Cận Tết, thị trường thực phẩm càng trở nên sôi động, nhất là các loại thực phẩm chế biến; các mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, rượu bia, đồ hộp... Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các loại hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) được dịp trà trộn, tung hoành.
Bày bán tràn lan
Khảo thị tại Hà Nội những ngày giáp Tết, thị trường tràn ngập các loại bánh, mứt, kẹo nhập nhèm xuất xứ, chất lượng. Đặc biệt, tại chợ đầu mối Đồng Xuân và khu vực phố Hàng Buồm, hầu hết bánh kẹo, hạt dưa, hạt bí... đều không có bao bì, nhãn mác mà chủ yếu bán cho khách mua theo ký.
Thậm chí, các loại mứt như hồng khô, bí, sen... còn được bày tênh hênh trên sạp, không hề có bao, vỏ che đậy. “Chủ yếu người ta đến mua để bán lại nên không câu nệ đóng gói. Giờ dân kỵ hàng Trung Quốc nên chúng tôi lấy hàng của các cơ sở, làng nghề trong nước sản xuất; một số là hàng Thái Lan” - chủ một quầy bán bánh kẹo tại chợ Đồng Xuân cho biết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389/TP Hà Nội, Tết năm nay, tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. “Sức mua ở mức thấp, hàng hóa không tiêu thụ được, hàng hóa hết “đát”, cận “đát” tồn kho nhiều nên dẫn tới hành vi sửa hạn sử dụng có dấu hiệu tăng.
Ngoài ra, tình trạng gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu đã được kiểm soát nhưng vẫn còn tồn tại. Hàng hóa sử dụng giấy chứng nhận kiểm dịch, giấy chứng nhận ATTP không phù hợp; hàng hóa không rõ nguồn gốc được trà trộn vào hàng trong nước, không bảo đảm ATTP, ảnh hưởng tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng” - ông Tuấn nhận định.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), cho biết khi nhu cầu tiêu dùng lớn, nếu không kiểm soát tốt sẽ là cơ hội để các sản phẩm trôi nổi, không nguồn gốc, kém chất lượng... được tung ra thị trường và gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết.
Trong khi đó, tuần qua, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP HCM đã kiểm tra 37 vụ sản xuất, buôn bán 82.519 đơn vị sản phẩm và 61.935 kg thực phẩm các loại. Trong đó có 16 vụ buôn bán, vận chuyển hàng không hóa đơn chứng từ, tạm giữ 45 chai rượu ngoại không dán tem nhập khẩu, 1.797 chai sữa nước Ensure loại 237 ml/chai, 2.862 lon nước tăng lực hiệu Redbull do Thái Lan sản xuất, 24.984 gói nước ép trái lê, 200 kg hạt hướng dương sấy khô, 17 kg mứt trái cây không rõ nguồn gốc...
Tình trạng thực phẩm đóng gói vi phạm về nhãn cũng phổ biến với 18 vụ, gồm đủ loại mặt hàng như: rượu vang, nước trái cây, bánh mứt, kẹo, trà sâm, nấm linh chi, giò chả...
Bắt không xuể
Nhóm hàng “nóng” là các loại thực phẩm tươi sống đang được tập kết về các TP lớn làm nguyên liệu phục vụ Tết. Vì vậy, các loại thực phẩm bẩn cũng theo vào rất khó kiểm soát.
Tại cửa ngõ phía Đông TP HCM, Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức nhiều tuần qua đã tăng cường kiểm tra để chặn thịt bẩn đổ về TP. Theo số liệu thống kê trong 1 tuần mới đây, trạm đã phối hợp với Đội CSGT Rạch Chiếc, Đội QLTT Thủ Đức cùng lực lượng thanh niên xung phong kiểm tra tuyến Quốc lộ 1 và phát hiện, xử lý 5 trường hợp vi phạm với tang vật gồm: 17.000 kg chân và đuôi trâu bò, 51 con dê, 467 kg phụ phẩm trâu bò... Vi phạm chủ yếu là vận chuyển sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Tương tự, tại cửa ngõ phía Tây TP HCM gần đây cũng rộ lên tình trạng vận chuyển trái phép sản phẩm động vật. Ông Nguyễn Hồng Triệu, Trưởng Trạm Thú y huyện Bình Chánh, cho biết hầu như ngày nào cũng phát hiện đối tượng cố tình đưa gà vịt sống, trứng, thịt heo... về TP qua địa bàn huyện. “Có ngày, chúng tôi xử lý đến 15 trường hợp” - ông Triệu nói.
