Ngày 17-12, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho biết dù tốc độ tăng trưởng năm 2020 có thể nói là thấp nhất trong nhiều năm, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu HSBC cho rằng Việt Nam là quốc gia duy nhất tại ASEAN có tăng trưởng dương.
Dù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng GDP 1,8% trong nửa đầu năm nay, và là một trong số những quốc gia hiếm hoi trên thế giới duy trì được đà tăng trưởng kinh tế. Lạm phát bình quân 11 tháng qua tiếp tục được kiểm soát với mức tăng 3,51% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn mục tiêu bình quân dưới 4% mà Quốc hội đề ra.
Thặng dư thương mại của Việt Nam trong 11 tháng qua đạt mức kỷ lục. Ảnh: Lam Giang
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 là 2,4% và nhận định Việt Nam là một trong 4 nền kinh tế thế giới có chỉ số GDP bình quân đầu người tăng trưởng, bên cạnh Đài Loan - Trung Quốc, Ai Cập và Trung Quốc.
Theo HSBC Việt Nam, trong năm 2020, động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục là khu vực chế biến chế tạo và xuất khẩu cùng với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các chỉ số của tháng 11 cho thấy Việt Nam đang trên đà phục hồi kinh tế vững chắc. Sản xuất lần đầu tăng trưởng 2 con số kể từ đầu mùa dịch, trong khi xuất khẩu tiếp tục tỏa sáng do các đơn hàng về điện tử.
Đối với xuất khẩu, tính chung 11 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 254,6 tỉ USD, tăng 5,3% so cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tại Báo cáo triển vọng toàn cầu quý 1-2021 của bộ phận Kinh tế toàn cầu và Nghiên cứu các thị trường thuộc Ngân hàng UOB (Singapore), cũng đưa ra dự đoán Việt Nam sẽ đạt mức tăng GDP trong quý 4-2020 là 4% so cùng kỳ năm trước. Đồng thời, tăng trưởng GDP cả năm 2020 đạt 2,7% và sẽ đạt tới 7,1% vào năm 2021.
Tăng tưởng thực của kinh tế Việt Nam đạt mức 2,62% trong Quý 3-2020 do các hoạt động kinh tế phục hồi một phần từ đầu năm. Đây là giai đoạn tăng trưởng sau khi có sự sụt giảm vào 6 tháng đầu năm do ảnh hưởng của đại dịch.
Theo UOB, số liệu sản xuất và thương mại gần đây của Việt Nam cho thấy các hoạt động kinh tế đang dần phục hồi. Dù vậy, ngành du lịch lữ hành tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đóng cửa biên giới và cách ly xã hội, cũng như làn sóng liên tiếp các ca nhiễm Covid-19 ở nhiều nước. Tính đến hết tháng 11, thặng dư thương mại của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục 20,2 tỉ USD, gần gấp đôi so cả năm 2019…
Một điều đáng ghi nhận, theo HSBC Việt Nam, là sự thay đổi tự thân của các doanh nghiệp Việt. Cộng đồng doanh nghiệp tìm mọi cách xoay xở để vượt qua những thách thức do dịch bệnh mang tới. Theo khảo sát HSBC Navigator vừa được công bố đầu tháng 12 thì 68% doanh nghiệp Việt tham gia khảo sát cho biết họ đã thực hiện các thay đổi nhằm đối phó với dịch bệnh.
Các doanh nghiệp cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư vào các kênh bán hàng, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, trải nghiệm khách hàng và quản lý dòng tiền, vốn; tiếp tục đầu tư vào công nghệ để cải thiện tốc độ tiếp cận thị trường, tiếp cận khách hàng mới và tăng cường tự động hóa…
"Trong các cuộc gặp với khách hàng vừa qua, tôi đã thấy họ tiến hành cải thiện các phương thức hoạt động, tiến hành chuyển đổi số, chủ động tiếp cận ngân hàng để tìm giải pháp tối ưu hóa quản lý dòng tiền, áp dụng các giải pháp số để tối đa hóa hiệu quả hoạt động" – Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nói.
Bình luận (0)