Đó là khẳng định của ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (NSNN) Bộ Tài chính về việc chia lại ngân sách cho thời kỳ ổn định mới đối với các địa phương năm 2017, theo đó dự kiến giảm tỉ lệ thu ngân sách để lại cho TP HCM từ 23 % hiện nay xuống còn 18%.
Ông Võ Thành Hưng cho biết trong cơ cấu thu ngân sách hiện nay, Hà Nội và TP HCM chiếm hơn 50% số thu của cả nước nên khi làm định mức ngân sách, Bộ Tài chính đều phải có rà soát để nguồn lực của 2 đầu tàu kinh tế không bị giảm quá lớn. Cho nên khi giảm tỉ lệ chia ngân sách để lại cho TP HCM đều có lý do và có các nguồn lực khác cộng vào để không bị tác động quá lớn.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, mặc dù tỉ lệ thu ngân sách để lại cho TP HCM năm 2017 dự kiến giảm từ 23% xuống còn 18% nhưng để đảm bảo nhu cầu chi của TP HCM, Bộ Tài chính đã tính đến một số ưu tiên lớn cho địa phương này, định mức chi tính trên đầu người của TP HCM đã cao gấp 1,7 lần so với địa phương khác. Ngoài ra, TP HCM cũng có nhiều công trình Trung ương đầu tư. Cụ thể, ngân sách Trung ương còn đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng để đầu tư một số dự án xã hội, trong đó có ít nhất 3.200 tỉ đồng xây dựng bệnh viện tuyến cuối (bệnh viện ung bướu và nhi). “Nếu tính cả nguồn bổ sung từ ngân sách Trung ương này thì tỉ lệ điều tiết cho TP HCM không phải 18% mà là 22%.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016-2020, TP HCM còn tiếp tục được nhận được vốn ODA 3 tỉ USD để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, xử lý hệ thống cấp thoát nước, các vấn đề môi trường và Chính phủ còn cho vay lại trên dưới 1 tỉ USD. Trong khi đó, nếu TP HCM tiếp tục vượt thu sẽ có thưởng vượt thu theo quy định. Như vậy, nguồn lực phân bổ cho TP HCM năm 2017 không phải giảm mà chỉ là không tăng theo nhu cầu của địa phương này” - ông Hưng phân tích.
Lý giải thêm về việc một số thay đổi trong việc phân chia ngân sách năm 2017, ông Võ Thành Hưng cho biết theo chu kỳ 4 năm một lần, năm 2017 là năm đầu tiên Bộ Tài chính xem xét, cân đối lại tỉ lệ điều tiết NSNN ổn định cho các địa phương trong giai đoạn mới 2017-2020. Tỉ lệ này được tính toán dựa trên tình hình thu và nhu cầu ngân sách thực tế của từng địa phương. Nếu khả năng thu thấp hơn nhu cầu chi, địa phương được nhận bổ sung NS để cân đối. Còn những địa phương có khả năng thu NS lớn hơn thì phải điều tiết về trung ương.
Ngân sách địa phương hiện có khác biệt rất lớn khi 2 đầu tàu kinh tế và 13 tỉnh, thành phố trọng điểm chiếm tới 80% thu ngân sách trong khi các địa phương còn lại chỉ chiếm 20%. Trong đó nhiều địa phương số thu năm 2016 không tăng so với năm 2011. Có tới 50 tỉnh, thành phố vẫn phải nhận nguồn bổ sung cân đối ngân sách hàng năm. Tỉnh nghèo nhất là Bắc Kạn có số thu cả năm chỉ 600 tỉ đồng, chưa bằng 1 ngày thu của TP HCM nhưng vẫn phải chi hàng ngàn tỉ đồng để duy trì bộ máy hành chính từ cấp tỉnh đến xã. Ngay cả khi tỉnh này năm 2016 dự kiến tăng được 1,6 lần thu ngân sách so với năm 2011 nhưng số tăng tuyệt đối chỉ tăng được 70 tỉ đồng nên vẫn rất khó khăn.
Đặc biệt, trong giai đoạn tới, nhiều địa phương nghèo chủ yếu thu từ nông nghiệp nhưng lĩnh vực này đang chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu. Vì vậy, phải phân bổ nguồn lực công bằng hơn sao cho các tỉnh nghèo có đủ nguồn lực phát triển trong khi không làm giảm sức tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế. Đây là nhiệm vụ điều hoà ngân sách, nếu tỉnh nào cũng muốn tỉ lệ ngân sách được giữ lại ở mức cao thì không bao giờ chia nổi “miếng bánh” ngân sách. Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết thêm, cân đối thu chi ngân sách năm 2017 thực sự căng thẳng vì thời gian tới không thể để bội chi lên cao được nữa. Theo Nghị quyết Quốc hội, bội chi không được quá ko quá 4% GDP nhưng giới hạn trần nợ công 65% nên Chính phủ trình Quốc hội mức bội chi chỉ 3,5% GDP là đã giảm để giữ nợ công trong giới hạn cho phép.
Bình luận (0)