Theo chân Đoàn Kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh trong những ngày gần đây, chúng tôi nhiều lần chứng kiến các đối tượng vận chuyển gà, vịt sống trái phép bằng xe máy và không chấp hành hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.
Có trường hợp đối tượng quá manh động, phóng xe lạng lách gây nguy hiểm cho người đi đường nên đoàn kiểm tra đành phải để hàng và người vi phạm thoát nhằm giữ an toàn tính mạng cho người đi đường. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các loại gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc này nếu vận chuyển trót lọt sẽ “chui” vào các lò giết mổ lậu...
Tại thị trường Hà Nội, tình trạng nhập lậu thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc hiện vẫn rất phức tạp. Gần đây, nhiều vụ việc được phát hiện nhưng vẫn chưa phản ánh đúng tình hình thực tế. Chẳng hạn, đầu tháng 12-2014, Công an TP Hà Nội phối hợp Chi cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thịt trâu thuộc Xí nghiệp Bắc Hà - Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội.
Qua kiểm tra đã phát hiện và phạt hành chính 135 triệu đồng về các hành vi sản xuất hàng giả, sửa giấy chứng nhận kiểm dịch, buộc tiêu hủy 1.296 kg thịt trâu.
Giữa tháng 12-2014, các lực lượng chức năng tại Hà Nội cũng phát hiện 3.150 kg cá tầm có xuất xứ Trung Quốc, không hóa đơn chứng từ, trị giá gần 700 triệu đồng. Cùng thời điểm, Đội QLTT số 4 (Hà Nội) phát hiện 1.230 kg nầm, tràng lợn giá trị 406 triệu đồng...
Theo đại diện Bộ Công Thương, những vụ bị phát hiện và xử phạt vi phạm kể trên chỉ là số ít so với thực tế. Các đối tượng vi phạm thường hoạt động thành đường dây, có người nước ngoài nên việc kiểm soát không hề dễ dàng.
Gần 22% cơ sở được kiểm tra có vi phạm
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy trong tổng số 514.735 cơ sở được kiểm tra vệ sinh ATTP trong 11 tháng qua, có đến 152.750 cơ sở vi phạm, chiếm gần 22%. Nội dung vi phạm phổ biến nhất là điều kiện vệ sinh cơ sở, dụng cụ, trang thiết bị sản xuất thực phẩm không bảo đảm (chiếm trên 12%). Các đoàn kiểm tra cũng đã lấy hơn 14.000 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm, kết quả có đến 13,6% không bảo đảm chất lượng, trong đó có những mẫu sai phạm rất nghiêm trọng như: thực phẩm nhiễm E.coli, coliform, nấm mốc... gấp nhiều lần tiêu chuẩn
cho phép.
“Bêu” tên doanh nghiệp vi phạm
Với mục tiêu giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi và trong thời gian diễn ra lễ hội Xuân 2015 so với cùng kỳ năm 2014, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh ATTP đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước. Cùng đó, hàng ngàn đoàn kiểm tra của các địa phương đang tăng cường thanh, kiểm tra tại tất cả các cấp từ tỉnh đến quận, huyện; xã, phường.
Ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh: “Trọng điểm của kế hoạch bảo đảm vệ sinh ATTP dịp Tết Nguyên đán là sẽ tập trung kiểm tra những thực phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp này, những thực phẩm có nguy cơ cao như bánh kẹo, mứt, bia rượu; các cơ sở có dấu hiệu vi phạm, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn; các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại...”.
Theo ông Phong, để việc thanh tra, kiểm tra thực phẩm Tết không rơi vào tình trạng “ném đá ao bèo”, ngoài công tác kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm, Bộ Y tế đã đề nghị các phòng xét nghiệm ưu tiên tiến hành xét nghiệm nhanh, kết quả có sớm để công bố đến người tiêu dùng ngay trước Tết. “Điều này nhằm tránh tình trạng kiểm tra trước Tết cả tháng nhưng nhiều mẫu kiểm nghiệm sau Tết mới có kết quả khiến hiệu quả cảnh báo không cao” - ông Phong nói.
Với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, ngay sau khi kiểm tra, phát hiện sai phạm, cơ quan quản lý sẽ công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Việc công khai tên doanh nghiệp, sản phẩm kém chất lượng sẽ có sức răn đe lớn. Thực tế cho thấy nhiều cơ sở vi phạm sẵn sàng nộp phạt nhưng họ rất sợ công khai danh tính trên các phương tiện thông tin vì sẽ ảnh hưởng uy tín” - ông Phong khẳng định.
Bình luận (0)