Ngày 25-3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã trả lời báo chí một số nội dung liên quan đến việc xuất khẩu gạo. Đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm sau khi Tổng cục Hải quan có văn bản yêu cầu tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng các loại gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24-3.
Sau văn bản của Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương ngay lập tức có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc vẫn thực hiện xuất khẩu hàng hoá. Trả lời về kiến nghị tiếp tục xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết dịch Covid-19 diễn biến đã và đang gây ra những ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Do đó, nhu cầu với một số mặt hàng thiết yếu nhu yếu phẩm, trong đó có gạo, đang tăng rất nhanh và đã bắt đầu xuất hiện nhu cầu tăng dự trữ lương thực để bảo đảm cuộc sống cho người dân.
Bộ Công Thương kiến nghị tiếp tục xuất khẩu gạo
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đã đạt 930.000 tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý có một số thị trường có mức tăng tương đối mạnh. Ở thị trường nội địa, giá cả có biến động theo chiều hướng chung, tăng từ 20-25% tùy theo từng chủng loại.
"Trước tình hình đó, nếu như việc xuất khẩu gạo vẫn diễn tiến như 2 tháng đầu năm thì Việt Nam có thể đối diện với rủi ro là thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước. Vì vậy, chúng tôi đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cân nhắc một số phương án, trong đó có phương án tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo, phương án nữa là xem xét cấp giấy phép xuất khẩu gạo"- ông Trần Quốc Khánh cho hay.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết thêm sau khi xem xét, lắng nghe ý kiến của các bộ ngành, Thủ tướng quyết định tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo đến cuối tháng 5. Trên tình hình đó, Tổng cục Hải quan có chỉ đạo hải quan địa phương.
"Sau khi Tổng cục Hải quan chỉ đạo chúng tôi nhận được ý kiến một số doanh nghiệp, địa phương về việc có thể có độ vênh nhất định giữa số liệu Bộ Công Thương có được với số liệu các địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là sản lượng vụ đông xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long" - ông Khánh nói.
Lý giải thêm về việc "vênh" số liệu, Thứ trưởng Khánh cho biết sau khi có Nghị định 107/2018/NĐ-CP thì đã tự do hóa thị trường gạo. Do đó, doanh nghiệp không phải đăng ký hợp đồng, thông báo về số lượng đã ký hợp đồng, đã xuất khẩu, số liệu tồn kho… cho nên xuất hiện độ vênh số liệu.
"Do đó, chúng tôi đã báo cáo lại Thủ tướng cho phép kiểm tra lại một lần nữa số lượng tồn kho trong dân, số lượng tồn kho ở các doanh nghiệp, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký có thể không lớn như chúng ta dự kiến. Sau khi báo cáo lại Thủ tướng chính phủ sẽ xem xét, quyết định"- Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết việc đầu tiên sau khi báo cáo lại Thủ tướng là kiểm tra độ "vênh" của số liệu về gạo để có các phương án hợp lý.
Trong trường hợp dịch kéo dài, các kịch bản về lương thực đã được Chính phủ tính toán kỹ, trong đó có có dự trữ quốc gia. Nội dung này Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tăng cường dữ trữ quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chuẩn bị tất cả kịch bản lưu thông phân phối hàng hóa, không để thiếu cục bộ bất kỳ chỗ nào.
Cũng theo Thứ trưởng Khánh, vụ lúa của Việt Nam gieo trồng nhanh, trong thời gian ngắn có thể phục hồi đáp ứng yêu cầu. Trong điều kiện dịch bệnh kéo dài vẫn có thể đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tuy nhiên tốc độ xuất khẩu phải kiểm soát nhất định. "An ninh lương thực phải đảm bảo đưa lên hàng đầu"- ông Trần Quốc Khánh khẳng định.
Ngày 24-3, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ngay sau khi Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, TP và một số đơn vị trực thuộc tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng các loại gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24-3.
Theo Bộ Công Thương, sau khi tiếp nhận phản ánh của một số doanh nghiệp, bộ kiến nghị việc mở tờ khai hải quan cho gạo xuất khẩu vẫn tiếp tục được thực hiện bình thường.
Trước đó, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) vừa có công văn hỏa tốc gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và một số đơn vị trực thuộc về vấn đề liên quan đến xuất khẩu gạo.
Trong công văn do Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành ký đã yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, TP tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng các loại gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24-3. Đồng thời, giải quyết thủ tục thông quan các lô hàng gạo xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan trước thời điểm trên.
Tổng cục Hải quan giao giao nhiệm vụ cho Cục Quản lý rủi ro thiết lập tiêu chí đưa mặt hàng gạo các loại thuộc phân nhóm HS 1006.20, 1006.30 và 1006.40 vào diện cấm xuất khẩu. Bên cạnh đó, Cục Hải quan các tỉnh, TP, Cục Điều tra chống buôn lậu có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác đấu tranh, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng gạo các loại qua biên giới và xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc Tổng cục Hải quan có công văn nêu trên là thực hiện kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Bình luận (0)