Trong chuyến đi thị sát mô hình công nghệ điện rác - WTE tại Nhà máy Cơ khí Chế tạo thiết bị môi trường của Công ty TNHH Thủy lực - Máy (gọi tắt HMC) ở KCN Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là công trình sáng tạo của trí tuệ Việt Nam, lần đầu tiên áp dụng ở nước ta khi mà hiện nay, xử lý rác thải chủ yếu bằng cách chôn lấp.
Công nghệ vượt trội
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong đợt chạy khảo nghiệm từ ngày 21-9 đến 25-10-2016, nhà máy đã tiếp nhận và xử lý sạch 208 tấn rác thải rắn không phân loại do Công ty Môi trường đô thị Hà Nam cung cấp, sau đó dùng để chạy 3 tổ máy phát điện thắp sáng cho toàn bộ hệ thống chiếu sáng hàng rào của nhà máy liên tục trong 12 giờ/ngày (trong 10 ngày), đồng thời đấu điện chiếu sáng cho KCN Đồng Văn I trong 7 ngày liên tục.
Theo lãnh đạo công ty, qua thời gian khảo nghiệm vận hành công nghệ điện rác, xử lý rác thải tạo gas tổng hợp để phát điện rác cho thấy rác hằng ngày đã được xử lý hết, không tồn đọng. Dây chuyền khép kín, không tốn quỹ đất để chôn lấp và không cần phải phân loại rác đầu nguồn. Quá trình chuyển hóa rác thành khí tổng hợp không phát sinh mùi, nước, ổn định và an toàn trong suốt quá trình vận hành.
Kỹ sư Nguyễn Gia Long, Giám đốc Công ty HMC, cho biết với công nghệ này, rác đầu vào được cắt nhỏ chuyển lên băng chuyền, tại đây công nghệ MBT-GRE sẽ tách hết dòng vật chất hữu cơ mô mềm nhanh phân hủy và nước có trong hỗn hợp rác thải (đây là những vật chất dễ phân hủy, gây ô nhiễm mùi kéo theo côn trùng...). Hữu cơ mô mềm và nước được chuyển tự động theo đường ống dẫn xuống hầm sinh học để sản xuất khí methane, phần còn lại là hỗn hợp xơ bã sẽ được sấy giảm ẩm 20%-25%, sau ép thành viên hoặc kiện đưa vào lò khí hóa đa nhiên liệu, sản xuất thành khí tổng hợp (syngas).
“Bản chất của công nghệ MBT-GRE là xử lý, chuyển hóa tất cả các loại chất thải rắn thành năng lượng. Nguồn năng lượng xanh này được sử dụng như là một nhiên liệu cho động cơ đốt trong phát điện hoặc thương mại năng lượng này ở dạng cung cấp nhiệt cho các nồi hơi, lò nung... dùng trong công nghiệp. Sản phẩm còn lại là một lượng than carbon rất ít, được tro hóa sinh khối tận dụng nhiệt cho dây chuyền sấy và một ít dầu mỏ. Không còn rác chôn lấp” - kỹ sư Long cho biết thêm.
Cũng theo kỹ sư Long, ngay từ hồi nhỏ ông đã nhìn thấy trong rác nhiều thứ có thể tận dụng được, tái chế được. Chính vì điều đó mà lớn lên ông đã có niềm đam mê về rác. Sau 16 năm gắn bó với rác, ông đã nếm đủ mùi thất bại cũng như thành công ban đầu để có được thành quả cho ngày hôm nay. “Hiện Việt Nam mỗi ngày phát sinh 12 triệu tấn rác thải sinh hoạt và đến năm 2020 sẽ là 20 triệu tấn mỗi ngày, việc xử lý hiện nay vẫn là đốt và chôn lấp. Từ đó, công ty chúng tôi đã phối hợp cùng với nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước tìm tòi để đưa ra phương pháp xử lý rác theo một hướng có hiệu quả và quan trọng nhất là cái sản phẩm sau rác là sản phẩm phải có giá trị” - ông Long chia sẻ.
EVN sẵn sàng mua điện rác
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Đặng Đình Thoảng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam, cho biết công nghệ điện rác của Công ty HMC cơ bản được đánh giá là ưu việt, ở Việt Nam đến thời điểm này chưa có công nghệ nào tốt hơn.
Vị giám đốc này khẳng định chính quyền tỉnh Hà Nam luôn tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoàn thiện công nghệ này, sớm đưa vào cuộc sống. “Hiện nay, lượng rác thải công nghiệp và sinh hoạt thải ra hằng ngày rất lớn, gây ô nhiễm môi trường cộng đồng xã hội, khó khăn cho các nhà quản lý. Tỉ lệ tái chế rất thấp, phần lớn rác thải được xử lý bằng hình thức chôn lấp. Ở một số nhà máy xử lý rác buộc phải lựa chọn phương pháp đốt tiêu hủy tác động tiêu cực đến môi trường nước mặt, nước ngầm và ô nhiễm khí thải, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Công nghệ này ra đời gắn với thực tế sẽ tránh được tình trạng có nhiều mô hình nghiên cứu tốn kém hàng trăm tỉ đồng ngân sách song không mang lại hiệu quả nên địa phương rất cổ vũ và khuyến khích” - ông Thoảng mong muốn.
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành đánh giá công nghệ hỗn hợp giữa hóa khí từ rác và sử dụng nước thải để tạo thành khí methane và phát điện tại đây là công nghệ mới và cần phải khuyến khích phát triển. “EVN đã từng đàm phán với nhiều nhà đầu tư sản xuất điện từ rác qua 2 công nghệ là đốt rác trực tiếp và chôn lấp để tạo khí phát điện. Tuy nhiên, công nghệ này tôi cho là vượt trội so với 2 công nghệ trước đây” - ông Thành nhận xét.
Lãnh đạo EVN cũng khẳng định sẵn sàng đàm phán hợp đồng mua bán điện cũng như đấu nối lưới điện đối với các nhà máy điện rác, kể cả ở Hà Nam hay xây dựng ở bất cứ đâu. “Nếu các nhà máy điện rác có quy mô lớn hơn thì đấu nối ở cấp 110 KV còn quy mô nhỏ ở khu vực này thì có thể đấu nối ở cấp điện trung áp là 22 KV hoặc 6 KV nếu chỗ nào có lưới 6 KV. Công ty cũng cần cử người liên hệ với tập đoàn để chúng tôi xem xét và đàm phán để có thể xây dựng các nhà máy mới với quy mô lớn hơn” - Chủ tịch EVN đề nghị.
Cần đánh giá lại toàn diện
Theo ông Đặng Đình Thoảng, công nghệ bước đầu đã thành công nhưng để nhân rộng ra toàn quốc hay có thể xuất khẩu được cần phải đánh giá lại quá trình hoàn thiện dây chuyền công nghệ này.
“Máy móc, thiết bị cần được đánh giá xem có bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành xây dựng hay các ngành khác không. Vấn đề chịu lực, chịu áp suất, tính an toàn, tính bền vững. Chúng ta mới chạy thử trong vòng 10 ngày, nếu chạy liên tục với tải trọng cao hơn, dài hơn thì có an toàn, ổn định không? Các phụ phẩm phải đánh giá lại tiêu chí kỹ thuật, các chất độc hại, khí thải xem có an toàn không? Đặc biệt, phải có sự tham gia của Hội đồng Khoa học Kỹ thuật quốc gia mới đánh giá được” - ông Thoảng cho biết thêm.
Bình luận (0)