xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều giải pháp thu hút đầu tư xanh cho vùng Đông Nam Bộ

THANH NHÂN - PHAN ANH

(NLĐO)- Theo các chuyên gia, truyền thông phải vận động nhiều hơn cho 1 hệ thống tư duy về kinh tế xanh, công cụ chính sách ưu đãi mới, phải thay đổi các luật liên quan đến khuyến khích, ưu đãi đầu tư xanh và các luật khác.

Chiều 12-10, trong khuôn khổ sự kiện thành lập Văn phòng Đại diện Đông Nam Bộ, Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo "Thu hút đầu tư xanh cho vùng Đông Nam Bộ".

Với cam kết đưa phát thải ròng carbon về 0 vào năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực thực hiện cam kết toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam cũng có cơ hội lớn về thu hút đầu tư cho tăng trưởng xanh, với các lĩnh vực còn nhiều dư địa như năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, đô thị - công trình xanh, tài chính xanh...

Nhiều giải pháp thu hút đầu tư xanh cho vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Hội thảo "Thu hút đầu tư xanh cho vùng Đông Nam Bộ"

Là khu vực dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Đông Nam Bộ được đánh giá là vùng có tiềm năng và động lực để thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao, bao gồm cả vốn đầu tư trong và ngoài nước, tập trung vào các lĩnh vực xanh, phát triển bền vững.

Trong bối cảnh này, Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo bàn giải pháp "Thu hút đầu tư xanh cho Vùng Đông Nam Bộ" nhằm kết nối, tạo điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo địa phương, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cùng trao đổi về định hướng thu hút đầu tư vào khu vực; nhận diện những khó khăn, vướng mắc, qua đó tìm ra giải pháp hiệu quả.

Hội thảo thu hút sự tham sự của nhiều lãnh đạo từ trung ương, địa phương vùng Đông Nam Bộ và các chuyên gia, doanh nghiệp...

Trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành Hội thảo Thu hút "đầu tư xanh" cho vùng Đông Nam Bộ:

- Charm Resort

- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank)

- Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gigamall Việt Nam

- Công ty Ajinomoto Việt Nam

- Tổng Công ty Cổ phần Phát triển Khu Công nghiệp - Sonadezi

- Tổng Công ty Becamex IDC

- Công ty Cổ phần Kinh doanh F88

- Công ty TNHH Đầu tư và Vận tải Dũng Phát

- Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Nam Khánh

- Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank)

- Công ty Cổ phần C-Holding

- Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng BCONS

- Tập đoàn Trần Anh

- Công ty Cổ phần Công nghiệp Minh Hưng- Sikiku

- Công ty Cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa

- Công ty CP Đầu tư xây dựng DIC Holdings

Tiêu điểm sự kiện

    17:07 ngày 12/10/2023

    Nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động,

    Kết luận hội thảo, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Nhà báo - TS Tô Đình Tuân nhìn nhận hội thảo đã làm rõ nhiều vấn đề về thu hút đầu tư xanh vào vùng Đông Nam Bộ. Việc này còn gặp nhiều khó khăn nhưng tất cả đều khẳng định đây là xu hướng tất yếu của thời đại. Việt Nam cũng có cam kết rõ ràng với thế giới về vấn đề này.

    undefined - Ảnh 1.

    Nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động phát biểu tại hội thảo

    Theo Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đầu tư xanh có giá trị lớn trong tương lai, mang lại môi trường xanh, sạch. "Chúng ta là thế hệ thấy rất rõ, cảm nhận rất rõ vấn đề này. Khi còn nhỏ, có thể cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng môi trường xanh, sạch. Còn bây giờ, cuộc sống chúng ta đầy đủ hơn nhưng nhiều thứ đưa vào cơ thể không xanh, không sạch"- Nhà báo - TS Tô Đình Tuân chia sẻ.

    Theo ông, nếu Việt Nam làm được điều này thì rất tuyệt vời, rất tự hào. Bởi Việt Nam chỉ là một nước đang phát triển mà dám tiên phong về đầu tư xanh, phát triển xanh. Tuy việc này còn rất nhiều khó khăn, thách thức phía trước nhưng nếu chúng ta không làm, không xông vào thì không bao giờ giải quyết được vấn đề. 

    "Một trong những sứ mệnh góp phần thực hiện đầu tư xanh, phát triển xanh là truyền thông. Báo Người Lao Động xin nhận lãnh sứ mệnh đó, tiên phong đi đầu trong vấn đề này. Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan báo chí cùng với Báo Người Lao Động để truyền thông mạnh mẽ về vấn đề này"- Tổng Biên tập Báo Người Lao Động chia sẻ. 

    Tổng Biên tập Báo Người Lao Động nhấn mạnh thông điệp "Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau" và mong muốn mọi người hãy cùng với nhau thực hiện sứ mệnh lớn lao trên. 

    Cuối cùng, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đã gửi lời cảm ơn lãnh đạo các địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp đã tham dự và phát biểu tại hội thảo; cùng chia sẻ và làm những điều hết sức ý nghĩa. Ông Tô Đình Tuân cũng cảm ơn các cơ quan báo chí đã chuyển tải nội dung của hội thảo đến bạn đọc; để vấn đề này không chỉ thực hiện ở khu vực Đông Nam Bộ mà còn ở khu vực khác. 

