quyền rồi sau đó nâng giá lên?" - ông Lam đặt câu hỏi.
Lo ngại lợi bất cập hại
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho rằng phân DAP trong nước đang có giá thấp hơn mặt hàng nhập khẩu cùng chủng loại là lợi thế cạnh tranh tốt và có lợi cho nông dân nên không có lý do gì để áp dụng biện pháp tự vệ. Còn nếu như muốn nâng giá bán thì cũng cần có tổ chức trung gian làm rõ hơn về chất lượng phân DAP được sản xuất trong nước để làm cơ sở so sánh với phân nhập khẩu và có tính thuyết phục hơn.
"Tôi không đồng tình với cách làm này vì nó không có lợi cho nông dân và làm mất tính cạnh tranh của phân bón sản xuất trong nước. Doanh nghiệp của mình cứ sản xuất hàng có chất lượng với giá bán hợp lý thì hàng nhập khẩu đắt giá sẽ không còn đất sống chứ không có gì để lo ngại. Kinh tế thị trường thì phải để cho nông dân mình được quyền tự do lựa chọn những mặt hàng mà họ cảm thấy có chất lượng với giá lại rẻ" - GS-TS Võ Tòng Xuân nêu quan điểm.
PGS-TS Mai Thành Phụng, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng Bộ Công Thương nên cân nhắc trong việc áp dụng biện pháp tự vệ vì việc này có thể giúp 2 nhà máy trong nước (DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai) tiêu thụ được hàng tồn kho nhưng các nước xuất khẩu DAP vào Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, Úc, Hàn Quốc,… trả đũa đối với nông sản Việt Nam xuất khẩu sang như gạo, thanh long,… có khi lợi bất cập hại.
Theo PGS-TS Mai Thành Phụng, để được nông dân ưa chuộng thì chất lượng phân DAP phải tốt, giá thành tốt, marketing tốt, có thương hiệu nhưng sản phẩm của 2 nhà máy trong nước lại không có những điều này. "Nhà nước nên mạnh dạn để 2 nhà máy này phá sản, thà một lần đau để không lún sâu vào thua lỗ. Không có nhà máy này thì DAP cũng không lo phụ thuộc hàng ngoại vì sẽ có những nhà máy trong nước sẵn sàng đầu tư để có sản phẩm tốt cho nông dân" - ông Phụng thẳng thắn.
Bảo vệ chung nền sản xuất trong nước
Liên quan đến quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phân bón DAP nhập khẩu vào Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết đây là biện pháp bảo vệ cả ngành phân bón chứ không phải với riêng DN nào. "Cái gì cũng có 2 mặt. Phải làm đúng theo quy định quốc tế, đồng thời bảo vệ DN trong nước. Đấy là công ăn việc làm, là ngân sách nhà nước. Mỹ mạnh như thế mà cũng áp dụng nhiều biện pháp tự vệ để ngăn hàng nhập khẩu" - ông Hải nói.
Lý giải thêm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu thực tế thiếu bình đẳng với DN trong nước ở chỗ sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam được trừ 10% thuế GTGT, còn sản phẩm Việt xuất khẩu đi các nước lại không được trừ 10% thuế này. "Đây là điểm rất vô lý và chúng tôi đang kiến nghị sửa luật. Nếu duy trì, nước xuất khẩu sang chúng ta sẽ được hưởng lợi, mà phần lớn là Trung Quốc" - Thứ trưởng Hải cho biết.Ph.Nhung
Bình luận (0)