Đề án này bước đầu triển khai đã thu được nhiều kết quả. Tuy nhiên, số mô hình chuỗi liên kết từ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Số lượng tàu khai thác cá ngừ ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đến tháng 12-2015 là 3.040 chiếc. Sản lượng khai thác đến tháng 11-2015 là 91.356 tấn. Tuy nhiên, về hiệu quả kinh tế, chỉ khoảng 70% tàu đủ chi phí và có lãi, 30% tàu lỗ. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ tính đến ngày 15-11 đạt 408,672 triệu USD (giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2014).
Khai thác cá ngừ hiện còn thiếu đầu tư công nghệ
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), dù có nhiều tín hiệu đáng mừng nhưng số mô hình chuỗi liên kết từ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ còn ít. Các chính sách đầu tư nâng cấp tàu, hầm bảo quản, chất lượng sản phẩm... chưa được quan tâm. Đa số ngư dân chưa được đào tạo, hướng dẫn về vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới; kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới, công tác dự báo ngư trường có cải tiến nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất...
Ông Nguyễn Văn Trung - Vụ trưởng Vụ Khai thác, Tổng cục Thủy sản - cho rằng nguyên nhân chính là do thiếu sự gắn kết giữa các hoạt động, nhiệm vụ trong chương trình công tác của ban chỉ đạo; thiếu nhân sự, kinh nghiệm nên còn lúng túng trong tổ chức thực hiện. Ngoài ra, chưa thể hiện hết vai trò hỗ trợ của nhà nước, còn tình trạng khoán trắng cho đơn vị cấp dưới và doanh nghiệp tự tổ chức thực hiện...
Tổng cục Thủy sản đề nghị Bộ NN-PTNT bố trí nguồn lực đầu tư cho đề án; tăng cường hợp tác quốc tế với các nước tiêu thụ sản phẩm cá ngừ để quảng bá thương hiệu cá ngừ Việt Nam. Đặc biệt là tìm kiếm đầu ra cho cá ngừ Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, năm 2016, cần tập trung đẩy mạnh công tác chuyển giao công nghệ khai thác, bảo quản cá ngừ tiên tiến cho địa phương và ngư dân.
Bình luận (0)