    17:03 ngày 12/10/2023

    TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương

    Phát biểu tổng kết hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho biết những năm gần đây ông có nghiên cứu về sự phát triển vùng Đông Nam Bộ, nhận thấy sự phát triển của vùng rất nhanh. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng nhiều năm liền chưa thay đổi. Sự đổi mới mô hình tăng trưởng của vùng là nhu cầu tất yếu, nếu vùng không chuyển đổi được thì cả nước cũng không thể chuyển đổi được vì vùng này có điều kiện, có nguồn lực, có áp lực phải chuyển đổi và có động lực để chuyển đổi.

    undefined - Ảnh 1.

    TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương

    Quay trở lại nội dung hội thảo, các ý kiến phát biểu cho thấy ai cũng nhận thức là cần có sự chuyển đổi về tăng trưởng xanh. Vùng này thu hút đầu tư có chọn lọc vào các KCN theo hướng công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, ít sử dụng lao động, trồng nhiều cây xanh hơn… để tạo mội trường đầu tư xanh hơn nhưng chúng ta vẫn chưa có thay đổi. Chúng ta vẫn thiên về tăng trưởng 7%-8% mà ít chú ý đến phương thức, làm thế nào để đạt mức tăng trưởng đó.

    Chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, cái khó đầu tiên là xác định cho rõ thế nào là tăng trưởng xanh để từ đó có tiêu chí, chính sách thúc đẩy tăng trưởng. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 rất ít tiêu chí về tăng trưởng xanh. Như vậy, ngay về mặt tư duy, định hướng chính sách chung chúng ta vẫn xem tăng trưởng xanh là dòng chính sách bổ sung chứ chưa phải dòng chính sách chính giai đoạn. Vì nhận thức chưa rõ nên chưa có nhận thức chung thống nhất, từ đó hành động chưa rõ ràng, nhất quán. Đây là vấn đề cần phải tháo gỡ từ phía cơ quan hành động chính sách của trung ương. 

    Theo tôi, những vấn đề này chúng ta phải thảo luận một cách rộng rãi với nhiều bên tham gia vì có thảo luận rộng rãi mới có sự thống nhất để có hành động chính sách thống nhất.

    Điểm thứ 2, trong khi chờ chính sách thống nhất, vẫn cần có hành động. Không gian phát triển của vùng Đông Nam Bộ không thể chia cắt theo các tỉnh trong khi tư duy phối hợp của vùng còn tương đối kém. 

    Chúng ta đang thành lập hội đồng vùng, tôi kiến nghị bộ phận điều phối của hội đồng không nên đặt ở trung ương, nếu có đặt thì nên đặt 1 văn phòng thứ 2 ở TP HCM để thảo luận, phản ánh các vấn đề cản trở chương trình phát triển của vùng, từ đó tìm ra giải pháp. 

    Về hạ tầng giao thông vùng, chúng ta đã có chính sách đặc thù cho vùng nhưng có nguy cơ không kịp tiến độ. Đồng Nai có thể là điểm nghẽn trong thực hiện vành đai 3 và đường cao tốc TP HCM – Vũng Tàu.

    Ngoài ra, phải tập trung xử lý rác thải, ô nhiễm, nhất là ô nhiễm nguồn nước trên cơ sở phương châm là phải sử dụng rác thải như 1 nguồn tài nguyên. Phải có sự phối hợp vùng để tạo quy mô đủ lớn để tạo động lực cho nhà đầu tư có quan tâm.

    Thứ 3, nhu cầu của các quốc gia nhập khẩu về giảm phát thải carbon cũng là điều 1 tỉnh không thể giải quyết được mà phải ở quy mô vùng và liên vùng. ĐBSCL thừa năng lực sản xuất điện năng lượng tái tạo, nên thành lập đường truyền tải để truyền tải điện về vùng Đông Nam Bộ.

    Ngoài ra, khuyến khích tiêu dùng xanh, ứng xử trong tiêu dùng cũng rất quan trọng.

    Cuối cùng, chúng ta vẫn thiếu một thể chế phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng xanh và những mô hình tăng trưởng khác. Cho đến nay, phạm vi ưu đãi đã khác, ngành nghề ưu đãi, chế độ đầu tư đã khác nhưng chúng ta vẫn dừng lại ở chế độ ưu đãi đầu tư 2005, từ đó đến nay chúng ta không có sự thay đổi về tư duy, chính sách ưu đãi. 

    Truyền thông phải vận động nhiều hơn cho 1 hệ thống tư duy, công cụ chính sách ưu đãi mới, phải thay đổi các luật liên quan mà đầu tiên là luật khuyến khích, ưu đãi đầu tư xanh và các luật khác.

    16:47 ngày 12/10/2023

    ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM

    Liên kết vùng là một điểm nhấn rất quan trọng

    undefined - Ảnh 1.

    Trả lời câu hỏi từ bạn đọc về sự kết nối du lịch xanh của TP HCM với các vùng, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, thông tin TP HCM đã liên kết phát triển du lịch với rất nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, liên kết vùng là một điểm nhấn rất quan trọng. Đặc biệt, liên kết nguồn nhân lực đã hỗ trợ cho TP HCM rất nhiều.

    Hằng năm, Thành phố đều có những chương trình nghiệm thu cho các DN du lịch TP HCM và các tỉnh thành.

    Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Vùng Đông Nam Bộ là 2 vùng ưu tiên kết nối du lịch với sản phẩm ngắn ngày, dài ngày của TP HCM. 

    16:33 ngày 12/10/2023

    Ông Đinh Ngọc Thuận, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi)


    undefined - Ảnh 1.

