Lãnh đạo một ngân hàng (NH) ví von nợ xấu như "cục xương khô" nên không dễ thu hồi, có những trường hợp về lý thì đúng nhưng không thể áp dụng trên thực tế.
Gian nan thu hồi tài sản thế chấp
Những ngày cuối tháng 7, phóng viên Báo Người Lao Động đã theo chân NH TMCP Sài Gòn (SCB) trực tiếp đi thu giữ tài sản thế chấp là một lô đất 1.800 m2 tại dự án khu dân cư Tân Vũ Minh (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) để xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội.
Một số chủ đất và chủ đầu tư dự án (ảnh dưới) xuất hiện ngăn cản SCB thu hồi tài sản nợ xấu là lô đất hơn 1.800 m2 tại Bình Dương (ảnh trên). Ảnh: THY THƠ
Lô đất này của bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (quận 5, TP HCM) mua từ chủ đầu tư dự án là Công ty Tân Vũ Minh và đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) do UBND thị xã Thuận An cấp vào năm 2015. Đến đầu năm 2016, bà Lan thế chấp lô đất này cho SCB để vay hơn 6 tỉ đồng nhưng sau đó không trả được nợ nên tự nguyện giao lô đất để NH thu giữ, xử lý và thu hồi nợ.
Tuy nhiên, khi SCB, bà Lan và chính quyền địa phương tiến hành lập biên bản thu giữ lô đất, bỗng dưng đại diện của Công ty Tân Vũ Minh xuất hiện. Người này thông báo lô đất của bà Lan chưa có sổ hồng. Khi đó, một vài hộ dân khác cũng mang hồ sơ đến nói rằng từ năm 2005-2006, thông qua hợp đồng góp vốn - chia đất, Công ty Tân Vũ Minh đã bán cho họ lô đất mà bà Lan đang đứng tên.
Trong khi đó, bà Lan và SCB cho biết trong quá trình cho vay, 2 bên đã được các cơ quan chức năng xác minh sổ hồng lô đất bà Lan đứng tên là thật. Ngoài ra, từ giữa năm 2018 đến nay, SCB và bà Lan chưa nhận được thông tin nào từ cơ quan quản lý nhà đất về việc cấp lại sổ hồng.
Trước tình huống này, SCB buộc phải tạm ngưng việc thu giữ tài sản vì lô đất đang có tranh chấp. Đồng thời, SCB cùng với các hộ dân đã thống nhất phối hợp, tố cáo lên cơ quan công an Công ty Tân Vũ Minh lừa dối khách hàng vì cùng một lô đất bán cho nhiều người. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo SCB cho biết tuy thu giữ lô đất bất thành nhưng diễn biến vụ việc cũng hé mở cho NH và các bên liên quan phương hướng xử lý. "Theo đó, nếu sổ hồng lô đất của bà Lan là hợp pháp thì SCB, bà Lan và các hộ dân liên quan có thể thỏa thuận để bán lô đất này theo giá thị trường. Việc này sẽ giúp SCB thu hồi được nợ, các hộ dân liên quan và bà Lan cũng có được lợi ích không nhỏ" - vị lãnh đạo SCB nhận định.
Ông Nguyễn Quốc Giang, Giám đốc pháp chế và tuân thủ, NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), kể trường hợp khác NH đang gặp khó khi thu hồi tài sản bảo đảm là nhà máy sản xuất của doanh nghiệp. Cụ thể, VietinBank đang tiến hành thu giữ tài sản đã qua thi hành án là một nhà máy để bán nhằm thu hồi nợ. Nhưng khi tiến hành thu hồi lại gặp phải phản ứng từ người lao động, là công nhân đang làm việc trong nhà máy.
"Doanh nghiệp đã khó khăn tới mức phá sản, phải giao tài sản cho NH bán đi nhưng đồng thời cũng đang nợ lương, bảo hiểm đối với người lao động. Thế nên họ phản ứng khi NH tiến hành thu giữ nhà máy, với lập luận nhà máy là tài sản cuối cùng của công ty nên bán xong phải trích một phần trả lương cho công nhân…" - ông Giang kể.
