Theo kế hoạch triển khai chương trình bình ổn thị trường TP HCM năm 2021, TP tiếp tục triển khai thực hiện 4 chương trình bình ổn thị trường gắn với 4 nhóm mặt hàng gồm: các mặt hàng phục vụ người dân phòng chống dịch Covid-19, các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng và các mặt hàng sữa.
Sẵn sàng phương án cung ứng trong "thời chiến"
Chương trình tiếp tục có sự đồng hành của 6 ngân hàng tham gia gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn thị trường 11.346 tỉ đồng. Lãi suất cho vay ngắn hạn và trung hạn để thực hiện chương trình sẽ bảo đảm thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường từ 0,5%-1%.
Trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, TP yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình xây dựng phương án cung ứng trong các giai đoạn ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch với sản lượng dự trữ, cung ứng ra thị trường tăng khoảng 15%-20% so với tháng thường.
Chỉ riêng gần 40 doanh nghiệp tham gia bình ổn mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu đã được giao cung ứng ra thị trường 2.564 tấn lương thực; trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp với dịch Covid-19 là 2.941 tấn, tháng Tết là 3.404 tấn (tương ứng với 35%-50% nhu cầu thị trường).
Trong trường hợp nhu cầu tăng vọt, các doanh nghiệp vẫn bảo đảm khả năng cung ứng đầy đủ hàng hóa với giá bán ổn định để phục vụ người dân. Các doanh nghiệp này hoạt động trong nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, cung ứng hơn 500 sản phẩm; trong đó sự góp mặt của các hệ thống phân phối lớn đã trở thành chương trình có quy mô lớn và sản lượng hàng hóa chi phối mạnh mẽ trên thị trường.
Theo cơ cấu tổ chức, tùy từng nhóm hàng, hàng bình ổn thị trường sẽ chiếm khoảng 25%-50% thị phần; giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng bảo đảm thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 5%-10% và giữ ổn định giá bán trong thời gian 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết nguyên đán.
Qua 1 năm sống chung với dịch Covid-19, các doanh nghiệp luôn đặt trong chế độ "thời chiến", nếu dịch bùng phát trở lại sẽ sẵn sàng kích hoạt các kịch bản đã chuẩn bị sẵn.
Hàng bình ổn thị trường trong siêu thị Co.opmart ở TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Có thể làm mới chương trình
Chương trình bình ổn thị trường TP HCM năm 2021 đã triển khai hơn nửa tháng, các doanh nghiệp đã vào guồng mới.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết việc triển khai các chương trình bình ổn thị trường TP năm nay tiếp tục thực hiện theo hướng xã hội hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
"Chương trình không chỉ bảo đảm bình ổn cho thị trường TP trong cả năm 2021, Tết Nhâm Dần 2022 mà còn chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng" - ông Tú thông tin.
Là 1 trong những đơn vị chủ lực tham gia bình ổn thị trường từ những ngày đầu, năm nay, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) tiếp tục thực hiện bình ổn thị trường 10 nhóm hàng và là doanh nghiệp chủ lực thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op, đánh giá việc chuẩn bị nguồn hàng cho chương trình đang khá thuận lợi vì giá cả thị trường trên bình diện chung không tăng. Dù vậy, nguyên liệu một số ngành hàng tăng mạnh trong các tháng đầu năm, xuất nhập khẩu cũng không thuận lợi do thiếu container…
Theo ông Huy, để chương trình đạt hiệu quả tốt hơn, các cơ quan nhà nước, cụ thể là Sở Tài chính TP, cần kiểm soát giá cả thị trường chặt chẽ hơn, ngăn chặn và xử lý những doanh nghiệp có dấu hiệu độc quyền, ghim hàng, làm giá; qua đó hỗ trợ thiết thực hơn cho doanh nghiệp sản xuất lẫn phân phối trong việc thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường.
Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân, cho biết mặc dù tình hình khó khăn nhưng công ty luôn bảo đảm đủ lượng hàng TP giao. Hiện giá nguyên liệu đầu vào tăng rất cao, trong đó giá cám tăng đến 20%-30% nhưng giá bán sản phẩm theo chương trình sẽ không tăng. Ngoài mặt hàng trứng đã tham gia bình ổn lâu nay thì sẽ tăng cường đưa ra thị trường một số sản phẩm chế biến để đa dạng hóa sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Cần điều chỉnh một số quy định
Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đã kiến nghị các sở - ngành nghiên cứu điều chỉnh một số quy định của chương trình cho phù hợp hơn với thực tế.
Ông Nguyễn Ngọc An, giám đốc công ty, cho rằng cần điều chỉnh khoảng cách chênh lệch giá giữa chương trình bình ổn với giá thị trường theo hướng thu hẹp hơn để giảm áp lực cho các doanh nghiệp bình ổn trong trường hợp giá cả thị trường tăng liên tục. "Ngành sản xuất thực phẩm, đặc biệt là giết mổ, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, lợi nhuận thấp nên mức chênh lệch giá để được điều chỉnh quá cao, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp bình ổn" - ông An nói.
Theo các doanh nghiệp bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo, chương trình đóng khung trong việc phê duyệt mức giá cụ thể cho một số mặt hàng thịt tham gia bình ổn như thịt đùi, ba rọi, nạc dăm... Những phụ phẩm còn lại của con heo như đầu lòng, mỡ... dôi dư rất nhiều, doanh nghiệp phải tìm cách giải quyết. Nên chăng thay đổi cách làm, chuyển sang quy định giá bình ổn cho heo mảnh để doanh nghiệp chủ động tính toán giá các mặt hàng và bán ra thị trường. Nếu giá mặt hàng này quá cao, người tiêu dùng sẽ linh hoạt chuyển qua mặt hàng khác có giá phù hợp hơn, giá trị con heo cũng được khai thác trọn vẹn hơn.
Theo các doanh nghiệp, đang có hiện tượng một số doanh nghiệp vừa chăn nuôi vừa phân phối bán lẻ muốn tăng thị phần thịt heo pha lóc bán lẻ đã đẩy giá thịt heo pha lóc ra thị trường với giá thấp, kéo mặt bằng giá chung xuống thấp và giá bán bình ổn phải thấp hơn 5%. Tình trạng này kéo dài thì nguy cơ doanh nghiệp bình ổn bị lỗ càng lớn.
Bình luận (0)