Thay đổi này được cho là tiếp thu ý kiến góp ý của doanh nghiệp, chuyên gia từ bản dự thảo đề xuất tăng thuế mặt hàng này từ 0% lên 5% trước đó.
Đề xuất chưa tăng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường (MFN) với thép cuộn cán nóng của Bộ Tài chính được sự ủng hộ của các doanh nghiệp thép trong nước Ảnh: TẤN THẠNH
Lý do Bộ Tài chính từng đề xuất tăng thuế là bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm dấy lên lo ngại thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào Việt Nam, kéo giá thép trên thị trường giảm mạnh. Trong khi đó, Việt Nam hiện nhập khẩu hơn 8 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm và 40% số đó là từ Trung Quốc. Nếu không có thuế nhập khẩu, mặt hàng này từ Trung Quốc tiếp tục tràn vào Việt Nam sẽ gây bất ổn thị trường.
Cũng theo tính toán của Bộ Tài chính, việc tăng thuế suất MFN từ 0% lên 5% sẽ làm tăng thu ngân sách nhà nước 3.152 tỉ đồng. Tuy nhiên, số thu thực sẽ thấp hơn con số này bởi doanh nghiệp sẽ tìm nguồn nhập khẩu từ các nước khác có thuế ưu đãi 0% như Hàn Quốc, khu vực ASEAN...
Phản ứng lại đề xuất trên, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) lập tức có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính không điều chỉnh tăng thuế suất MFN đối với sản phẩm này bởi việc tăng thuế gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp (DN) sản xuất cán nguội, tôn mạ và ống thép trong bối cảnh các ngành sản xuất này đang gặp khó khăn. Nguyên nhân do DN sẽ bị hạn chế nguồn cung, trong khi sản lượng sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 10%-13% nhu cầu tiêu thụ mỗi năm. Mặt khác, chi phí giá thành sản phẩm cũng sẽ tăng theo mức tăng thuế, làm giảm khả năng cạnh tranh của tôn mạ Việt Nam.
Đặc biệt, biện pháp tăng thuế suất MFN không những không hạn chế được thép Trung Quốc mà còn tạo cơ hội để lượng thép nhập từ Trung Quốc gia tăng. "Việt Nam và Trung Quốc đều tham gia Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) nên thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt 0% theo hiệp định này. Do đó, nếu tăng thuế suất MFN từ 0% lên 5%, thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 của Trung Quốc sẽ vẫn được nhập khẩu vào Việt Nam với thuế suất 0%" - VSA chỉ rõ trong văn bản kiến nghị.
Do đó, đưa phương án tăng thuế MFN với thép cuộn cán nóng nhập khẩu được cho là động thái tiếp thu tích cực của Bộ Tài chính nhằm bảo đảm không xáo trộn sản xuất - kinh doanh trong nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA, thay mặt các thành viên của hiệp hội đánh giá cao quyết định mang tính cầu thị, nghiêm túc và trách nhiệm của Bộ Tài chính. "Qua khảo sát, thăm dò thành viên của hiệp hội, chúng tôi ghi nhận các thành viên đều phấn khởi khi nhận thấy Bộ Tài chính nhanh chóng ra quyết định, nhất là trong bối cảnh thương mại quốc tế căng thẳng, xu hướng bảo hộ ngày càng gia tăng. Chúng tôi mong Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ những nhà sản xuất trong nước và lợi ích chung của người tiêu dùng, bảo đảm ngành thép phát triển bền vững" - ông Nghiêm Xuân Đa bày tỏ.
Cũng theo chủ tịch VSA, nếu tăng thuế suất chung lên 5%, trong khi thép Trung Quốc vẫn vào Việt Nam với thuế 0% bởi được hưởng ưu đãi từ hiệp định ACFTA thì vô hình trung các nguồn nhập khác bị chặn lại. Như thế, bất cứ chính sách nào cũng vấp phải xung đột lợi ích giữa các bên. Do đó, quyết định chính sách từ phía cơ quan quản lý nhà nước cần thể hiện sự hài hòa trên tổng thể lợi ích quốc gia, lợi ích ngành, chứ không chỉ riêng một nhóm.
Ông Đa cho rằng thép cuộn cán nóng là đầu vào cho rất nhiều khâu, ngành sản xuất những mặt hàng khác. Doanh nghiệp sản xuất, gia công từ nguyên liệu này phát triển bền vững thì mới tạo điều kiện cho thượng nguồn phát triển. Nguyên lý phát triển ngành thép là phải cân đối giữa thượng nguồn và hạ nguồn. "Do vậy, chúng tôi mới có ý kiến kiến nghị không tăng thuế MFN với thép cuộn cán nóng nhập khẩu" - ông Đa nói.
Bình luận (0)