Theo kế hoạch, hôm nay, 10-4, lãnh đạo TP HCM sẽ có buổi gặp gỡ các doanh nghiệp (DN) bất động sản để lắng nghe nhằm tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính dẫn đến tình trạng ách tắc của nhiều dự án trên địa bàn.
Ảnh hưởng lớn tới người dân và thị trường
Báo cáo thị trường bất động sản TP HCM quý I/2019 của Savills Việt Nam vừa công bố cho thấy nguồn cung căn hộ trên địa bàn đang sụt giảm mạnh, giảm đến 34% theo quý và 57% theo năm. Theo ông Neil Macgregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, ngoài việc chủ đầu tư còn ít căn trong rổ hàng, thủ tục pháp lý bị trì hoãn cũng như chủ đầu tư thay đổi kế hoạch mở bán là những nguyên nhân dẫn đến nguồn cung mới giới hạn.
Một dự án chung cư của Novaland bị ảnh hưởng bởi đợt rà soát, thanh tra dự án của TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Tương tự, "Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP HCM quý I/2019" của Công ty CP DKRA Việt Nam cũng nhấn mạnh đến sự sụt giảm kỷ lục trong 3 năm trở lại đây cả về nguồn cung lẫn giao dịch. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho rằng quá trình rà soát, thanh tra hàng loạt dự án thời gian qua kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến DN, vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh. Minh chứng cụ thể là nguồn cung nhà ở bị sụt giảm, gây bất lợi cho cả người mua nhà và thị trường bất động sản.
Đặc biệt, thu ngân sách giảm 22,5% trong năm 2018 và 2 tháng đầu năm 2019 giảm đến 76% so cùng kỳ. Tổng nợ thuế trong 2 tháng đầu năm lên đến 10.110 tỉ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2018. Trong đó, các khoản nợ liên quan tới đất đai chiếm 1.370 tỉ đồng và 76 DN xây dựng nợ tiền sử dụng đất 794 tỉ đồng.
"Trong quý I/2019, số lượng dự án mà Sở Xây dựng TP HCM phê duyệt giảm đến 63%; chỉ cấp 8.472 giấy phép xây dựng (cả nhà dân và dự án), giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp của các DN xây dựng cũng bị sụt giảm từ 30%-50% do các chủ đầu tư bất động sản thiếu nguồn dự án mới" - ông Lê Hoàng Châu dẫn chứng.
Một DN cụ thể bị ảnh hưởng bởi việc rà soát, thanh tra dự án của TP là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (Novaland). Theo đó, 7 dự án của công ty này trên địa bàn quận Phú Nhuận đầu năm nay bị tạm dừng chuyển nhượng sử dụng đất khiến DN và hàng ngàn người mua nhà đều hoang mang. Novaland đã nhiều lần kiến nghị UBND TP giải quyết về pháp lý với 7 dự án này nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án. Lãnh đạo HoREA cũng kiến nghị TP sớm kết luận, xử lý theo hướng hỗ trợ Novaland hoàn tất các thủ tục hành chính còn thiếu hoặc yêu cầu thẩm định lại tiền sử dụng đất dự án để DN thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh nhằm tiếp tục triển khai dự án.
Hàng loạt kiến nghị
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đến với cuộc đối thoại lần này, ông Lê Hoàng Châu cho biết đã thống kê trên 24 kiến nghị của DN bất động sản trên địa bàn mong muốn được lãnh đạo TP tháo gỡ. Riêng hiệp hội cũng có những đề xuất cụ thể gửi tới lãnh đạo TP và các bộ, ngành trung ương.
Cụ thể, HoREA kiến nghị TP và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết có tình, có lý đối với hơn 30 dự án còn đang được các cơ quan chức năng rà soát, thanh tra, vừa bảo đảm nguyên tắc không làm thất thoát tài sản công vừa không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của DN và người mua nhà. Kiến nghị TP và các sở, ngành sớm kết luận, xử lý khoảng 300 mặt bằng đất công thuộc diện bị thu hồi cũng như khẩn trương rà soát, phân loại khoảng 300 mặt bằng này thành 3 nhóm: Nhóm các mặt bằng về cơ bản thực hiện đúng theo quyết định thì sớm được giải tỏa cho người sử dụng đất; nhóm có sai phạm về quy trình, thủ tục, nghĩa vụ tài chính ở mức độ không lớn cần yêu cầu người sử dụng đất hoàn thành các thủ tục đầu tư và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung.
Riêng các mặt bằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, TP cần sớm có kết luận, giải quyết cụ thể đối với từng trường hợp, để có phương án xử lý có lý, có tình, có tính đến yếu tố lịch sử của quá trình sử dụng đất…
Hiệp hội cũng kiến nghị đối với các dự án bất động sản thuộc diện bị rà soát về các thủ tục pháp lý và hành chính nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định đình chỉ thực hiện dự án hoặc quyết định khởi tố điều tra thì được tiếp tục giải quyết các thủ tục đầu tư xây dựng và triển khai thực hiện.
Ngoài ra, HoREA kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện công tác xác định giá đất và phối hợp với Sở Tài chính để thẩm định giá đất để tính tiền sử dụng đất dự án. Bởi theo HoREA, hiện nay gần như khâu tính tiền sử dụng đất dự án trên địa bàn đều bị chậm trễ. Nhiều hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài cả năm nay vẫn chưa giải quyết xong. "Chúng tôi nhận thấy chưa có "khung cơ chế" về quy trình tính "giá đất cụ thể" phù hợp với điều kiện thực tiễn của TP, để cán bộ, công chức thực hiện việc tính tiền sử dụng đất dự án theo "khung cơ chế" này thì yên tâm và được an toàn" - ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
6 năm vẫn gỡ không xong
Trao đổi với chúng tôi, một số DN cho rằng các kiến nghị của họ đã kéo một thời gian dài, điều này gây rất nhiều khó khăn. Như Công ty CP Địa ốc và Xây dựng S.S.G 2 (S.S.G 2) cho biết đã hơn 6 năm qua, họ không thể tự thương lượng được với 3 hộ dân có khoảng 230 m2 đất trong lộ giới xây cầu dẫn đi bộ trên cao kết nối từ chung cư Thảo Điền Pearl (12 Quốc Hương, quận 2) với ga metro Thảo Điền (ga số 6) dù Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đã họp và chỉ đạo UBND quận 2 rà soát pháp lý quy hoạch của cầu bộ hành và khẩn trương xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật, di dời các hộ dân, tạo điều kiện cho DN thực hiện dự án như cam kết. Thế nhưng đến nay, sự việc chưa đi tới đâu.
Bình luận (0)