Về Phụng Hiệp (Hậu Giang) hỏi thăm xóm đũa Tân Long hầu như ai cũng biết, bởi đây là xóm làm đũa tre có trên 40 năm tuổi. Theo bà Tạ Thị Mỹ Lệ (53 tuổi; người có hơn 40 năm làm nghề đũa thủ công), kể rằng làng nghề vuốt đũa này có lâu lắm rồi, ngày trước nghề vuốt đũa này là nghề truyền thống của gia đình bà lúc còn ở Cái Răng (Cần Thơ). Sau đó, khoảng năm 1975, cha mẹ bà đã đến đây sinh sống và mang theo nghề làm đũa đến ấp Phụng Sơn B. "Ngày trước ở Cái Răng làm đũa bằng cây cau, sau khi về đây mới thấy địa phương này không có cau nhưng lại có nhiều tre. Từ đó nghề làm đũa tre được hình thành ở đây", bà Lệ cho biết thêm.
Đũa Tân Long được làm bằng thủ công, không sử dụng hóa chất
Thời gian đầu, chỉ có một hộ duy nhất là gia đình của bà Lệ làm nghề vuốt đũa ở ở xứ này. Dần dà, bà con cảm thấy được nghề này có thể phụ thêm kinh tế cho gia đình lúc nông nhàn nên nhiều người đã học nghề. Từ đó, nghề vuốt đũa được nhiều người trong xóm biết đến. Bà Lệ bộc bạch: "Cái nghề này không phải là thu nhập chính, đây chỉ là nghề tay trái lúc rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Thế nhưng cũng có nhiều hộ thoát nghèo từ nghề này vì số tiền kiếm được từ làm đũa cũng đủ đắp đổi qua ngày, tiền làm nông vẫn còn dư".
Tính đến thời điểm hiện tại, xóm đũa này có khoảng 38 hộ vẫn còn đang theo nghề. Chị Võ Thị Thúy Kiều (35 tuổi), người có hơn 15 năm làm nghề vuốt đũa, tiết lộ sở dĩ xóm đũa này còn tồn tại đến ngày nay là do loại đũa tre này rất được ưa chuộng vì các công đoạn làm bằng thủ công, không sử dụng bất kỳ hóa chất nào để tẩm ướp cho đẹp đũa như một số nơi.
Có 7 công đoạn để làm đũa gồm đốn tre, cưa, chẻ, rọc, bào, chuốt đầu, phơi nắng
Có 7 công đoạn để làm đũa gồm: đốn tre, cưa, chẻ, rọc, bào, chuốt đầu thành chiếc đũa, sau đó đem phơi nắng cho thật khô là hoàn thành. "Làm đũa theo phương pháp thủ công này các công đoạn từ đầu đến thành phẩm đều làm bằng tay, từ tre rồi làm thành đũa, hoàn toàn không hóa chất, làm khô chủ yếu là phơi nắng chứ không dùng máy sấy gì hết nên đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng và đũa cùng bền hơn", chị Kiều cho biết thêm.
Do không dùng bất kỳ phẩm màu hay hóa chất để làm đẹp cho đũa tre nên việc chọn tre cũng là yếu tố quyết định. Tre được chọn làm đũa phải là tre già và là tre đực, vì như vậy có thể làm được nhiều đũa hơn, khi hoàn thiện đũa sẽ đẹp hơn. Theo kinh nghiệm của những người ở xóm đũa này, cứ chọn tre thiệt già và mài cây bào cho thiệt bén là khi đũa thành phẩm sẽ rất bóng, đẹp.
Chọn tre thiệt già và mài cây bào cho thiệt bén là khi đũa thành phẩm sẽ rất bóng, đẹp
Cứ tính trung bình 3 người làm 1 ngày có thể cho ra hơn 1 thiên (thiên = 1.000) đôi đũa, trừ chi phí mỗi người có thể kiếm được từ 100.000-120.000 đồng. "Ở đây ai cũng làm lúa, làm mía, lúc nông nhàn làm thêm nghề này kiếm tiền phụ thêm cho nghề chính. Đối với những hộ không có đất canh tác, thay vì làm thuê làm mướn, họ chọn nghề làm đũa này làm nghề chính, vừa có thu nhập mà còn có thời gian chăm sóc gia đình", bà Lệ thông tin thêm.
Cũng có những khoảng thời gian, xóm đũa này ít nhộn nhịp hơn bình thường vì bị cạnh tranh bởi các loại đũa ngà, đũa nhựa hay đũa sử dụng một lần bán trên thị trường. Nhưng với sự kiên quyết của các thành viên, họ đã cùng nhau đoàn kết, giữ vững cách làm đũa truyền thống kiên trì với nghề. Khi người tiêu dùng nhận thấy yếu điểm của các loại đũa "sang trọng" như: trơn gắp đồ ăn không được, tẩm ướp hóa chất để giữ lâu nên quay lại tìm sử dụng đũa tre truyền thống. Bà Lệ khẳng định: "Tôi tin là đũa của làng nghề Tân Long này không bao giờ mai một, bởi vì chúng tôi làm hoàn toàn bằng thủ công, đảm bảo sức khỏe người dùng nên rất được thị trường ưa chuộng, không lo cạnh tranh".
Hiện tại, xóm đũa này có khoảng 38 hộ vẫn còn đang theo nghề. Trừ chi phí mỗi người có thể kiếm được từ 100.000-120.000 đồng
Bình luận (0)