    Ông Đinh Ngọc Thuận, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi)

    Trả lời câu hỏi của bạn đọc Báo Người Lao Động liên quan đến đầu tư xanh, ông Đinh Ngọc Thuận, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi), cho biết hiện nay, đơn vị thực hiện đầu tư xanh nhiều nhất là các DN đầu tư thứ cấp (là các DN trực tiếp sản xuất) trong KCN. 

    Chúng tôi kiến nghị có những tiêu chí cụ thể hơn ưu đãi thu hút đầu tư xanh, tương tự như các ưu đãi khuyến khích đầu tư sản xuất thiết bị công nghệ điện năng lượng mặt trời. Bởi, đầu tư xanh tốn nhiều chi phí hơn nhưng chưa có chính sách cụ thể về thuế, tài chính, cho vay các dự án… để thu hút các nhà đầu tư. Ngoài ra, các nhà đầu tư rất khó đầu tư hạ tầng KCN vì vướng các chỉ tiêu về đầu tư xanh.

    16:26 ngày 12/10/2023

    Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng

    Nói thêm về các dự án công nghiệp xanh, bà Nguyễn Thị Hoàng cho biết gần đầy, Đồng Nai hướng đến xây dựng các KCN sinh thái. Nghị định 35 (Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế - PV) có quy định rất rõ, hồ sơ, thủ tục như thế nào… để đạt KCN sinh thái. Tuy nhiên, để đi vào thực chất rất khó. Đồng Nai có một KCN được Trung ương chọn làm điểm KCN sinh thái nhưng gần 3 năm vẫn chưa hoàn chỉnh được.

    undefined - Ảnh 1.

    Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng

    Chỉ khi nào hoàn chỉnh được KCN sinh thái điểm thì mới có thể nhân rộng ra các KCN khác. Thực tế, quá trình thực hiện rất khó khăn, yêu cầu phải bảo đảm tiêu chí quan hệ các DN cộng sinh với nhau. Nhưng muốn vậy, đòi hỏi phải có đầy đủ bộ quy trình hướng dẫn kỹ thuật.

    Khi chúng ta hình thành KCN sinh thái thì là một điều kiện để giảm khí thải hướng đến Net-zero. Do đó, muốn có KCN sinh thái cần có bộ tiêu chính, những hướng dẫn của các bộ, ngành phải đồng bộ với nhau. Bên cạnh đó, DN xanh tiêu chí như thế nào cũng phải rõ ràng.

    16:20 ngày 12/10/2023

    Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước – chi nhánh TP HCM


    undefined - Ảnh 1.

    Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước – chi nhánh TP HCM

    Về giải pháp tăng trưởng tín dụng xanh, ông Nguyễn Đức Lệnh cho hay có 2 yếu tố là chính sách và môi trường sẽ tác động đến phát triển kinh tế xanh. Bên cạnh đó, yếu tố thị trường rất quan trọng, sẽ giúp DN tự chuyển biến. Khi DN có dự án hiệu quả, có phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả thì ngân hàng cho vay.

    Thường các dự án đầu tư "xanh" cần nhiều vốn, trong đó chủ yếu là vốn trung và dài hạn trong khi vốn ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng đã đáp ứng được vốn trung và dài hạn cho tín dụng xanh.

    Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, theo tôi có 3 giải pháp chính: 

    Thứ nhất, về cơ chế chính sách cho vay hiện nay không có sự phân biệt giữa DN xanh hay DN bình thường, các tổ chức tín dụng chỉ dựa vào nguồn thông tin của dự án xanh để phân tích, thẩm định, đánh giá và cho vay.

    Thứ 2, trên cơ sở quy chế cho vay hiện nay, các tổ chức tín dụng sẽ xây dựng quy trình quản lý và quản trị rủi ro để thẩm định và cho vay.

    Thứ 3 là cần đẩy mạnh công tác truyền thông, bởi kinh tế xanh, tín dụng xanh vẫn còn mới đối với các tồ chức tín dụng lẫn DN.

    Quay trở lại hiện tại, trước mắt phải có DN có nhu cầu vay vốn xanh thì các tổ chức tín dụng mới cho vay được. Bên cạnh đó, nội hàm của kinh tế xanh của ngành ngân hàng còn là ngân hàng xanh, như: môi trường làm việc xanh, tiết kiệm điện… Khi cán bộ ngân hàng nhận thức đầy đủ về tín dụng xanh sẽ hỗ trợ các dự án tiếp cận vốn tín dụng xanh tốt hơn.

    16:12 ngày 12/10/2023

    Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

    Cảm ơn Báo Người Lao Động đã có lời mời tôi đến dự hội thảo ngày hôm nay.

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

    Chủ đề hội thảo rất kịp thời, đúng thời điểm khi mới đây Việt Nam đưa ra một cam kết mạnh mẽ đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. 

    Đông Nam Bộ là 1 vùng có lượng phát thải nhà kính chiếm 30-35% tổng lượng phát thải nhà kính của Việt Nam. 

    15 năm trở lại đây, dư địa phát triển thị trường quốc tế không còn lớn mà hướng vào nội lực là chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ "nâu" sang xanh.

