Ngay cả những doanh nghiệp (DN) lớn, có đội ngũ chuyên lo giấy tờ vẫn bị trả lại hồ sơ như thường, nhiều khi còn bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Đó là nội dung được nhiều DN, hiệp hội nêu ra tại tọa đàm "Giấy phép con cần bỏ trong kinh doanh thực phẩm" diễn ra ở TP HCM ngày 25-8.
Doanh nghiệp thực phẩm than phiền về sự phức tạp của giấy xác nhận công bố phù hợp trước khi đưa sản phẩm ra thị trườngẢnh: Tấn Thạnh
Theo ông Lâm Bá Nhĩ, Trưởng Phòng Quản lý Chất lượng VISSAN, có trường hợp người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cứng nhắc là nhãn phải ghi "sản xuất tại…" mà không cho ghi "sản phẩm của…" (trường hợp sản xuất tại nhiều địa chỉ khác nhau) hoặc địa chỉ công ty phải ghi thêm "Việt Nam" trong khi trước đây chỉ cần ghi đến quận, TP là đủ gây tốn kém trong sửa đổi bao bì. Ông Nhĩ đề nghị nhà nước nên ban hành nhiều quy chuẩn kỹ thuật để DN theo đó mà áp dụng và tăng tính tự chủ cho DN. Vì thực tế, DN chịu trách nhiệm về sản phẩm, nếu có vấn đề gì thì người tiêu dùng khiếu nại DN chứ không khiếu nại đơn vị cấp giấy.
Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho biết vừa qua thị trường có nhu cầu đối với sản phẩm thịt gà đông lạnh do hàng nhập khẩu về ít. Tuy nhiên, thời gian làm thủ tục công bố để lưu hành gà lạnh quá lâu, trong khi gà tươi công ty đã được cấp phép. "Chúng tôi tiêu thụ gà cho nông dân cần nhanh lẹ. Con gà trắng nông dân nuôi chỉ 40 ngày là xuất chuồng mà chúng tôi làm thủ tục 30 ngày mới xong thì gà quá lứa rồi. Điều quan trọng nhất là thủ tục phải nhanh" - bà Huân nhấn mạnh.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM, nhìn nhận thực tế DN Việt Nam đang kém sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực ASEAN. "Hàng ASEAN vào Việt Nam từ gói mì đến cây xúc xích đều rẻ hơn DN chúng ta sản xuất. Thủ tục hành chính DN đang phải thực hiện quá nhiều, với DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ nếu phải tuân theo những quy định phức tạp thì sẽ không còn thời gian để sản xuất, bán hàng. Do đó, tôi đề nghị cần bỏ thủ tục công bố thực phẩm để cởi trói cho DN. Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập sâu, nhiều sản phẩm nhập khẩu từ các nước tiên tiến như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản có tiêu chuẩn cao, nhiều chỉ tiêu Việt Nam chưa đủ trình độ để kiểm nghiệm. Nếu tiếp tục cách quản lý như hiện nay sẽ gây ách tắc. Thống kê của hải quan TP HCM năm 2016 trong nhập khẩu nguyên phụ liệu thực phẩm, tỉ lệ vi phạm chỉ 0,04%. Điều này cho thấy ý thức chấp hành của DN tốt, nguy cơ thực phẩm mất an toàn rất thấp, không nên tập trung kiểm soát quá chặt như thời gian qua" - bà Chi kiến nghị.
Trước mong mỏi của cộng đồng DN về việc bỏ thủ tục công bố thực phẩm, bà Trần Việt Nga, Phó Cục An toàn thực phẩm, vẫn cho rằng cần duy trì. Bà Nga thừa nhận đây không phải là phương thức quản lý hoàn hảo nhưng phù hợp với tình hình hiện nay. "Việt Nam sản xuất nhỏ lẻ còn rất nhiều, ý thức chấp hành pháp luật kém, vi phạm rất nhiều nên không thể quản lý như các nước tiên tiến là để DN tự công bố, tự chịu trách nhiệm mà phải có sự cấp phép trước thông qua thủ tục tiếp nhận công bố" - bà Nga nêu.
Sẽ bỏ kiểm nghiệm định kỳ
Bà Trần Việt Nga cho biết trong dự thảo sửa đổi Nghị định 38/2012 vừa được trình Chính phủ đã cắt bỏ cho DN thủ tục kiểm nghiệm định kỳ. Nếu điều này được thông qua thì DN sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí. Nhưng thời gian qua, các DN làm rất hình thức nên kết quả mẫu không gắn với sản xuất thực tế, gây lãng phí và không làm cho thực phẩm tốt hơn. Nhiều DN ở các tỉnh xa còn lấy mẫu gửi xe đò không đúng quy trình nhưng vẫn phải làm nếu không sẽ bị phạt.
Bình luận (0)