Bộ Tài chính vừa có báo cáo Chính phủ về tình hình giá cả thị trường và các biện pháp bình ổn giá trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Theo đó, Bộ Tài chính đã đưa ra 5 giải pháp bình ổn thị trường giá cả sau Tết.
Theo Bộ Tài chính, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên sau Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, các lễ hội hầu như đều được tạm dừng không tổ chức, các dịch vụ hàng ăn và dịch vụ ăn uống ngoài gia đình cũng có những hạn chế nhất định tại những tỉnh chịu ảnh hưởng bởi dịch.
Do đó, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân sẽ chỉ tập trung ở một số mặt hàng lương thực, thực phẩm và dự báo sẽ không có biến động lớn; giá cả hàng hóa sẽ nhanh chóng trở lại mức của ngày thường.
Nguồn cung dồi dào và giá cả ổn định mùa Tết Nguyên đán - Ảnh: Minh Phong
Để tiếp tục bình ổn thị trường tháng sau Tết và quý I/2020, Bộ Tài chính trình Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2021.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính trình nhóm 5 giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường dịp sau Tết.
Trước hết, cần tổ chức thực hiện có hiệu quả 5 giải pháp, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu theo các giải pháp đã được đề ra, nguyên tắc điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát. Thận trọng trong việc điều hành giá những tháng đầu năm để tránh lạm phát kỳ vọng trong thời điểm dịch bệnh.
Tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí. Quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết.
Ngoài ra, kiểm tra các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải tổ chức tốt công tác vận tải để phục vụ đủ nhu cầu đi lại cho người dân trong dịp lễ hội đầu năm; yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải công bố và niêm yết công khai mức giá cước theo đúng quy định hiện hành.
Cũng theo Bộ Tài chính, cần tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá, nhất là các mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng nhạy cảm, đến người dân, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.
Giải pháp cuối cùng để bình ổn giá cả thị trường sau Tết Nguyên đán là tiếp tục theo dõi sát diễn biến, chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn thị trường, giá cả, nhất là những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết, trong dịp giáp hạt của người dân và các hàng hóa, vật tư y tế phòng, chống dịch.
Đồng thời, chủ động các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.
Bộ Tài chính nhận định, giá cả thị trường trước, trong và sau Tết không có biến động lớn và mức độ tăng thấp hơn Tết năm trước một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và một phần do nguồn hàng của các đơn vị kinh doanh dồi dào cùng với nhiều chương trình khuyến mại giảm giá của nhiều doanh nghiệp, góp phần ổn định giá cả thị trường trong dịp Tết năm nay.
"Tình hình giá cả thị trường cơ bản bình ổn nằm trong kiểm soát và diễn biến theo đúng với kịch bản công tác điều hành giá trong dịp trước Tết do Ban Chỉ đạo điều hành giá đã đề ra và các định hướng giải pháp quản lý, điều hành giá đã được triển khai các bộ, ngành"- Bộ Tài chính đánh giá.
Bình luận (0)