    Để thu hút đầu tư xanh cho Vùng Đông Nam Bộ, tôi đề xuất một số nhóm giải pháp như sau:

    Ở cấp độ vĩ mô, đầu tiên là nhận thức, điều này rất quan trọng. Chúng ta nói nhiều nhưng hành động chưa nhiều; yêu cầu chuyển đổi kinh tế từ "nâu" sang "xanh" dường như chưa như chúng ta mong muốn. Do đó, tăng cường nhận thức rất quan trọng. 

    Hiện nay, chúng ta đang thiếu chương trình khung về chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ nâu sang xanh. Vùng Đông Nam Bộ có 692 DN nằm trong diện phải kiểm kê phát thải khí nhà kính. Đây là một thách thức vì vậy cần có một chương trình khung; đồng thời có sự tích hợp, lồng ghép chương trình phát thải vào các chương trình của bộ, ngành. 

    Ba là giải pháp về tài chính, như tín dụng xanh, cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh… Theo thống kế, trái phiếu xanh ở Vùng Đông Nam Bộ đã có 2 dự án ở Bà Rịa – Vùng Tàu và TP HCM. 

    Bên cạnh đó cần có chính sách thuế để tạo động cơ; không khuyến khích bằng giấy mà phải có chính sách cụ thể, ví dụ như DN chuyển đổi xanh có lợi ích gì về thuế… Đồng thời, hình thành các thị trường tín chỉ carbon.

    Còn ở góc độ vùng và địa phương, phải có cơ chế liên vùng, cải cách môi trường kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực…

    Ngoài ra, cần có chính sách cụ thể khuyến khích DN đổi mới công nghệ, các DN đang hoạt động chuyển đổi mô hình tăng trường từ "nâu" sang "xanh". 

    Mặt khác, cần đẩy mạnh hình thức đầu tư đối tác công tư PPP để tăng nguồn vốn. 

    15:57 ngày 12/10/2023

    PGS-TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing

    Nhiều thách thức trong thu hút đầu tư xanh

    undefined - Ảnh 1.

    PGS-TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing

    Đầu tư xanh không những mang đến những tác động tích cực cho chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường mà còn mang lại những lợi ích to lớn đối với nền kinh tế. Đầu tư xanh mang lại cơ hội lớn cho quốc gia, vùng lãnh thổ và cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi mà xu hướng phát triển chính của các quốc gia là giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế tuần hoàn...

    Xét trên bình diện quốc gia, vùng lãnh thổ, đầu tư cho các dự án xanh, công nghệ xanh, sản phẩm xanh giúp thay đổi lối sống tiêu dùng xanh trong cộng đồng; lợi thế cạnh tranh, danh tiếng của doanh nghiệp, của quốc gia, sự phát triển kinh tế của vùng lãnh thổ được tăng thêm khi tài chính xanh hỗ trợ cho các dự án xanh, sản phẩm xanh trong nền kinh tế.

    Xét ở góc độ doanh nghiệp, những doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh sẽ thu hút được nhiều vốn từ các nhà đầu tư, gia tăng lượng khách hàng, từ đó làm gia tăng giá trị của doanh nghiệp. Mặt khác, các dự án xanh có thể huy động được vốn từ ngân hàng với chi phí thấp hơn so với thông thường.

    Tuy vậy, cũng nhiều thách thức được chỉ ra khi thu hút đầu tư xanh.

    Một là, thiếu sự rõ ràng về định nghĩa đầu tư xanh. G20 năm 2016 đã liệt kê việc thiếu định nghĩa "xanh" là một trong những lý do chính khiến đầu tư xanh tư nhân vẫn còn khan hiếm. Vì điều này có thể dẫn tới những sai lệnh về tính thân thiện môi trường của các công cụ tài chính xanh mà các nhà phát hành tuyên bố. Thực tế ở nhiều quốc gia, nhận thức của xã hội về tài chính xanh, đầu tư xanh còn hạn chế.

    Hai là, sự hiểu biết chung về tác động của rủi ro môi trường của các tổ chức tài chính còn ở giai đoạn đầu. Nhiều ngân hàng và các nhà đầu tư chưa phát triển năng lực xác định và định lượng rủi ro tín dụng có thể phát sinh từ các dự án xanh và do đó thường đánh giá thấp rủi ro của các khoản đầu tư "nâu", đánh giá quá cao rủi ro của đầu tư xanh. Một phần do vẫn còn đầu tư quá mức vào các dự án gây ô nhiễm và sử dụng nhiều khí nhà kính, thiếu đầu tư vào các dự án xanh.

    Ba là, khó khăn trong tiếp cận vốn tài chính xanh. Đầu tư xanh đặt ra thách thức lớn về vốn đối với các quốc gia đang phát triển, các doanh nghiệp. Đầu tư vào máy móc thiết bị thân thiện môi trường đòi hỏi chi phí trả trước rất cao và chi phí chuyển đổi phương thức sản xuất cũ là lớn. Đặc biệt các khoản tiền gửi ngắn hạn và đầu tư ngắn hạn không phù hợp với bản chất lâu dài của các dự án đầu tư xanh, thường kéo dài hơn một thập niên. Do vậy, phần lớn các nước đang phải đối mặt với những thách thức cụ thể trong việc huy động tài chính xanh và bền vững. 

    Ở cấp độ vi mô, tiếp cận tài chính là một trong những rào cản chính cho các doanh nghiệp xanh, đặc biệt đối với các doanh nghiệp mới thành lập và có nguồn tài chính hạn hẹp. Trong bối cảnh nguồn tài chính công còn hạn chế, các doanh nghiệp xanh gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư chia sẻ giá trị và mục tiêu. Do đó, tài chính xanh tư nhân vẫn còn khan hiếm do các vấn đề về môi trường, bất cân xứng thông tin và khả năng phân tích.

