Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản 6804/VPCP-KTTH ngày 23-9 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc huy động vốn triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông.
Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả gặp khó khăn trong việc huy động vốn
Trước đó, Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc huy động vốn triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông.
Doanh nghiệp này cho biết đang gặp khó khăn về huy động vốn để thực hiện các dự án giao thông và kiến nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan của Bộ Tài chính hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các bất cập chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc niêm yết trên sàn chứng khoán.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, xem xét, xử lý các kiến nghị của Đèo Cả theo quy định pháp luật, trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện doanh nghiệp huy động vốn triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (thường trực Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) phối hợp xử lý và đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI), việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng cho các dự án PPP đường cao tốc quy mô lớn gặp khó khăn là điều đã được dự báo từ trước. Vấn đề lúc này là các nhà đầu tư cần phải chủ động có phương thức huy động vốn khác như phát hành trái phiếu công trình để tránh lệ thuộc quá nặng nề vào vốn tín dụng, có thể gây đổ vỡ dự án.
GS-TS-Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, khi dự một cuộc họp Ban chỉ đạo dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, đã nói về phương án huy động vốn mới: "Nếu không vay được nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng thương mại, dự án vẫn khả thi về phương án tài chính khi phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp. Tất nhiên để phát hành thành công trái phiếu cần có sự chung tay của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chính quyền địa phương nơi dự án đi qua và trách nhiệm các cơ quan liên quan đến dự án".
Các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông khi khởi động thì rất rầm rộ, khí thế nhưng một số dự án phải chuyển đầu tư công do không tìm được nhà đầu tư tư nhân. Nếu 2 dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt và Nha Trang - Cam Lâm không thu xếp được vốn tín dụng sẽ gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thành 5000 km đường cao tốc đến năm 2030. Do đó, việc huy động nguồn lực xã hội cần được tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện dự án.
Bình luận (0)