Trong ngày 28-2, đồng Bitcoin được giao dịch trên thị trường quốc tế ở mức 45.250 USD/Bitcoin, giảm nhẹ so với hôm qua.
Trong vòng 1 tuần qua, đồng tiền kỹ thuật số này liên tục "nổi sóng" khi có thời điểm vượt mốc 58.000 USD/Bitcoin vào ngày 22-2. Nhưng chỉ 1 ngày sau đó, giá Bitcoin đã lao dốc thẳng đứng xuống 45.393 USD/Bitcoin, mất tới 27,7% so với mức đỉnh vừa lập.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh phân tích: Đồng Bitcoin cùng với các loại tiền kỹ thuật số khác đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn của nhiều tổ chức đầu tư trên thế giới. Dịch Covid-19 khiến ngân hàng trung ương nhiều nước bơm tiền qua các gói cứu trợ để kích thích và sớm hồi phục nền kinh tế.
Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát và có vắc-xin, các gói kích thích tiền tệ cũng sẽ tiếp tục được bơm thêm nhằm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các quốc gia…
Trong bối cảnh này, tiền kỹ thuật số trở thành kênh đầu tư nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư, cùng với vàng, chứng khoán, ngoại tệ của các tổ chức tài chính quốc tế.
Giá Bitcoin vượt 58.000 USD vào ngày 22-2 nhưng lại giảm mạnh ngay sau đó. Nguồn: Reuters
"Các quỹ đầu tư phải đa dạng hóa danh mục của mình trong bối cảnh nhiều rủi ro như vàng giảm mạnh thời gian qua, chứng khoán liên tục lập đỉnh nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ "bong bóng". Ngay như Công ty Tesla của tỉ phú giàu nhất thế giới Elon Musk tiết lộ đã đầu tư 1,5 tỉ USD vào Bitcoin… cũng góp phần giúp tiền kỹ thuật số tăng mạnh" - ông Phan Dũng Khánh giải thích.
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo - Nghiên cứu BIDV cũng vừa công bố báo cáo mới về xu hướng tiền kỹ thuật số và Bitcoin, cùng những kiến nghị chính sách đối với Việt Nam.
Theo nhóm nghiên cứu, trong bối cảnh bất định, tiền kỹ thuật số - trong đó có Bitcoin - đang chứng kiến biến động giá lớn nhất trong lịch sử. Năm 2020, giá Bitcoin đã tăng đến 170% dù bị giảm tới 2/3 vào tháng 3-2020 do ảnh hưởng sự bùng phát của dịch Covid-19.
Biến động của đồng Bitcoin trong 1 tuần qua. Nguồn: Coindesk
Đầu năm 2021, Ngân hàng JP Morgan dự báo đồng Bitcoin có thể đạt mức "lý thuyết" trong dài hạn là 146.000 USD, khi nó bắt đầu cạnh tranh với vàng. Còn theo chuyên gia phân tích của Citibank, giá đồng tiền kỹ thuật số này có thể lên đến 318.000 USD vào cuối năm nay…
Ngược lại, các chính khách như bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, coi Bitcoin là tài sản đầu cơ và rất rủi ro. Tỉ phú Bill Gates khuyên rằng nếu không phải người giàu nhất thế giới, bạn không nên mua Bitcoin…
Dù có nhiều quan điểm trái chiều nhưng xu hướng tiền kỹ thuật số chính thống do các ngân hàng trung ương phát hành đang rõ nét, còn xu hướng phát triển tiền kỹ thuật số không chính thống như Bitcoin phụ thuộc vào những rủi ro liên quan.
Đặc biệt, giá Bitcoin biến động quá mạnh chỉ trong thời gian ngắn khiến các chuyên gia tài chính cảnh báo yếu tố "bong bóng" của kênh đầu tư này.
Theo TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo - Nghiên cứu BIDV, tiền kỹ thuật số không chính thống có 5 rủi ro chính, như chưa được coi là tiền tệ chính thống; mức độ biến động giá rất mạnh; chức năng đầu tư đúng nghĩa và phòng ngừa lạm phát của Bitcoin khá mơ hồ; rủi ro pháp lý; rủi ro kỹ thuật và mất tiền…
"Tại Việt Nam, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hiện không chấp nhận tiền kỹ thuật số không chính thống là tiền tệ, việc dùng loại tiền này làm phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật. Do đó, mỗi người dân, nhà đầu tư cần xác định rõ mình muốn gì, mức độ chấp nhận rủi ro đến đâu và rất thận trọng khi xem xét loại tài sản ảo này" - TS Cấn Văn Lực nói.
Ngoài ra, theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, một rủi ro khác là nhà đầu tư đổ vốn vào các kênh tiền kỹ thuật số có thể quên địa chỉ bí mật của ví điện tử, bị hacker xâm nhập… và không thể lấy lại tiền.
Bình luận (0)