    Về chính sách thu hút đầu tư xanh từ khu vực kinh tế tư nhân, PGS-TS Phạm Tiến Đạt cho biết phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững đang là mục tiêu mà mọi quốc gia hướng tới. Với mục tiêu đến năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0, Việt Nam chỉ còn 27 năm để thực hiện. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam nói chung và Đông Nam Bộ nói riêng cần nhiều bước đi đột phá, đặc biệt thu hút sự đồng hành của khu vực kinh tế tư nhân.

    Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Những mô hình kinh tế cụ thể có tính thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có kinh tế tuần hoàn, cũng đang được nghiên cứu, tạo thuận lợi, hướng tới thúc đẩy chuyển đổi xanh ngay trong quá trình phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch từ nền "kinh tế nâu" sang nền "kinh tế xanh" khó có thể đạt hiệu quả cao nếu thiếu sự đồng thuận, chủ động thực hiện của cộng đồng doanh nghiệp.

    undefined - Ảnh 2.

    PGS-TS Phạm Tiến Đạt

    Từ việc xem xét những cơ hội và thách thức đã nói ở trên, cần phải có nhiều giải pháp để thu hút có hiệu quả khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xanh vào Vùng Đông Nam Bộ. Cụ thể:

    Thứ nhất, cần làm rõ khái niệm và nội hàm của yếu tố "xanh" trong hoạt động đầu tư. Chính do có nhiều cách hiểu và quan niệm khác nhau về khái niệm "xanh", đầu tư xanh trên thế giới như đã trình bày dẫn đến không xác định được yếu tố xanh, điều này cản trở nhiều chủ thể tham gia vào đầu tư xanh. 

    Theo đó, chính quyền địa phương ở các tỉnh Đông Nam Bộ cần có sự thống nhất trong cách hiểu và lựa chọn khái niệm xanh để có những chính sách khuyến khích và thu hút nguồn lực vào đầu tư xanh có hiệu quả. Trong đó, khái niệm xanh cần theo thông lệ quốc tế nhằm tránh những khó khăn cho hoạt động đầu tư xuyên biên giới trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng như hiện nay.

    Thứ hai, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức trung gian tài chính và cơ quan quản lý chính quyền địa phương về phát triển bền vững. Do vai trò của đầu tư xanh chỉ mang lại hiệu quả xét về lâu dài nên trong giai đoạn trước mắt các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân (đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số ở các địa phương) thường không nhận thấy lợi ích trong khi chi phí cho đầu tư xanh cao, mà thường hướng đến mục tiêu lợi nhuận.

    Mặt khác, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, việc tiếp cận tài chính xanh chủ yếu là các khoản vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế, trong khi đó để tiếp cận nguồn vốn này, các quốc gia cần phải đáp ứng đầy đủ các quy định đảm bảo về môi trường, xã hội. Vì vậy, tín dụng ngân hàng vẫn là một kênh huy động hấp dẫn, có vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư xanh từ khu vực kinh tế tư nhân. Do đó, các tổ chức tài chính trung gian cần nâng cao năng lực trong việc thẩm định các dự án xanh, sản phẩm xanh và xây dựng các chính sách cho vay ưu đãi đối với các dự án đầu tư xanh.

    Thứ ba, xác định rõ các lĩnh vực để thu hút đầu tư xanh phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ, trong đó chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, cắt giảm khí thải là quan trọng để phát triển bền vững.

    Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã gợi ý cho Việt Nam 5 lĩnh vực ưu tiên để phát triển kinh tế xanh, cụ thể là nông nghiệp (lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế và chiếm khoảng 14% GDP hiện nay), trong đó tập trung phát triển nông nghiệp xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao; lĩnh vực phát triển đô thị và phương thức vận tải bền vững (đô thị đang chiếm 78% tiêu thụ năng lượng và 60% khí thải GHG toàn cầu); chuyển đổi năng lượng sạch; áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn và gìn giữ đại dương sạch và hiệu quả.

    Thứ tư, tăng cường hợp tác công - tư trong các lĩnh vực, dự án được lựa chọn triển khai đầu tư xanh để thu hút sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp). Đầu tư công xanh vào cơ sở hạ tầng có thể khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư xanh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hỗ trợ cho việc đầu tư vào công nghệ carbon thấp.

    Thứ năm, hoàn thiện khung pháp lý về tài chính xanh và đầu tư xanh. Khuôn khổ pháp lý đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của nền kinh tế, và càng quan trọng hơn đối với đầu tư xanh. Do đó, khuôn khổ pháp lý cần phải đáp ứng được yêu cầu về chất và lượng, làm rõ được phương pháp đo lường lợi ích môi trường của các dự án đầu tư xanh. Từ đó, hoàn thiện các quy định về tín dụng xanh. 

    Ngoài ra, Nhà nước cũng cần xem xét các chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân có các dự án đầu tư xanh để thu hút đầu tư. Các chính sách trợ cấp, hỗ trợ cần được tính toán, sử dụng có hiệu quả, tránh việc sử dụng quá rộng rãi dẫn đến không bền vững về mặt tài chính, ngân sách của địa phương cũng như như ngân sách trung ương.

    15:45 ngày 12/10/2023

    TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

    undefined - Ảnh 1.

    TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

    Chúng ta nghe nhiều, nói nhiều về xu hướng xanh hay như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

    Vậy nó thật ra là cái gì? Do đó, vấn đề đầu tiên là chúng ta cần xác định, làm rõ bản chất của nó mới xác định được nội hàm, từ đó mới xác định hành động sao cho tương ứng, phù hợp.

    Theo tôi, đó là sử dụng hiệu quả nguồn lực, đặc biệt là tiết kiệm nguồn lực tài nguyên thiên nhiên. Về mặt học thuật và chính sách cần nhìn nhận lại và thống nhất lại về mặt nhận thức về vấn đề này. 

    undefined - Ảnh 2.

    TS Nguyễn Đình Cung nêu các vấn đề về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tại hội thảo

    Vấn đề thứ hai là chúng ta phải dựa trên cái hiện có và thay đổi. Kinh tế xanh, kinh tế toàn hoàn không tách rời hiện tại.

    Để làm được, đầu tiên, Vùng Đông Nam Bộ phải tháo bỏ được các điểm nghẽn về hạ tầng. Nếu không tháo bỏ được điểm nghẽn này thì sau này không làm được những việc khác.

    Bên cạnh đó, xử lý ô nhiễm không khí; ô nhiễm nước, ô nhiễm chất thải rắn. Không chỉ xử lý mà phải chuyển đổi nó. Việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp vùng, phải tập trung một nguồn vốn rất lớn. Phải có những dự án liên vùng mới xử lý được vấn đề, chứ không phải từng địa phương. 

    15:32 ngày 12/10/2023

    Ông Định Ngọc Thuận, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi)

    DN nào cũng mong muốn đầu tư nhanh để hoàn vốn

    Chia sẻ về chuyển đổi sản xuất xanh, ông Định Ngọc Thuận, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) cho biết hiện Công ty đang đầu tư 11 KCN ở Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận.

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Định Ngọc Thuận, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi)

    Cách đây khoảng 10 năm, Sonadezi đã hướng đến đầu tư xanh như sử dụng năng lượng xanh (điện năng lượng mặt trời). Hầu như các mái nhà xưởng có thể triển khai hệ thống điện năng lượng mặt trời, Sonadezi  đều đầu tư. 

    Bên cạnh đó, Sonadezi cũng đầu tư về hạ tầng, trồng thêm cây xanh. Đây cũng là một trong những giải pháp để hướng đến đầu tư xanh.

    Đồng thời, Sonadezi cũng chuyển mình theo xu hướng những ngành liên quan như ngành điện, khi bố trí hệ thống đèn đường trong KCN.

    Sonadezi có nhiều giải pháp để khuyến khích, thu hút nhà đầu tư, có chính sách về giá, vị trí cho nhà đầu tư có đầu tư xanh, như có công nghệ tiên tiến, sử dụng ít lao động, nước thải bảo đảm…

    Tuy nhiên, việc thu hút DN đủ tiêu chuẩn đầu tư xanh là rất khó bởi DN nào cũng mong muốn đầu tư nhanh để hoàn vốn; hay DN có xu hướng đầu tư vào trung tâm như ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai; đặc biệt chỉ tiêu về đầu tư xanh còn nhiều ý kiến khác nhau. 

    15:28 ngày 12/10/2023

    Ông Trần Việt Hà, Phó ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza)

    Chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư vào các KCX-KCN TP HCM, ông Trần Việt Hà, Phó ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza), cho biết tiêu chí về đầu tư xanh hiện nay chưa rõ ràng nên vấn đề thống kê về đầu tư xanh chưa thể chính xác mà mang tính cảm tính. 

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Trần Việt Hà, Phó ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza)

    Ví dụ, TP HCM thu hút đầu tư xanh thiên về kinh tế tri thức, gần đây tỉ lệ sản xuất về chế biến chế tạo vào các KCX-KCN TP HCM giảm dần do quỹ đất hạn chế, lao động, kiểm soát ô nhiễm… Tỉ trọng đầu tư xanh nằm ở các ngành kinh tế tri thức như sản xuất phần mềm, data center, công nghệ cao, dược phẩm… 

    Như tại KCX Tân Thuận, KCX-KCN đầu tiên của cả nước, các ngành công nghệ cao tăng rõ rệt, trong khi những ngành sử dụng nhiều yếu tố đầu vào từ nguyên vật liệu, năng lượng, con người… giảm dần.

    Qua quá trình thu hút đầu tư tại Hepza, phát sinh một số vấn đề. Ví dụ, với những ngành trước giờ chúng ta coi là phát sinh ô nhiễm, nay có tiếp tục thu hút đầu tư không? Nếu TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung từ chối tiếp nhận đầu tư ngành nghề ô nhiễm nhưng các nước khác tiếp nhận thì vẫn gây ra ô nhiễm toàn cầu?

    Về kiểm soát quá trình phát thải ô nhiễm từ các dự án là vấn đề chính để tiến tới kinh tế xanh. Tôi từng dự 1 hội thảo và đưa ra ý kiến thảo luận là TP HCM không phát triển sản xuất xi-măng như hiện tại vì quá ô nhiễm, nếu đưa nhà máy xi mang về các tỉnh xa mà không cải tiến sản xuất thì các tỉnh phải chịu ô nhiễm, trong khi thành phố vẫn phải sử dụng xi măng này vào xây dựng thì vừa tốn chi chí, vừa ô nhiễm hơn. Vì vậy, vấn đề là kiểm soát ô nhiễm chứ không phải đưa ô nhiễm từ nơi này đến nơi khác.

