Một chủ doanh nghiệp (DN) đã nói như khóc với ông Nguyễn Hữu Tân, Vụ phó Vụ Chính sách Tổng cục Thuế, tại tọa đàm liên quan đến Thông tư 130/2016 chiều 28-12. Tọa đàm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
“Nhà cắm ngân hàng rồi”
Chủ DN nhập khẩu xe này không muốn báo chí nêu tên vì “hiện nay tôi sắp rơi vào cảnh mất nhà, mất cửa rồi”. Ông nói: “Tôi là nạn nhân của Thông tư 20/2011 và giờ tiếp tục là nạn nhân của Thông tư 130/2016 do Bộ Tài chính ban hành”.
Ông kể thời điểm trước đây, DN của ông nhập khẩu xe về bán rất tốt. Trên đà thắng lợi, ông đầu tư xây gara để kinh doanh và làm dịch vụ tốt hơn. Nhưng đùng một cái Thông tư 20/2011 ra đời và ông không nhập khẩu xe được nữa. Ông lại phải xoay sang nhập khẩu ô tô cũ và làm dịch vụ nhập khẩu.
Đang cố gắng cầm cự kinh doanh thì ngày 12-8-2016 Thông tư 130 ra đời. Thông tư này quy định: Trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu ô tô trước ngày 1-7-2016 nhưng bán ra từ ngày 1-7-2016 thì khi bán ra cơ sở kinh doanh phải kê khai nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo mức thuế suất quy định tại Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Các ô tô nhập từ năm 2013 đến nay, tôi phải giảm giá, lạy lục khách hàng mua mà không bán được. Tôi đã tay trắng, nhà cắm ngân hàng rồi, chờ ngày phát mại, giờ đang bị truy thu hơn 12 tỉ. Tôi đã đóng cửa công ty vì sợ lắm rồi, tại sao lại ra Thông tư 130?” - chủ DN đặt câu hỏi rồi lặng người.
Bà Nguyễn Thị Xuyến, đại diện Công ty An Phúc Thành, kể công ty của bà bán xe cho khách hàng vào trung tuần tháng 7-2016, đã nộp thuế theo quy định gần 50 triệu đồng. Khi Thông tư 130 ra đời, thanh tra thuế đã vào làm việc năm ngày. Kết quả là chiếc xe đã bán bị truy thu thêm 500 triệu đồng và thêm 192 triệu đồng tiền phạt.
“Thậm chí thanh tra thuế còn bắt buộc công ty đúng ngày phải đem tiền phạt lên, nếu không muốn bị phạt thêm các khoản khác. Mà không phải chỉ chiếc xe này bị truy thu, rất nhiều xe khác đang bị. Số truy thu lên tới hàng tỉ đồng” - bà Xuyến cay đắng.
Không kịp trở tay
Ông Trần Dũng, Giám đốc Công ty Mầu Đức, cho hay công ty ông là một trong những đơn vị tiêu biểu ở Hải Phòng từng đóng thuế gần 1.000 tỉ đồng mỗi năm. Nhưng Thông tư 130 chi phối cả hàng tồn kho từ những năm trước đến nay.
“Hàng tồn thì phải giảm giá nhưng bây giờ Thông tư 130 truy thu thuế tới 150% thì chúng tôi không vượt qua được” - ông Dũng than thở.
Ông Mai Trần Thanh Hoàn, đại diện các công ty nhập khẩu xe hơi tại TP HCM, cũng cho rằng: Công ty ông mỗi năm nộp thuế gần 1.000 tỉ đồng và rất vui mừng vì được nộp số thuế đó. “Nhưng Thông tư 130 khiến DN không trở tay kịp. Bị truy thu quá cao, chúng tôi không có tiền để nộp nữa” - ông Hoàn nói.
Còn Nguyễn Đình Quyết, đại diện một công ty ô tô khác, băn khoăn: Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định thời điểm hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản không được sớm hơn 45 ngày từ ngày công bố hoặc ký ban hành. Vậy Thông tư 130 ban hành tháng 8-2016 nhưng lại áp dụng cho cả những xe đã bán từ ngày 1-7, như thế có trái luật không?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong dẫn nguyên tắc không hồi tố của pháp luật ra và nhận định rằng: Thông tư trên cho phép truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt cả trước khi văn bản ra đời là điều cần phải xem xét.
Chưa tính đến rủi ro của DN?
Ông Nguyễn Hữu Tân, Vụ phó Vụ Chính sách Tổng cục Thuế, sau khi hoan nghênh các ý kiến từ DN đã nhấn mạnh: “Luật 106 đã quy định đảm bảo việc khi bán ra từ ngày 1-7, cùng loại xe thì cùng áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt giống nhau, thống nhất. Nếu bán ra sau 1-7 thì cùng một xe có thể có giá khác nhau, cho đối tượng khác nhau”.
Ông Tân giải thích thêm Thông tư 130 hướng dẫn việc áp dụng thuế đối với xe nhập khẩu trước ngày 1-7 thì không áp dụng thuế suất tiêu thụ đặc biệt theo Luật 106 nhưng khi bán ra thì phải chịu trách nhiệm nghĩa vụ thuế theo thuế suất mới. “Điều này đảm bảo tương thích về thuế tiêu thụ đặc biệt giữa xe trong nước và xe nhập khẩu” - ông Tân khẳng định.
Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, nhận định dù là xe nào thì cũng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng xe nhập khẩu thì phải theo từng đơn hàng. “Cái rủi ro, thiệt hại cho các DN là có, chỉ có thuận lợi cho Nhà nước. Có lẽ nhà soạn thảo chính sách chưa tính đến điều này”.
Ông Nguyễn Minh Phong thì cho rằng đối với thuế tiêu thụ đặc biệt lẽ ra Nhà nước phải truy thu nơi khách hàng đã mua, chứ không để DN truy thu thay vì DN không có chức năng và chế tài. Phải giảm thiểu rủi ro chính sách cho DN.
Bất hợp lý
Ông Nguyễn Tuấn, chủ một công ty nhập khẩu xe hơi đã tạm ngưng kinh doanh để tính đường làm ăn khác, nói: “Thông tư 20 trước đây đã làm gần 200 DN giải thể. Chỉ còn lại vài chục công ty yêu nghề tiếp tục trụ lại. Nay Thông tư 130 ra đời và cơ quan thuế truy thu cả những xe đã bán sau ngày 1-7 khiến các DN lao đao. Có những công ty bị truy thu hàng chục tỉ tiền thuế. Điều đó rất bất hợp lý” - ông Tuấn nói.
Sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể
Trao đổi nhanh với Pháp Luật TP HCM sau tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Tân cho biết: Ông chỉ có nhiệm vụ thông tin và giải thích cho DN về Thông tư 130 để thống nhất cách hiểu. Còn đối với những trường hợp DN cụ thể sẽ xem xét.
Bình luận (0)