Nhà đầu tư chưa mặn mà
Theo quy định trong Nghị quyết 42 của Quốc hội, chính quyền địa phương, cơ quan thi hành án phải hỗ trợ NH việc thu hồi tài sản, thu hồi nợ, sau khi bán tài sản sẽ ưu tiên trả nợ trước cho NH thương mại. Nhưng các NH nhìn nhận, thực tế không như vậy, bởi chính quyền địa phương thường ưu tiên giải quyết tình hình trật tự trên địa bàn. "Về lý đúng nhưng về tình không ổn mà bản thân NH cũng rất khó xử. Đã gọi là nợ xấu thì không khoản nào giống nhau, nên không chỉ xương mà là rất xương" - đại diện một NH nhận xét.
Theo ghi nhận phóng viên, không ít khoản nợ của các NH thương mại được rao bán nhiều lần, thậm chí hơn chục lần nhưng không dễ tìm được người mua. Chẳng hạn, Chi nhánh VietinBank Thái Bình vừa thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm lần thứ 21, của Công ty CP Vận tải biển Hoàng Phát để xử lý thu hồi nợ vay. Các tài sản bao gồm thiết bị liên quan vận tải biển, ôtô các loại… đã thế chấp tại VietinBank Thái Bình từ năm 2010. Giá khởi điểm hơn 1,84 tỉ đồng nhưng sau 21 lần rao bán vẫn chưa tìm được người mua.
Hay một khoản nợ khác của NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chuyển sang cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đến nay cũng rao bán nhiều lần nhưng chưa tìm được chủ mới. Đó là khoản nợ gần 2.400 tỉ đồng (bao gồm cả dư nợ gốc và lãi) của Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân liên quan. Khoản nợ này bắt đầu được BIDV và VAMC rao bán từ cuối năm ngoái, với giá khởi điểm hơn 1.100 tỉ đồng. Sau vài lần hạ giá, giá khởi điểm của khoản nợ gần nhất chỉ còn hơn 840 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Chí Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Bán đấu giá Lam Sơn (đơn vị tổ chức bán đấu giá), cho biết khoản nợ trên của Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn có rất ít nhà đầu tư quan tâm, dù tài sản thế chấp rất hấp dẫn là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nằm ở khu vực quận 1, huyện Bình Chánh (TP HCM)…
Lãnh đạo một số NH nhìn nhận có thực tế là NH rao bán hàng loạt lô đất là tài sản bảo đảm cho khoản nợ vay của khách hàng nhưng thực chất chỉ chuyển nhượng quyền thu hồi nợ. Còn những tranh chấp về pháp lý, giấy tờ của dự án thì NH không chịu trách nhiệm nên nhà đầu tư không mấy mặn mà. Trong khi đó, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn mua lại khoản nợ là bất động sản của các NH nhưng lại vướng rào cản về pháp lý của tài sản.
Theo các chuyên gia kinh tế, một yếu tố khác ảnh hưởng đến tiến trình xử lý, thu hồi nợ của các NH là khả năng hấp thụ của thị trường trong bối cảnh thị trường bất động sản đang chững lại từ đầu năm đến nay.
Học kinh nghiệm từ NH nước ngoài
Theo ông Nguyễn Quốc Giang, VietinBank đã, đang làm việc với một số nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các NH nước ngoài nhằm thúc đẩy quá trình xử lý nợ bằng kinh nghiệm của họ.
Liên quan đến giá khởi điểm của khoản nợ, các NH cho rằng về nguyên tắc phải theo giá thị trường. Bởi, nếu NH giữ mục tiêu, kỳ vọng thu về giá cao để bù đắp cho khoản nợ nhưng người mua hoặc thị trường không chấp nhận sẽ rất khó tìm được chủ mới.
Bình luận (0)