Theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Công ty cổ phần dịch vụ Globaltrans Air có trách nhiệm giải quyết các hợp đồng vận chuyển; các nghĩa vụ về tài chính liên quan đến kinh doanh hàng không chung theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản đề nghị Bộ GTVT hủy bỏ giấy phép kinh doanh hàng không chung của Công ty cổ phần dịch vụ Globaltrans Air do đã quá hạn cấp giấy chứng nhận người khai thác tàu bay.
Công ty cổ phần dịch vụ Globaltrans Air được Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung ngày 17-4-2018. Tuy nhiên, đến nay Globaltrans Air chưa được Cục Hàng không Việt Nam cấp chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC). Do vậy, từ ngày cấp phép đến nay, Globaltrans Air chưa có hoạt động bay.
Căn cứ quy định tại khoản 9, Điều 1, Nghị định số 89/2019/NĐ-CP ngày 15-11-2019 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 8-4-2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, "Giấy phép kinh doanh hàng không chung sẽ bị hủy bỏ nếu không được cấp AOC trong vòng 3 năm kể từ ngày được cấp giấy phép này".
Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết đã theo dõi, có thông báo đến Globaltrans Air về việc giấy phép sẽ bị hủy bỏ trong trường hợp công ty không được cấp AOC theo quy định. Tuy nhiên, cơ quan này không nhận được phản hồi của Globaltrans Air liên quan đến việc cấp AOC.
Do vậy, Cục Hàng không Việt Nam đã có kiến nghị Bộ GTVT xem xét, hủy bỏ giấy phép kinh doanh hàng không chung đã cấp cho Globaltrans Air theo quy định của pháp luật
Globaltrans Air có số vốn điều lệ 100 tỉ đồng, trụ sở tại 48-250 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, Quận 3, TP HCM.
Đây là doanh nghiệp 100% vốn trong nước với 4 cổ đông, do ông Nguyễn Trường Giang (nắm 80% vốn điều lệ) là người đại diện pháp luật và Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Trước đó, Globaltrans Air được Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung vào tháng 4-2015; được gia hạn lần thứ 2 vào tháng 4-2018.
Liên quan đến việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng không, vào tháng 10-2020, Bộ GTVT đã có quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh hàng không chung của Công ty Hàng không Bầu trời xanh theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam.
Đến nay, cả nước chỉ còn 5 doanh nghiệp đang có cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung còn hiệu lực; trong đó, có 4 đơn vị đang hoạt động và đáp ứng các điều kiện của giấy phép. Đó là Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần Hàng không Hành tinh xanh, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam và Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu.
Theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, định nghĩa hàng không chung chỉ hoạt động sử dụng máy bay để thực hiện các chuyến bay trong các lĩnh vực: Công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng và các lĩnh vực kinh tế khác, phục vụ tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể thao, đào tạo, huấn luyện, bay hiệu chuẩn, đo đạc, chụp ảnh, quay phim; bay phục vụ nhu cầu cá nhân và các hoạt động bay dân dụng khác không nhằm mục đích vận chuyển công cộng hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu phẩm...
Bình luận (0)