    Giải pháp cho vấn đề này là phải giảm sử dụng nguyên liệu đầu vào gây ô nhiễm, giảm sử dụng năng lượng và nguồn lực con người trong sản xuất để giảm phát thải. 

    Bên cạnh đó cần đẩy mạnh cộng sinh công nghiệp. Lâu nay, rác thải đầu ra của DN sản xuất được đưa vào xử lý nhưng hiện nay đã có công nghệ để sử dụng rác thải của nhà máy này làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy khác. Ví dụ các nhà máy sản xuất thủy hải sản, cụ thể là sản xuất tôm, trước đây rác thải từ tôm chỉ có thể bán làm phân bón hoặc đem xử lý nhưng hiện nay vỏ, đầu, gạch tôm đã được đưa vào sản xuất công nghiệp, chế biến thành những sản phẩm khác.

    Chúng ta phải tìm ra chuỗi cộng sinh công nghiệp để rác thải cuối cùng gần như zero. TP HCM đang trong quá trình xem xét lại đầu tư. Từ khi mở cửa thu hút đầu tư vào các KCX-KCN, thành phố phải nhận những dự án dệt may, da giày tương đối ô nhiễm; tới thời điểm này cần sắp xếp quy hoạch lại để hợp lý hóa.

    Năm 2019, thành phố giao Hepza làm đề tài định hướng phát triển KCX-KCN TP, chúng tôi đã đưa nhiều giải pháp cơ cấu lại sản xuất công nghiệp, định hướng thu hút đầu tư sản xuất xanh, định hướng xây dựng KCN sinh thái và chọn KCN Hiệp Phước để thí điểm KCN xanh. Thành phố cũng xác định rõ các tiêu chí thu hút đầu tư. 

    Vì vậy, chúng tôi đề xuất cần có cơ chế mở để tiếp nhận các ngành sản xuất xanh, nếu quy định cứng nhắc sẽ góp phần cản trở đầu tư xanh. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích đầu tư và chuyển đổi công nghệ theo xu hướng hiện nay.

    15:10 ngày 12/10/2023

    Ông Nguyễn Bá Khải, Trưởng Phòng Quản lý Quy hoạch và Xây dựng Ban Quản lý KCN Bình Dương:


    undefined - Ảnh 1.

    Từ năm 1995, Bình Dương bắt đầu phát triển về các KCN. Tuy nhiên, thời điểm đó có nhiều bất cập vì không bao quát hết các hạ tầng khác nên gây lãng phí; dân cư bố trí chưa hợp lý…

    Bên cạnh đó, các tiêu chí về đầu tư xanh chưa rõ ràng nên khi triển khai rất chậm. Các quy định từ các bộ, ngành Trung ương về đầu tư xanh rất cụ thể, rõ ràng nhưng khi áp dụng cho địa phương lại không khớp, có sự chênh lệch giữa các quy định.

    Hiện nay, tỉnh đã tính hợp quy hoạch, tạo được thuận lợi trong việc thu hút đầu tư nói chung và đầu tư xanh nói riêng. Khi có được một quy hoạch tốt sẽ có một nền tảng tốt để thu hút đầu tư. 

    Từ năm 2017, tỉnh Bình Dương đã có những bước đi hướng đến định hướng này. 

    14:57 ngày 12/10/2023

    Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước – chi nhánh TP HCM


    undefined - Ảnh 1.

    Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước – chi nhánh TP HCM:

    Qua các nghị quyết của Chính phủ, các bộ ngành có thể nhận thấy phát triển kinh tế xanh sẽ tạo dư địa và động lực phát triển bền vững. Vai trò và tầm quan trọng của kinh tế xanh rất lớn. Kinh tế xanh phát triển sẽ là động lực cho tăng trưởng tín dụng xanh.

    Tín dụng xanh là tín dụng cho sản xuất, kinh doanh xanh. Vì vậy, nếu có dự án xanh, dự án tốt thì ngành ngân hàng sẵn sàng đáp ứng. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các chỉ thị, chương trình hành động với nội dung cốt lõi là động viên các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cho vay dự án xanh.

    Về nghiệp vụ, cho vay dự án xanh không khác cho vay dự án thông thường, chỉ khác là phân loại tín dụng, tức tín dụng xanh là cho vay dự án xanh, phương thức sản xuất xanh. Những dự án xanh hiệu quả thì ngành ngân hàng hoàn toàn đáp ứng cho vay.

    Về quy mô, tín dụng xanh vẫn còn khá nhỏ nhưng là cơ sở nền tảng để các tổ chức tín dụng cho vay. Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng như tăng trưởng xanh.

    14:52 ngày 12/10/2023

    Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM

    Từ năm 2020, ngành du lịch TP HCM đã đẩy mạnh du lịch liên kết vùng với vùng Đông Nam Bộ. Đầu việc này được các địa phương thực hiện rất tốt trong thời gian qua. 

    undefined - Ảnh 1.

    Về định hướng phát triển du lịch xanh, TP HCM sẽ tập trung vào 6 nội dung chính. 

    Một là cơ sở hạ tầng, như công viên, hạ tầng kết nối du lịch, du lịch xanh ở Cần Giờ. 

