Ngày 26-10, lãnh đạo UBND TP HCM đã tổ chức họp với các sở ngành để nghe báo cáo tổng thể nguồn vốn đầu tư thực hiện 7 chương trình đột phá của TP, giai đoạn 2016-2020.
Đã cố hết sức
Mở đầu cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, cho hay vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 là 217.259 tỉ đồng. Nguồn vốn này phân loại theo 7 chương trình đột phá của TP với hàng trăm dự án. Cụ thể, chương trình nâng cao nguồn nhân lực có 441 dự án; chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế TP có 251 dự án; chương trình cải cách hành chính có 52 dự án; chương trình giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông có 404 dự án; chương trình giảm ngập nước có 161 dự án; chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị có 19 dự án…
“Căn cứ khả năng cân đối vốn ngân sách của TP trong giai đoạn 2016-2020, TP chỉ cân đối được khoảng 130.000 tỉ đồng, đáp ứng được 60% nhu cầu” - bà Hoa lưu ý.
Cũng theo bà Hoa, để có thể đẩy nhanh thực hiện 7 chương trình đột phá, TP HCM tìm đủ mọi cách huy động thêm vốn cũng như linh hoạt trong cách triển khai. Cụ thể, HĐND TP đã chấp thuận chủ trương cho TP là thông qua các chương trình, dự án đầu tư công với nguyên tắc huy động vốn đến đâu bố trí đến đó. Kế đến, tùy theo tình hình thực tế nếu có các thành phần kinh tế ngoài nhà nước quan tâm thì điều hành linh hoạt, chuyển đổi dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư bằng hình thức từ nguồn vốn ngân sách chuyển sang các hình thức đầu tư khác.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP nhận thấy để đáp ứng nguồn vốn cho các chương trình đột phá, cần các nguồn vốn xã hội hóa, kích cầu và từ các tổ chức tài chính. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các sở, ban ngành, quận, huyện tổ chức các cuộc họp để đẩy mạnh xã hội hóa ở các lĩnh vực y tế, giáo dục và các lĩnh vực khác. Đến nay, đã có 92 dự án ở các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, giáo dục, văn hóa với tổng mức đầu tư 326.000 tỉ đồng được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Trong đó, 62 dự án có khả năng thu hồi vốn, còn 30 dự án còn lại theo đánh giá của sở là chưa khả thi. Lý do, những dự án này có kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, BOT… nhưng phương án tài chính chưa rõ, vị trí đất xác định được chưa rõ, khó thực hiện.
Còn theo bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính, đã yêu cầu các sở ngành tính toán kỹ hơn về số liệu nguồn vốn cho 7 chương trình đột phá.
Cần trung ương hỗ trợ
Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP HCM, cho biết TP đã lên danh mục các dự án thực hiện 7 chương trình đột phá nhưng giờ TP phải rà soát, cân nhắc lại danh mục, xem dự án nào ưu tiên thực hiện trước. Theo ông Hoan, nguồn vốn ODA ngày càng khó khăn vì không còn được nhận viện trợ mà chỉ được vay trong thời gian ngắn với lãi suất cao hơn trước, vì vậy, TP cũng phải dành tiền trả nợ. Cùng với đó, TP HCM phải giải quyết các vấn đề nóng như ngập nước, kẹt xe…
“Quốc hội đang họp bàn về ngân sách thì TP cũng họp để tìm giải pháp tìm nguồn vốn thực hiện 7 chương trình đột phá. Rất mong trung ương thấy được những cái khó của TP để hỗ trợ TP có điều kiện phát triển, cũng là thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước” - ông Hoan nói.
Về kế hoạch cụ thể của TP, ông Hoan cho hay trước mắt, TP phải giảm tối đa việc chi ngân sách và bằng nhiều cách khác nhau kêu gọi đầu tư xã hội mới có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của TP. Tuy nhiên, ông Hoan cũng cho rằng TP sẽ đánh giá lại hình thức BT xem doanh nghiệp lợi bao nhiêu so với đồng vốn bỏ ra, qua đó tính toán lại để giảm bớt thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Theo đó, đối với các dự án xã hội hóa cần xây dựng tiêu chí để kêu gọi hình thức đầu tư phù hợp cũng như nhà đầu tư phù hợp.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết Ban Thường vụ Thành ủy TP đã có văn bản báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ,… giữ lại tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP là 21% (giảm 2%). Theo ông Tuyến, giảm 2% TP cũng mất đến 7.200 tỉ đồng. Đó là chưa kể sắp tới Quốc hội cũng siết nguồn vay nước ngoài, rồi Chính phủ cũng siết nên TP rất khó khăn trong việc tìm vốn, tìm viện trợ để đột phá.
Để ứng phó với tình hình khó khăn trong giai đoạn sắp tới, ông Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các sở, ngành điều chỉnh, bổ sung nội dung 7 chương trình đột phá hiện có. Đồng thời, nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án từ ngân sách sang xã hội hóa cũng như tham mưu UBND TP về tìm các nguồn vốn, các giải pháp tạo nguồn vốn, gắn liền với tiết kiệm, chống lãng phí. “Hiện nay, 1 đồng vốn ngân sách thì huy động 13 đồng vốn xã hội. Do đó phải phấn đấu huy động được 15 đồng. Huy động được vốn như thời gian vừa qua và phấn đấu như vừa nêu thể hiện niềm tin của xã hội đối với chúng ta” - Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu.
Dừng đầu tư xe công
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết sắp tới có thể TP không đầu tư xe công mà chuyển sang thuê xe.
Ngoài ra, ông Tuyến còn lưu ý tới đây, tất cả các dự án đầu tư công phải báo cáo cho UBND TP giải pháp công nghệ mới để tăng cường hiệu quả dự án. “Nếu đưa công nghệ cũ vào vừa lãng phí vừa thất thoát và cũng không loại trừ làm việc này để trục lợi” - ông Tuyến nhấn mạnh.
Bình luận (0)