    Hai là tạo môi trường phát triển du lịch xanh thông qua các cơ chế khuyến khích du lịch xanh, hợp tác với các địa phương để phát triển du lịch xanh. 

    Ba là nâng cao chất lượng dịch vụ, như: tập huấn cho các cơ sở du lịch theo tiêu chuẩn ASIAN, tổ chức các cuộc thi hướng dẫn viên...

    Bốn là công tác truyền thông, quảng bá về du lịch xanh.

    Năm là khuyến khích doanh nghiệp xanh như hỗ trợ vốn, ưu đãi khi đầu tư liên quan đến kinh tế, du lịch xanh.

    Sáu là sản phẩm du lịch xanh như: du lịch cộng đồng, du lịch xanh Cần Giờ.

    Về việc áp dụng Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, ngành du lịch thành phố cũng linh động kết hợp với các ngành, nghề khác. Bởi từ Nghị quyết 54/20217 đến Nghị quyết 98/2023 không đề cập trực tiếp đến các chính sách, cơ chế đặc thù ngành du lịch. Tuy nhiên, ngành du lịch gắn với các hoạt động kinh tế - xã hội, liên ngành nên việc tập trung triển khai các ngành văn hóa, thể thao; khuyến khích các công trình, tiết chế về văn hóa phát triển cũng như phát triển ngành du lịch. Trong khi xu hướng của du khách là đi sâu hơn những chương trình văn hóa, lịch sử. 

    Ngoài ra, một trong những cơ chế nữa là thu hút nguồn nhân lực; hỗ trợ về khởi nghiệp sáng tạo, với những chính sách này sẽ đẩy phát triển du lịch xanh. 

    14:48 ngày 12/10/2023

    Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Đồng Nai

    Chia sẻ về định hướng thu hút dòng vốn xanh, sạch, chất lượng cao, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Đồng Nai, cho biết Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, liền kề với TP HCM. Đến nay Đồng Nai có 39 KCN. Trong đó 31 KCN đã đi vào hoạt động, 1 KCN đang hình thành, 7KCN đang tiến hành thủ tục thành lập.

    Trên địa bàn tỉnh có trên 1.500 dự án FDI của 44 quốc gia còn hoạt động với tổng vốn khoảng 33 tỉ USD.

    undefined - Ảnh 1.

    Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Đồng Nai

    Ngay từ những năm 2000, Đồng Nai đã chủ trương thu hút công nghệ sạch, công nghệ cao ít sử dụng lao động. Các dự án đầu tư mới vào tỉnh chủ yếu sử dụng lao động tiên tiến trong lĩnh vực chế biến chế tạo. Tuy nhiên, quá trình thu hút đầu tư thời gian qua không đạt kỳ vọng, chất lượng còn khiêm tốn, chưa có nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ hiện đại từ các tập đoàn lớn trên thế giới.

    Tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành khung hành lang pháp lý để đạt mục tiêu trên và bảo đảm chính sách thu hút đầu tư xanh, phát triển bền vững. 

    Tỉnh Đồng Nai cũng đang thu hút các dự án đầu tư xanh. Thời gian tới tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực và vốn để thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia của tỉnh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thu hút đầu tư công, ưu tiên bố trí vốn cho giao thông, kết nối vùng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đặc biệt là giao thông từ sân bay quốc tế Long Thành về các huyện.

    Tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch kinh tế - xã hội gắn phát triển tỉnh với phát triển vùng và quốc gia, trong đó phát triển xanh và bền vững là yếu tố then chốt. Chọn lọc nhà đầu tư, ưu tiên các dự án thân thiện môi trường, công nghệ. Đặc biệt, Đồng Nai sẽ kiên quyết đóng cửa các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.

    14:37 ngày 12/10/2023

    Các đại biểu và khách mời tham dự hội thảo

    undefined - Ảnh 1.

    Toàn cảnh hội thảo chiều 12-10.

    Tham dự hội thảo chiều nay của Báo Người Lao Động, về phía Trung ương có ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP HCM

    Về phía các địa phương, tham dự có bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; bà Phan Thị Khánh Phương, Trưởng Phòng Kinh tế đối ngoại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai; ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM; ông Trần Việt Hà, Phó Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Khu Công nghiệp TP HCM (Hepza); ông Thái Bình An, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Tây Ninh; ông Nguyễn Bá Khải, Trưởng Phòng Quản lý Quy hoạch và Xây dựng Ban Quản lý KCN Bình Dương; ông Đỗ Thành Thăng, Phó Trưởng Phòng Quản lý Đầu tư Ban Quản lý KCN Bình Dương. 

    Về phía doanh nghiệp, có ông Đinh Ngọc Thuận , Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi); ông Trịnh Xuân Đức, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC; bà Hoàng Thị Thu Hiền - Đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham); ông Ứng Duy Hải - Đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham); bà Nguyễn Thị Hiền – Đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Long Thành – Đồng Nai; bà Trần Ngọc Anh – Giám đốc truyền thông tập đoàn Đất Xanh.

    Về phía chuyên gia, có PGS-TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học tài chính – Marketing; TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

    Về phía Báo Người Lao Động có Nhà báo - Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động.

    Lên trên
    Lên đầu Top

    Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

    Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
    60 giây nữa.

    Thanh toán mua bài thành công

    Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

    • Tặng bằng link
    • Tặng bạn đọc thành viên
    Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

    Chọn phương thức thanh toán

    Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

      Chọn phương thức thanh toán

      Chọn một trong số các hình thức sau

      Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

      Thông báo